Van Persie (9) - một trong những tên tuổi trẻ của đội “Hà Lan bay” ở World Cup sắp tới - Ảnh: Reuters |
Tuyển Hà Lan được xem là kẻ thất bại vĩ đại nhất lịch sử các kỳ World Cup, vì họ từng 2 lần liên tiếp tiến rất gần đỉnh vinh quang ở vòng chung kết năm 1974 và 1978 nhưng rồi đã bại trận trong nuối tiếc trước các đội chủ nhà.
Không thắng được sự toan tính
Thập niên 70 được xem là thời kỳ cực thịnh của bóng đá Hà Lan, khi họ khai sinh ra khái niệm “bóng đá tổng lực” (nghĩa là bất cứ cầu thủ nào thi đấu trên sân cũng đều có thể là tiền đạo, tiền vệ hoặc hậu vệ) dưới sự dẫn dắt của cố HLV huyền thoại Rinus Michels. Bên cạnh đó, dưới ngọn cờ đầu là lò đào tạo danh tiếng Ajax Amsterdam, bóng đá xứ sở hoa tulip cũng sản sinh ra nhiều tài năng kiệt xuất - mà đầu tàu là danh thủ Johan Cruyff, cùng những Johan Neeskens, Johnny Rep, Arie Haan... - đã thực sự làm thay đổi trật tự bóng đá thế giới. Chính giai đoạn này đã giúp bóng đá Hà Lan sải những bước chân dài từ chỗ vô danh để đứng cạnh những tên tuổi lớn của thế giới như Brazil, Ý, Argentina, CHLB Đức.
Trước đó, Hà Lan chỉ 2 lần tham dự World Cup ở các năm 1934, 1938 tại Ý và Pháp nhưng đều không qua được vòng 1. Sau đó, kể từ những năm 1950 đến 1970, tuyển Hà Lan chỉ là những kẻ ngoài rìa ở các kỳ World Cup và cả VCK Euro (giải vô địch châu Âu) từ những năm 1960. Phải đến khi Rinus Michels và Johan Cruyff xuất hiện, thì bộ mặt bóng đá vùng đất thấp mới thay đổi hoàn toàn.
Tuy nhiên, những năm tháng vinh quang của đội tuyển Hà Lan hào hoa với lối chơi tấn công làm say đắm lòng người đã không thể tiến lên đỉnh vinh quang, vì không thắng được bóng đá toan tính của người Đức và những tiểu xảo của Argentina. Ở World Cup 1974 tại Đức, Hà Lan không chỉ bất bại ngay từ vòng bảng đầu tiên mà còn khiến cả thế giới phải ngả mũ kính phục khi lần lượt hạ như chẻ tre trước Argentina (4-0), CHDC Đức (2-0) rồi cả đội ĐKVĐ Brazil (2-0) ở vòng bảng thứ hai để hùng dũng tiến vào trận chung kết gặp đội chủ nhà CHLB Đức. Đây cũng được xem là trận chung kết của bóng đá tấn công và phòng ngự. Hà Lan dẫn trước 1-0 ngay phút thứ 2 sau quả phạt 11m do Neeskens ghi. Nhưng, đội Đức lì lợm với lối chơi phòng ngự chặt chẽ đầy toan tính dưới sự dẫn dắt của hậu vệ trứ danh Franz Beckenbauer đã làm đủ mọi cách triệt hạ linh hồn của “bóng đá tổng lực” là Johan Cruyff. Cruyff đã bị hậu vệ Berti Vogts theo sát như hình với bóng, và khi tiền vệ kiến thiết người Hà Lan có bóng thì cầu thủ người Đức lập tức tìm cách đốn ngã. Chính cách chơi chém đinh chặt sắt của Đức đã làm chùn chân các cầu thủ Hà Lan, và nhờ đó đã lật ngược tình thế với bàn gỡ hòa 1-1 của Breitner ở phút 25 cũng từ chấm 11m và sau đó Gerd Muller ấn định chiến thắng 2-1 cho CHLB Đức. Dù thua trận, nhưng bóng đá Hà Lan đã lật sang một trang sử mới từ đó.
4 năm sau ở kỳ World Cup tại Argentina, Hà Lan không có Johan Cruyff, Willem van Hanegem và Jan van Beveren vì những bất đồng nội bộ trong đợt tập huấn trước giải dù những cầu thủ này đã góp công lớn đưa đội nhà lần thứ 2 liên tiếp có mặt ở VCK. Tuy nhiên, “Cơn lốc màu da cam” với những người còn lại như Neeskens, Rep, Haan, Krol và Rensenbrink vẫn tiến vào trận chung kết. Mặc dù vậy, như một định mệnh, Hà Lan tiếp tục thua đội chủ nhà World Cup và lần này là trước Argentina sau những hiệp đấu phụ với tỷ số 1-3. Ở trận đấu này, các cầu thủ Hà Lan dù chơi trên cơ, nhưng đã không chịu được áp lực dữ dội của CĐV đội chủ nhà lẫn những tiểu xảo mà các cầu thủ Argentina sử dụng để khiến đối phương phải đánh mất sự hưng phấn, như bất ngờ bỏ ra sân giữa chừng chỉ để phản đối việc cầu thủ Van de Kerkhof của Hà Lan dùng một loại băng quấn ở cổ tay... Chính những chuyện tranh cãi không đâu vào đâu này khiến các cầu thủ Hà Lan mất tập trung và thua trận. Sau trận đấu, Hà Lan đã bỏ luôn cuộc họp báo và không tham dự lễ bế mạc để phản đối cách đối xử của đội chủ nhà Argentina.
Trở lại tinh thần Euro ’88
Sau giai đoạn lịch sử trên, bóng đá Hà Lan sa sút và liên tục vắng mặt ở các giải đấu lớn vì thế hệ tạo nên bóng đá tổng lực lần lượt từ giã sân cỏ. Phải mãi đến cuối những năm 80, bóng đá Hà Lan mới khởi sắc trở lại khi bộ ba “Hà Lan bay” Ruud Gullit, Frank Rijkaard và Van Basten bước từ bóng tối ra ánh sáng ở VCK Euro 1988. Đặc biệt là sự trở lại của HLV Rinus Michels, và việc ông đã tìm ra một thế hệ mới cho bóng đá Hà Lan: bên cạnh bộ ba “Cơn lốc màu da cam” trên, Hà Lan còn có anh em nhà Koeman (Ronald và Erwin), thủ môn xuất sắc Breukelen, hay tiền vệ Jan Wouters... Chính thế hệ cầu thủ này đã giúp Hà Lan thỏa ước nguyện khi giành chức vô địch Euro’88.
Từ đó, bóng đá Hà Lan đã tránh lặåp lại sai lầm như trước đây khi luôn duy trì một thế hệ kế thừa để đội tuyển luôn là một thế lực của bóng đá thế giới. Tuy nhiên, dù vẫn sản sinh tiếp không ít những tài năng xuất chúng như Dennis Bergkamp, rồi Overmars, Seedorf, Kluivert, Edgar Davids... nhưng tuyển Hà Lan vẫn chưa thể đăng quang ở World Cup. Và nguyên nhân hoàn toàn không phải vì họ kém tài, mà chính vì những cái “tôi” đầy cá tính đã dẫn đến nội bộ không đoàn kết khiến từ World Cup 1990 đến 2006, thành tích cao nhất của Hà Lan chỉ là vào đến bán kết ở France ’98.
Tuy nhiên, đến kỳ World Cup sắp tới, một đội tuyển Hà Lan được xem là mới mẻ hoàn toàn và khác xa những tuyển Hà Lan trước đây, thậm chí là gần nhất ở World Cup 2006. Vì dưới sự dẫn dắt của HLV Bert van Marwijk, những câu chuyện bất đồng nội bộ gần như không còn. Hà Lan đã thẳng tiến ở vòng loại khi là đội đầu tiên ở châu Âu giành vé đến Nam Phi. Tuy nhiên, họ vẫn chưa được dư luận đánh giá cao, vì kể từ sau Euro 2008, những danh thủ kỳ cựu như Van der Sar, Van Nistelrooy... đều đã lần lượt chia tay đội tuyển. Điều đó buộc HLV Marwijk xây dựng một tuyển Hà Lan mới dựa trên những cầu thủ giỏi nhưng chưa thực sự bước lên hàng sao của thế giới. Tuy thế, với những tên tuổi còn trẻ như Van Persie, Huntelaar, Arjen Robben, Wesley Sneijder, Van der Vaart, Nigel de Jong, Heitinga... Hà Lan đang hướng đến tinh thần của Euro ’88, để đưa “Cơn lốc màu da cam” lên đỉnh vinh quang của bóng đá thế giới.
Ở đợt tập huấn chuẩn bị World Cup, Hà Lan đã khởi đầu suôn sẻ với cú đúp của Van Persie trong trận giao hữu thắng Mexico 2-1. Sau trận đấu này, Hà Lan sẽ còn đấu với Ghana ngày 1.6 tại Rotterdam và gặp Hungary 4 ngày sau đó ở Amsterdam, trước khi bay sang Nam Phi để chuẩn bị cho trận ra quân gặp Đan Mạch ngày 14.6 ở bảng E.
Giang Lao
Bình luận (0)