12 giờ trưa, con tàu HQ 957 của Lữ đoàn 125 anh hùng đưa chúng tôi cập đảo Đá Lớn B thuộc quần đảo Trường Sa sau 3 ngày 2 đêm lênh đênh trên biển... Chàng trai đầu tiên chúng tôi gặp là chiến sĩ Nguyễn Văn Khoản và người đồng đội Trần Văn Tác cùng quê huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, đã làm nhiệm vụ ở đảo Đá Lớn B được 8 tháng. Học xong lớp 12, đôi bạn trẻ xếp bút nghiên lên đường nhập ngũ. Hồi ở nhà trắng trẻo, thư sinh, hễ mưa nắng thất thường là nhức đầu, sổ mũi. Từ ngày ra đảo, hai chàng trai được nắng, gió, muối biển “nuôi dưỡng” thành những chàng trai rắn rỏi, khỏe mạnh.
Trung tá Bùi Xuân Chiến, Chỉ huy đảo cho biết, mùa này biển lặng nhất trong năm. Khoảng một tháng nữa biển bắt đầu “nổi dậy”, lúc đó không phải là lính biển thì không dám bước xuống ca-nô. Trung tá Chiến (42 tuổi) quê ở đất cảng Hải Phòng. Gần 20 năm gắn bó với đảo, anh hiểu biển như chính con người của mình. Anh bảo rằng, biển đã tôi luyện cho chiến sĩ hải quân thành những con người kiên cường, dũng cảm. Họ là những người con của biển vì thế phải có trách nhiệm canh giữ bảo vệ biển mẹ máu thịt thiêng liêng.
“Em cứ hình dung lính biển/ Phong trần như chính biển khơi/ Bước chân chắc như vách đá/ Đỏ hoe mái tóc mặt trời”. Đó là những câu thơ phác họa chân dung người lính biển đăng trên báo tường tại đảo Nam Yết. Đảo Nam Yết đẹp như một kiệt tác của thiên nhiên với những bãi cát trắng nằm nghiêng thoai thoải nổi bật trên nền biển thẳm xanh. Đảo được phủ đầy màu xanh tươi của cây bàng lá vuông, cây tra, cây phong ba bão táp và những hàng dừa cao tít tắp. Nhưng chiến sĩ ở đảo vẫn thế, ngoài làn da rám nắng đặc trưng họ còn được ánh nắng nhuộm màu tóc hoe đỏ, hoe vàng mà các chiến sĩ thường đùa với nhau là “mái tóc mặt trời”. Sở dĩ các chiến sĩ ưu ái gọi mái tóc của mình bằng một cụm mỹ từ như vậy là vì ở Trường Sa, mới 4 giờ trời đã bừng sáng, 6 giờ nắng đã gay gắt và mãi đến 18 giờ nắng mới bắt đầu dịu lại. Hằng ngày luyện tập ngoài thao trường dưới cái nắng như thiêu, như đốt, các anh đã bị nhuộm sạm làn da và đốt cháy mái tóc. Và khi tối về, để tiết kiệm nước, các anh xuống biển bơi vài vòng, rồi lên dội một gáo nước ngọt là xong. Vì thế, tóc các anh không chỉ hoe mà còn loăn xoăn và dính bết lại với nhau. Chiến sĩ Trần Văn Bảo ở Lộc Hà, Hà Tĩnh xoa đầu hài hước: “Màu này cũng mô-đen lắm. Có lần về nghỉ phép bị người ta hỏi nhuộm ở đâu mà đẹp thế, nhưng sau khi nhìn kỹ họ lại bảo, màu đẹp nhưng hơi... loang lổ”. Còn trung úy Nguyễn Văn Hải quê ở Nghệ An thì mái tóc hơi dài, nhìn xác xơ và đỏ hoe hơn. Nhưng Hải lạc quan đùa rằng, đó là kết tinh của nắng và nước biển.
Điều đặc biệt ở đảo là tất cả các chiến sĩ đều có thể cầm kéo cắt tóc cho nhau. Thiếu úy Nguyễn Thành Lợi đang công tác tại đảo Trường Sa Đông được anh em phong cho danh hiệu “cây kéo vàng”. Anh có thể cắt được mọi kiểu tóc. Nhưng Lợi bảo kiểu đầu đinh 3 phân là được anh em chuộng nhất. Chỉ cắt ngắn như thế, anh em chiến sĩ mới bỏ được “mái tóc mặt trời”. Nhưng chỉ cần nhú thêm vài phân, tóc anh em lại trở nên hoe đỏ, hoe vàng.
Bảo Thiên
Bình luận (0)