Tham nhũng “vặt”, hậu quả lớn

29/05/2010 00:17 GMT+7

Nhận diện về tình hình tham nhũng trong lĩnh vực giáo dục hiện nay, nhiều ý kiến tại Hội nghị đối thoại phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực giáo dục do Thanh tra Chính phủ (TTCP) và các đối tác phát triển tổ chức tại Hà Nội hôm qua 28.5 bày tỏ sự quan ngại về tính phổ biến của nó.

Ông Ngô Mạnh Hùng, Phó vụ trưởng Vụ Chống tham nhũng, TTCP cho rằng  tham nhũng trong giáo dục xuất hiện ở tất  cả các mặt tuyển sinh, đầu tư mua sắm trang thiết bị dạy học, xây dựng trường, tổ chức cán bộ… Trong đó bức xúc nhất là nạn chạy trường, chạy điểm, dạy thêm, mượn danh nghĩa cha mẹ học sinh và các đoàn thể để ép các khoản đóng góp…

Các đại biểu cho rằng tham nhũng trong lĩnh vực giáo dục có giá trị về mặt tài chính nhỏ so với các dạng tham nhũng khác. Theo lời vị đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), tham nhũng trong ngành y tế và giáo dục ở Việt Nam đang diễn ra hằng ngày, dưới hình thức này hoặc hình thức khác, có tên gọi là tham nhũng “vặt”.

Nạn này có tác động từ văn hóa cư xử, hành vi, nhận thức của người dân. Khảo sát của TTCP mới đây tại Hà Nội, TP. HCM và Đà Nẵng đưa ra nhiều con số nhức nhối, 38% phụ huynh có con học trái tuyến thừa nhận đã chạy chọt, có tới gần 70% phụ huynh cho rằng việc bỏ tiền để “bôi trơn” cho con em mình học ở trường tốt là điều bình thường.

Cũng theo TTCP, đang có một thực tế là người ta chấp nhận việc bỏ tiền cho con em đi học thêm để có kết quả tốt hơn và thầy cô giáo chấp nhận việc dạy thêm để có thu nhập. Mặt khác, có không ít phụ huynh cho rằng, dù không muốn trả các chi phí ngoài quy định, cũng không muốn con em mình phải học thêm nhiều vì gánh nặng chi phí nhưng vì có quá nhiều người đồng tình nên phải chấp nhận. 

Những tiêu cực trong giáo dục hiện nay ai cũng thấy, ai cũng biết nhưng trong 3 năm qua, toàn ngành giáo dục chỉ phát hiện được 23 đơn vị có hiện tượng tham nhũng trong tổng số 40.000 cơ sở giáo dục từ mầm non đến đại học với hơn 1 triệu giáo viên và 23 triệu học sinh. Điều này đặt ra câu hỏi phải chăng tham nhũng trong ngành giáo dục phần lớn là “vặt vãnh” nên không được quan tâm?

Câu hỏi không dễ để trả lời nhưng mọi người ai cũng thống nhất rằng, dù là tham nhũng “vặt” nhưng hậu quả của nó rất lớn. Theo như ông Trần Quang Quý, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT thừa nhận, các hiện tượng tiêu cực đang làm giảm uy tín của ngành cũng như uy tín và danh dự của các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, giảm sút lòng tin của nhân dân đối với một số cơ sở giáo dục, tạo nên những vật cản trong quá trình phát triển của giáo dục. Còn Đại sứ Thụy Điển Rolf Bergman thì cho rằng, một đứa trẻ khi bắt đầu đi học đã phải chứng kiến những hiện tượng tiêu cực từ bố mẹ, thầy cô và được xã hội thừa nhận thì những hệ quả sẽ còn lớn hơn rất nhiều.

Thái Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.