Ông Đặng Văn Thành, Phó giám đốc Công ty TNHH may Tây Nguyên (TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk), cho biết: doanh nghiệp mới thành lập chưa đầy một năm và đã đi vào sản xuất ổn định. Sản phẩm may mặc của công ty chủ yếu xuất sang các nước vùng Trung Đông.
Giai đoạn đầu, nhà máy có 100 công nhân, trong đó có 33 lao động là thanh niên dân tộc thiểu số được tuyển từ huyện Krông Ana chưa từng qua đào tạo nghề. Hiện số thanh niên này đang học may tại nhà máy, được công ty hỗ trợ chi phí ăn ở trong 3 tháng đầu, mỗi tháng 800.000 đồng/người.
Theo ông Thành, dự kiến trong quý 2 năm nay, công ty sẽ tuyển dụng thêm để đưa số công nhân người dân tộc tăng lên 300 người và phát triển lên 800 công nhân vào năm 2011. Những người được tuyển dụng đều được hỗ trợ chi phí đào tạo nghề ban đầu; khi trở thành công nhân may lành nghề sẽ có thu nhập khoảng 1,5 triệu đồng/tháng và được thưởng thêm khi vượt định mức sản phẩm.
Ông Thành cho rằng, những thanh niên đồng bào dân tộc ở Đắk Lắk đều có thể đăng ký làm việc tại nhà máy vì cơ hội tuyển dụng hiện còn nhiều.
|
Công ty Cao su Krông Búk, địa chỉ ở huyện Krông Năng (Đắk Lắk), là một doanh nghiệp chuyên canh cây cao su và cà phê, với số lượng lao động hơn 1.600 người, trong đó có 209 là công nhân dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Ê-đê (tỷ lệ 13%). Ngoài chăm sóc, khai thác 2.620 ha cao su kinh doanh, công ty còn mở rộng sản xuất gần 900 ha cà phê, chăn nuôi bò, chế biến cà phê bột, cà phê hòa tan...
Ông Đoàn Trịnh, Trưởng phòng Tổ chức - hành chính, Công ty Cao su Krông Búk cho biết, hướng tới đơn vị phấn đấu tuyển thêm khoảng trên 100 lao động để đưa tỷ lệ công nhân dân tộc thiểu số lên 20% trong tổng số lao động. Số lao động này sẽ được phục vụ trong khu vực sản xuất cà phê.
Theo ông Nguyễn Hồng Minh, những thanh niên dân tộc thiểu số muốn có việc làm ổn định có thể học nghề theo hai nhóm: Nhóm nghề để nâng cao kỹ năng, năng suất lao động để lập nghiệp tại nông thôn như: kỹ thuật khuyến nông, trồng trọt, chăn nuôi, thú y, cung ứng vật tư nông nghiệp, các nghề thủ công mỹ nghệ... Nhóm nghề thứ hai để đi vào nhà máy, xí nghiệp công nghiệp như: nghề cơ khí, điện, nước, xây dựng... |
Công ty chủ trương sẽ tuyển dụng công nhân chăm sóc cà phê là thanh niên dân tộc thiểu số ở các nơi trong tỉnh, đào tạo nghề miễn phí, đồng thời tạo điều kiện cấp đất và chi phí làm nhà ở ổn định ngay tại khu vực sản xuất. Hiện thu nhập bình quân của công nhân làm cà phê là 2,5 triệu đồng/tháng.
Ngành dịch vụ du lịch cũng đang cần lao động có tay nghề. Theo ông Lê Hoàng Cơ, Giám đốc Công ty Thương mại - Du lịch Đam San, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đắk Lắk, hiện ngành du lịch đang rất thiếu lao động người dân tộc thiểu số được đào tạo nghiệp vụ. Thông qua Hiệp hội Du lịch Đắk Lắk, Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) vừa có chủ trương tặng 20 suất học nghề du lịch cho thanh niên dân tộc thiểu số trú tại Đắk Lắk.
Ông Cơ cho hay, những thanh niên đăng ký học nghề du lịch này có thể được đưa về đào tạo tại trường Nghiệp vụ du lịch của Saigontourist, hoặc học tại trường CĐ nghề thanh niên dân tộc Tây Nguyên, được Công ty Thương mại - Du lịch Đam San hỗ trợ điều kiện thực tập.
Ngoài ra, Công ty cổ phần vận chuyển Sài Gòn, một đơn vị trực thuộc của Saigontourist, cũng đang tuyển lao động xuất khẩu sang Malaysia, đối tượng chủ yếu là thanh niên dân tộc thiểu số ở các huyện nghèo thuộc các tỉnh Tây Nguyên. Trong thời gian tới, đây là hướng tạo việc làm quan trọng cho hàng trăm lao động ở các vùng nông thôn miền núi khó khăn...
|
Lĩnh vực đào tạo nghề cũng đang có những chuyển động lạc quan. Ông Nguyễn Hồng Minh, Vụ trưởng Vụ Đào tạo nghề - Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB-XH), cho biết thực hiện Quyết định 1956/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020, Bộ LĐ-TB-XH đang triển khai thực hiện nhiều chính sách ưu đãi học nghề cho lao động người dân tộc thiểu số.
Cụ thể, người học nghề được hỗ trợ chi phí học nghề ngắn hạn, tối đa là 3 triệu đồng/người/khóa học; tiền ăn 15.000 đồng/người/ngày; tiền đi lại 200.000 đồng/người/khóa học hỗ trợ cho người có khoảng cách xa trên 15km...
Theo ông Minh, với đề án này, các tỉnh sẽ đầu tư hình thành mạng lưới trung tâm dạy nghề cấp huyện, đẩy mạnh dạy nghề theo nhu cầu nông thôn, hoạt động đào tạo nghề trong vùng đồng bào dân tộc sẽ có bước tiến mới. Ngoài ra, thực hiện Quyết định 71/2009/QĐ-TTg về hỗ trợ huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động, góp phần giảm nghèo bền vững, thanh niên sẽ được hỗ trợ chi phí đào tạo nghề để xuất khẩu lao động...
Chị Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Phó bí thư Tỉnh Đoàn Đắk Lắk, cho biết: triển khai chương trình học nghề, lập nghiệp cho thanh niên trong giai đoạn tới, Tỉnh Đoàn đã chỉ đạo các Huyện Đoàn, Thành Đoàn phối hợp với các trung tâm, cơ sở dạy nghề mở lớp đào tạo nghề đến cấp huyện; tiếp tục xây dựng Quỹ khởi nghiệp, phấn đấu mỗi năm huy động đóng góp cho Quỹ để hỗ trợ từ 3 - 5 hộ thanh niên dân tộc thiểu số lập nghiệp, mỗi hộ nhận khoảng 50 triệu đồng. Tỉnh Đoàn sẽ đẩy mạnh hoạt động chuyển giao tiến bộ kỹ thuật công nghệ cho thanh niên dân tộc, với các mô hình sản xuất đơn giản nhưng hiệu quả như trồng rau sạch trong nhà lưới, kỹ thuật trồng cà phê, trồng nấm... Tiếp tục thực hiện chương trình tư vấn cho thanh niên về đào tạo nghề, việc làm; phấn đấu xây dựng ở mỗi xã, phường, thị trấn có một điểm tư vấn do Đoàn xã phụ trách. Hàng năm, Tỉnh Đoàn đều tổ chức tập huấn cho cán bộ Đoàn cấp xã chuyên trách hoạt động tư vấn này. |
Trung Chuyên
Bình luận (0)