Trăm kiểu “học hè”
Đứng tần ngần một lúc lâu trước bảng thông báo chiêu sinh các khóa hè tại nhà thiếu nhi TP.HCM, chị Thanh (Q.5) không khỏi đắn đo, băn khoăn trước một danh sách dài các môn năng khiếu như đàn, hát, múa, vẽ, bơi lội, cầu lông, luyện viết…Chị đắn đo vì mỗi môn chỉ học trong vòng một tiếng, chẳng bõ công đưa đón, nếu đăng ký một lúc 2 môn, số tiền cho 2 đứa con chị sẽ lên đến gần 800.000 đồng, một con số không phải là nhỏ đối với gia đình chị.
Khá giả hơn gia đình chị Thanh, chị Hằng (Q.2) muốn con mình “cái gì cũng phải biết”, nên không ngần ngại đăng ký hết tất cả các môn cho con dù trước đó con chị mếu máo: “Con không thích học gì hết, chỉ thích được bố mẹ dẫn đi chơi thôi”. Kết quả là lịch học hè của cậu bé 8 tuổi con chị được đánh dấu chi chít từ thứ Hai đến Chủ nhật, thậm chí thứ Bảy và Chủ nhật bé phải học cả 2 ca, buổi sáng học năng khiếu, chiều đến trường học Anh văn. Khi được hỏi sao cho bé học nhiều thế, chị thẳng thắn cho biết: “Nhỏ mà không học, lớn lên sẽ chẳng làm được gì. Ngày xưa mình không có điều kiện nên mới không được học, bây giờ mình có tiền thì cứ cho con đi học. Học, trước là để biết, sau là để thể hiện tài lẻ (đàn, hát, vẽ…) và để tự bảo vệ mình (võ, bơi lội…)”.
Thông tin thêm |
Cũng có những bậc phụ huynh không muốn nhồi nhét cho con trong 3 tháng hè liền gửi con về quê nội hoặc quê ngoại. Đó là trường hợp của anh Tùng (Phú Nhuận), sắp tới anh sẽ gửi 2 con về Long An, ở đó ông bà nội và những đứa cháu sẽ thay nhau trông coi các bé nên anh cũng yên tâm và hy vọng rằng sau 3 tháng hè, với việc hít thở không khí trong lành nơi miền quê, các con anh sẽ có một mùa hè thật sự, tâm lý thoải mái, khỏe khoắn và ông bà cũng vui hơn vì có cháu về chơi. “Học kỳ hè ở quê” có thể xem là một điều rất hay với các bé trong dịp hè nhưng không phải gia đình nào cũng có điều kiện cho con về quê như gia đình anh Tùng vì nhiều lý do như sức khỏe của ông bà, quê quá xa hay bé còn quá nhỏ…
Để bé có một mùa hè đúng nghĩa
Theo thống kê của các nhà thiếu nhi trên địa bàn TP.HCM, trong dịp hè, trung bình mỗi bé được bố mẹ đăng ký từ 3 đến 5 môn năng khiếu, mà đôi khi những môn đó chẳng liên quan gì đến nhau như võ và thể dục nhịp điệu. Bố mẹ thường có tâm lý muốn con mình cái gì cũng phải biết mà không quan tâm con mình có năng khiếu môn gì hay có thích học những môn đó không, hoặc một số bậc phụ huynh cho biết do chưa phát hiện được năng khiếu của con nên cứ cho con học hết tất cả các môn đến khi nào tìm thấy được năng khiếu của con thì tập trung đầu tư cho bé môn đó. Hậu quả của tâm lý đó là những đứa trẻ sau 9 tháng học hành ở trường, lại phải tiếp tục 3 tháng học hè, dù những môn này thú vị và đỡ căng thẳng hơn, nhưng cũng làm các bé mất đi mùa hè thật sự của mình khi không còn thời gian vui chơi, giải trí.
Theo các chuyên gia tâm lý, trong thời gian nghỉ hè, các bậc phụ huynh nên tranh thủ đưa trẻ đi chơi, đi du lịch hoặc về quê. Đó cũng là một cách học. Chẳng hạn, đến những khu di tích trẻ sẽ học được nhiều về lịch sử, đến các khu du lịch trẻ học được những điều về thiên nhiên, thêm vào đó việc tiếp xúc với thiên nhiên sẽ giúp trẻ thư giãn đầu óc, quên đi những mệt mỏi để bước vào năm học mới với tâm lý thoải mái hơn. Qua đó, các em còn phát triển được tình yêu quê hương, đất nước của mình. Riêng với các môn năng khiếu, chỉ nên cho trẻ học 1-2 môn, học những môn mà các em cảm thấy thích, không gò bó, ép buộc các bé phải học và giỏi tất cả các môn. Như vậy, trẻ sẽ sớm bộc lộ năng khiếu của bản thân và không làm mất thời gian đưa đón cũng như tiền bạc của phụ huynh.
Phương Mai
Bình luận (0)