Sút 11m là nỗi khổ của ai?

29/05/2010 09:39 GMT+7

Tính toán của các chuyên gia bóng đá cho thấy, có hơn 50% khả năng đội vô địch tại Nam Phi vào ngày 11.7 tới sẽ phải trải qua ít nhất một cuộc “đọ súng” trên đường tiến đến cúp vàng.

Khoảnh khắc rất nhỏ trên chấm 11m có thể tạo ra một người hùng hay một kẻ tội đồ - Ảnh: AFP

Tính toán của các chuyên gia bóng đá cho thấy, có hơn 50% khả năng đội vô địch tại Nam Phi vào ngày 11.7 tới sẽ phải trải qua ít nhất một cuộc “đọ súng” trên đường tiến đến cúp vàng.

Hai người đàn ông đứng đối diện với nhau, biết rằng một cú đá trước hơn 700 triệu người ngồi trước màn hình sẽ quyết định số phận của đội tuyển họ. Đó là những cú đá trong loạt sút luân lưu. Khoảnh khắc rất nhỏ trên chấm 11m có thể tạo ra một người hùng hay một kẻ tội đồ.

“Nó ám ảnh tôi trong nhiều năm”, Roberto Baggio, cựu tuyển thủ Ý, người đã sút hỏng cú sút luân lưu 11m trong trận chung kết World Cup 1994 giữa Brazil và Ý, nói, “Đó là khoảnh khắc tồi tệ nhất trong sự nghiệp của tôi. Tôi vẫn gặp nó trong những cơn ác mộng”.

Cựu tuyển thủ Anh, Stuart Pearce chia sẻ điều này: “Cả thế giới của tôi sụp đổ. Quãng đường lê bước trở lại vòng tròn giữa sân sau cú sút hỏng là một cơn ác mộng”. Pearce đá hỏng cú sút luân lưu trong trận bán kết World Cup 1990 giữa Anh với Đức.

20 trận thi sút luân lưu ở world cup

2006: Thụy Sỹ-Ukraine 0-3; Đức-Argentina 4-2; Anh-BĐN 1-3; Ý-Pháp 5-3
2002: TBN-Ireland 3-2; TBN-Hàn Quốc 3-5
1998: Argentina-Anh 4-3; Ý-Pháp 3-4; Brazil-Hà Lan 4-2
1994: Mexico-Bulgaria 1-3; Romania-Thụy Điển 4-5; Brazil-Ý 3-2
1990: Ireland-Romania 5-4; Nam Tư-Argentina 2-3; Ý-Argentina 3-4; Đức-Anh 4-3
1986: Brazil-Pháp 3-4; Đức-Mexico 4-1; TBN-Bỉ 4-5
1982: Đức-Pháp 5-4

Từ khi sút luân lưu 11m bắt đầu được áp dụng tại World Cup 1982, cho đến nay đã có 20 trận tại 7 kỳ World Cup phải dùng hình thức này để quyết định kẻ thắng người bại. Trong số 186 cú sút từ chấm 11m ở 20 trận này, có 36 cú sút hỏng. 4 trong 5 nhà vô địch World Cup gần đây đều phải trải qua những cuộc cân não trên đường giành cúp vàng. Đó là Đức năm 1990, Brazil 1994, Pháp 1998 và Ý 2006.

Người Đức là lạnh lùng nhất, họ thắng trong cả 4 lần chơi trò này. Tuy người đầu tiên sút hỏng cú sút luân lưu 11m trong lịch sử World Cup là trung vệ người Đức Uli Stielike (trận bán kết Đức-Pháp năm 1982) nhưng kể từ đó đến nay, chưa có cầu thủ Đức nào sút hỏng, họ đạt độ chính xác 94%. Người ta đồn người Đức có kho dữ liệu về lối sút và bắt 11m của các cầu thủ, thủ môn ĐTQG trên thế giới, vì thế họ rất chủ động trong vấn đề này.

Người Anh thua cả 3 lần thi sút 11m tại 3 kỳ World Cup 1990, 1998 và 2006, các cầu thủ sút hỏng 7/14 cú sút, đạt tỷ lệ có 50%. Những đội như Mexico, Hà Lan, Thụy Sỹ cũng chưa từng thắng ở loạt sút luân lưu, ứng viên vô địch năm nay là TBN cần phải cải thiện khâu này vì thành tích của họ là 1 thắng, 2 thua trong 3 lần chơi trò “đọ súng”. “Đây rõ ràng không phải là trò xổ số bởi thống kê cho thấy sự thành công của người Đức khác với người Anh, người Hà Lan”, Matt Pain, chuyên gia tâm lý bóng đá ở trường ĐHTH Loughborough (Anh) nhận xét. Các HLV đến Nam Phi cần phải sử dụng nhiều thời gian để nghiên cứu các số liệu thống kê, tham khảo các chuyên gia tâm lý để cải thiện thành tích của đội mình.

“Sút luân lưu là một cuộc chơi tâm lý”, giáo sư khoa học thể thao người Na-Uy Geir Jordet nói, “Các loạt sút không quyết định bởi những cú sút đẹp, mà quyết định bởi 1, 2 hoặc 3 cầu thủ thất bại bởi họ không vượt được qua sức ép đặt lên vai họ”. Jordet chỉ ra rằng các cầu thủ Anh, Ý, TBN, Hà Lan thường được báo chí tung hô như ngôi sao nên sức ép đặt lên họ lớn hơn người khác.

Nghiên cứu của Jordet cũng cho thấy các cầu thủ Anh thực hiện cú 11m nhanh hơn tất cả các cầu thủ khác trên thế giới, điều đó có nghĩa là họ muốn thoát khỏi cú sút này càng nhanh càng tốt, và cũng có nghĩa là họ sợ hãi khi phải đứng trước chấm 11m.

Chính Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.