Kỳ án hiếp dâm, cướp tài sản
Cuối năm 2000, vùng quê yên bình thuộc xã Yên Nghĩa, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây cũ (nay là P.Yên Nghĩa, Q.Hà Đông, Hà Nội) xôn xao trước tin 3 thanh niên gồm: Nguyễn Đình Tình (29 tuổi), Nguyễn Đình Lợi (30 tuổi) và Nguyễn Đình Kiên (30 tuổi) bị bắt vì tội hiếp dâm và cướp tài sản.
Tại hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm vào năm 2002, các cơ quan xét xử thuộc tỉnh Hà Tây lúc đó đều có chung kết luận: Vào tối 24.10.2000, Tình, Lợi, Kiên mang theo hung khí bàn nhau đi trấn lột. Khi đến khu vực trạm bơm xã Yên Nghĩa (nay là P.Yên Nghĩa, Hà Đông), cả ba phát hiện một đôi trai gái đang ngồi tâm sự trên xe máy. Lợi dùng dao gí vào cổ, khống chế người đàn ông kéo xuống mương, cướp tài sản. Sau đó, cả ba khống chế cô gái để cướp vàng, rồi thay nhau lột đồ, hãm hiếp nạn nhân.
Ngày 22.4.2002, mặc dù Tình, Lợi và Kiên đã một mực kêu oan, không nhận tội như tại cấp sơ thẩm nhưng Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội vẫn tuyên các bị cáo phạm tội và phải nhận tổng cộng 41 năm tù.
Chiều 27.5, Thường trực Hội LHTN Việt Nam đã đến tặng quà, thăm hỏi, động viên Tình, Lợi, Kiên. Anh Nguyễn Mạnh Cường - Phó chủ tịch thường trực Hội LHTN Việt Nam, cho biết trong thời gian tới Hội LHTN Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ tìm việc làm, giúp cả ba sớm hòa nhập, ổn định cuộc sống. |
Viện KSND tối cao cũng chỉ ra hàng loạt tắc trách của các cơ quan tố tụng: Thời điểm xảy ra vụ án, Tình, Kiên và Lợi có bằng chứng ngoại phạm là đang đi dự sinh nhật bạn, có nhiều người làm chứng nhưng lại không được các cơ quan tố tụng quan tâm, xem xét. Vật chứng duy nhất trong vụ án là chiếc áo thủ phạm đã bỏ lại hiện trường, nạn nhân nhặt được nhưng trong hồ sơ lại thể hiện một chiếc áo khác...
3 cuộc đời, 3 nỗi đau
Án oan, ai chịu trách nhiệm? Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư Hà Nội), người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho 3 thanh niên nói trên trong phiên giám đốc thẩm nhấn mạnh - trong trường hợp xác định các bạn trẻ này bị oan thì dù tỉnh Hà Tây đã sáp nhập vào Hà Nội nhưng nhiều cá nhân tham gia điều tra, xét xử vụ án vẫn đang đương chức, giữ các vị trí quan trọng tại các cơ quan nhà nước, nên “cần phải xem xét toàn diện, không những về bồi thường nhà nước mà còn làm rõ trách nhiệm của những người trong các cơ quan tố tụng đã tham gia điều tra, xét xử vụ án”. |
Trước khi bị bắt, Nguyễn Đình Kiên đang trong thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự tại Tiểu đoàn 3 Lữ đoàn 144, đóng quân tại Nhổn. Kể lại sự việc, Kiên cho biết khoảng tháng 12.2000, một cán bộ công an mặc thường phục xin phép đơn vị, tìm gặp hỏi chuyện về chuyến nghỉ phép của Kiên, rồi thông báo Kiên có liên quan đến vụ án hiếp dâm xảy ra tại địa phương. Sau cuộc gặp, Kiên nhận quyết định ra quân trước thời hạn. “Tôi quá bất ngờ vì 10 ngày phép chỉ loanh quanh thăm hỏi anh em, bạn bè. Mãi sau này khi có công an đến làm việc, tôi mới biết địa phương xảy ra chuyện như thế”, Kiên nói.
10 năm con trai đi tù, cuộc sống gia đình ông Nguyễn Đình Thìn (bố Kiên - PV) như trong địa ngục. Trước sự đàm tiếu của dư luận, ông Thìn lúc đó là sĩ quan quân đội nghỉ hưu phải bỏ cả công việc Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Yên Nghĩa, rồi cầm sổ đỏ vay tiền ngân hàng để có nguồn chi phí thăm nuôi, đi lại kêu oan ròng rã cho con. “Bây giờ, gia đình chúng tôi chỉ có nguyện vọng duy nhất là các cơ quan công quyền sớm điều tra lại vụ án, truy tìm thủ phạm, trả lại danh dự và niềm tin, giúp các cháu sớm ổn định cuộc sống”, ông Thìn tha thiết bảo.
Còn với gia đình Nguyễn Đình Lợi, từ ngày Lợi bị bắt vì tội danh cướp của, hiếp dâm, cô em gái Nguyễn Thị Hà phải bỏ học, không dám tới trường do không chịu nổi những lời dị nghị xung quanh. Thương con gái suy sụp, bà Nguyễn Thị Hưng (mẹ Lợi - PV) phải nhờ thầy hiệu trưởng tới nhà thuyết phục Hà trở lại trường học. Bản thân Lợi lúc ấy cũng đang làm chủ cửa hàng sửa xe máy, có người yêu ngoan hiền chỉ chờ ngày se duyên chồng vợ. Sự việc xảy ra khiến mọi dự định của đôi bạn trẻ tan thành mây khói. Một mực tin tưởng bạn trai không làm chuyện đồi bại, cô gái kiên nhẫn chờ đợi gần 7 năm cũng đành lấy chồng xa xứ.
Ngồi bên cạnh các bạn mình, Nguyễn Đình Kiên bộc bạch: “Gần 10 năm bị cách ly xã hội, để hòa nhập trở lại không phải là điều dễ dàng. Mỗi người sẽ cố gắng làm việc thật nhiều để lấy lại những gì đã mất”.
Thái Uyên - Phan Hậu
Bình luận (0)