Thanh Niên giới thiệu phần hướng dẫn của các giáo viên có nhiều kinh nghiệm nhằm giúp TS đạt kết quả tốt nhất.
Toán: không cần sử dụng kiến thức nâng cao
Thông thường, câu I phần chung là câu hỏi về hàm số (3 điểm) với nội dung khảo sát hàm bậc 3, bậc 4 trùng phương và hàm hữu tỷ bậc 1/bậc 1. Với câu này, TS cần tính đúng đạo hàm vì nếu tính sai sẽ nhận ngay điểm 0. Ở phần này sẽ có một câu hỏi phụ (1 điểm). Câu hỏi này có thể liên quan đến câu 1 ở phần khảo sát, có thể là câu độc lập. Một trong những sai lầm dễ xảy ra là nghiệm kép trong các bài toán tiếp tuyến, tiếp xúc, sử dụng định lý đảo về dấu tam thức bậc 2. Vì vậy TS cần lưu ý để tránh nhầm lẫn.
Câu II sẽ là câu hỏi tổng hợp (3 điểm), trong đó đối với câu hỏi về phương trình, bất phương trình (1 điểm), TS cần chú ý điều kiện của biến số và khi đặt ẩn phụ phải có điều kiện cho ẩn phụ. Câu III hỏi về hình học không gian (1 điểm) yêu cầu TS cần vẽ hình chính xác, có thể sử dụng kiến thức hình học không gian thuần túy hoặc sử dụng phương pháp tọa độ trong không gian. Ở phần riêng (3 điểm), phần theo chương trình chuẩn, câu IVa là câu hỏi về phương pháp tọa độ trong không gian (2 điểm) yêu cầu TS nắm vững khái niệm các véc- tơ đặc trưng và sử dụng đúng công thức. Đối với câu Va, câu hỏi về số phức hoặc ứng dụng tích phân (1 điểm), yêu cầu TS nắm vững các phép toán trên số phức. Trong các bài toán tính diện tích hình phẳng hay tính thể tích cần phải điền "đvdt, đvtt" vào sau kết quả cuối cùng.
Do đề thi tốt nghiệp kiểm tra kiến thức cơ bản trong phạm vi chủ yếu của lớp 12 nên TS chỉ cần sử dụng kiến thức trong chương trình lớp 12, không cần thiết phải sử dụng kiến thức nâng cao.
Thầy Trần Phương - giảng viên môn Toán,
Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng
(Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam)
Ngữ văn: bí quyết làm văn nghị luận
Phần đề chung dành cho tất cả TS của môn Văn gồm 2 câu. Câu 2 điểm yêu cầu tái hiện kiến thức về giai đoạn văn học, tác giả, tác phẩm văn học Việt Nam và nước ngoài. Câu 3 điểm yêu cầu vận dụng kiến thức xã hội và đời sống để viết bài nghị luận xã hội khoảng 400 từ. Để làm tốt phần nghị luận xã hội, TS phải xác định vấn đề nghị luận cho chính xác và viết ngắn gọn, mạch lạc.
Chiếm một nửa số điểm của đề thi là bài nghị luận văn học, để làm tốt câu hỏi này, cần có sự ôn tập công phu trong cả hai thể loại chính là thơ và văn xuôi. Về văn xuôi, TS phải nắm chắc được hình tượng nhân vật cũng như các giá trị nội dung và nghệ thuật trong tác phẩm tự sự như tình huống, kết cấu, chi tiết… Các em cũng rất cần nắm chắc những dẫn chứng quan trọng, từ các chi tiết trần thuật, miêu tả đến các câu nói của nhân vật. Về thơ, yêu cầu quan trọng nhất là nắm chắc cảm hứng trữ tình, phân tích được những nét chính trong giá trị nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ hay bài thơ.
TS Trịnh Thu Tuyết
(GV trường THPT Chu Văn An - Hà Nội)
Hóa học: Vững lý thuyết
Đề thi môn Hóa học luôn có 3 nội dung: Hóa đại cương, Hóa vô cơ và Hóa hữu cơ. Và trong mỗi nội dung đều có lý thuyết thuần túy, lý thuyết vận dụng và bài toán. Thông thường khi làm bài, TS hay mắc lỗi ở phần lý thuyết vận dụng. Vì vậy TS phải học kỹ lý thuyết để có thể suy luận, phân tích đề một cách chi tiết.
Ở các câu hỏi dạng toán, có nhiều lựa chọn nên đòi hỏi TS phải tư duy nhanh nhạy để giải quyết vấn đề trong thời gian ngắn. Khi làm bài phải sử dụng đúng phương pháp. Các phương pháp sử dụng trong giải bài toán là bảo toàn nguyên tố, bảo toàn khối lượng - tăng giảm khối lượng, bảo toàn điện tích, bảo toàn electron và phương pháp trung bình sử dụng sơ đồ đường chéo. Bên cạnh đó, TS hãy cố gắng sử dụng phản ứng dưới dạng phương trình ion thu gọn, tính nhẩm hoặc biện luận để lựa chọn kết quả chính xác nhất.
Cô Lê Quỳnh Liên - Tổ trưởng Tổ Hóa
trường THPT chuyên Lê Hồng Phong
Tiếng Anh: Dùng phương pháp loại trừ
TS cần nắm vững kiến thức căn bản như cách dùng các thì, sự hòa hợp giữa các thì, thụ động cách, câu gián tiếp, mệnh đề tính từ, mệnh đề danh từ, mệnh đề trạng từ, cách dùng động từ khiếm khuyết, cấu trúc câu There is, There are...
Trong mỗi đề thi luôn có phần đọc hiểu gồm 5 hoặc 10 câu chiếm từ 1 đến 1.5 điểm nhưng TS không nên dồn nhiều thời gian vào việc dịch nghĩa từ. Có thể TS không biết hết nghĩa của các từ trong đoạn văn nên cách tốt nhất là phỏng đoán nội dung. Nhiều khi chỉ với một câu, TS có thể hiểu được toàn bộ nội dung đoạn văn, từ đó dễ dàng tìm ra đáp án chính xác...
Mỗi câu hỏi đều có 4 đáp án, các năm trước đề thi thường ra 2 đáp án sai, vì vậy các em nên dùng phương pháp loại trừ ngay từ đầu. Sau đó chỉ cần suy luận với 2 đáp án còn lại để ra kết quả cuối cùng.
Cô Lê Thị Kim Loan - Tổ trưởng Tổ Tiếng Anh trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM)
Lịch sử: Đúng, đủ, rõ ràng
Một trong những lỗi khá phổ biến mà TS cần tránh là lạc đề, thừa hoặc thiếu kiến thức cơ bản. Để khắc phục tình trạng trên, cần đọc kỹ đề thi, xác định rõ yêu cầu của đề và chuẩn bị dàn ý sơ lược trước khi viết bài. Đọc kỹ câu hỏi để xác định thời gian, không gian, nội dung lịch sử và yêu cầu của câu hỏi (trình bày, so sánh, giải thích, phân tích, đánh giá...).
Hãy căn cứ vào điểm số của từng câu mà tính thời gian, mỗi điểm khoảng 15 phút là phù hợp. Hãy coi mỗi câu hỏi như một bài viết ngắn, lập dàn ý, xác định những ý chính và trình tự của các ý. Sau đó hãy “mở bài” trực tiếp, ngắn gọn. Sau khi viết hết nội dung, khắc sẽ biết kết luận. Đừng nghĩ trước kết luận và cũng chỉ nên kết luận thật ngắn gọn.
Hãy cố gắng viết cho rõ ràng, đúng câu, đúng chính tả, đừng dùng từ sáo rỗng, dài dòng, đừng viết tắt. Hãy luôn nhớ: đúng, đủ, rõ ràng, thế là đã tốt; lời văn giản dị, thế đã là hay.
PGS-TS Vũ Quang Hiển
(khoa Lịch sử - trường ĐH KHXH-NV Hà Nội)
Địa lý: Lưu ý 3 kỹ năng
Thứ nhất là kỹ năng lập, phân tích bảng số liệu. Rất có thể phải lập bảng số liệu dựa vào biểu đồ trong Atlat. Khi tính và nhận xét, phân tích số liệu cần chú ý đến các mốc quan trọng trong bảng số liệu (chứ không phải mô tả bảng số liệu) tăng giảm thế nào... Mấu chốt của việc phân tích số liệu là phải biết số liệu ấy thể hiện gì, sự thay đổi của các dãy số liệu phản ánh điều gì, tại sao lại như thế.
Thứ hai là kỹ năng vẽ biểu đồ. Cần chú ý khi nào thì vẽ biểu đồ nào: biểu đồ cột, biểu đồ đường (đồ thị), biểu đồ tròn hay biểu đồ miền. Vẽ chính xác, nhanh chóng, đầy đủ các yếu tố cần thể hiện như đơn vị, tên biểu đồ...
Thứ ba là kỹ năng sử dụng Atlat. Câu hỏi thường là “Dựa vào Atlat địa lý Việt Nam và kiến thức đã học em hãy...”. Như vậy, để làm tốt câu hỏi này, TS phải biết kết hợp hai nguồn kiến thức để làm bài: kiến thức đã học và các kiến thức thể hiện rõ trên Atlat như sự phân bố, các mối quan hệ về không gian lãnh thổ giữa các sự vật, hiện tượng địa lý... Biết khai thác các số liệu trong Atlat thì bài thi được đánh giá chất lượng hơn, thời sự hơn.
Vũ Quốc Lịch - giáo viên Địa lý
trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam
8 bước ghi nhớ khi làm bài thi Bước 1: Hoàn thành thủ tục ghi tên, số báo danh, số phòng thi... Bước 2: Đọc lướt toàn bộ đề thi trong 3 phút, đánh dấu phân loại các câu hỏi dễ, trung bình, câu hỏi khó và câu hỏi không thể làm được (so với bản thân). Bước 3: Nháp mỗi câu hỏi chỉ trên 1 mặt giấy hoặc 1 tờ giấy để dễ so sánh đối chiếu. Bước 4: Làm cẩn thận các câu hỏi dễ. Bước 5: Làm các câu hỏi trung bình. Bước 6: Làm các câu hỏi khó (bỏ qua câu hỏi không thể làm được). Bước 7: Xem toàn bộ bài làm, ghi số tờ giấy thi làm bài. Bước 8: Nộp bài thi. |
Vũ Thơ - Tuệ Nguyễn - Bích Thanh
(ghi)
Bình luận (0)