Bão táp trong "Vùng xanh"

03/06/2010 00:57 GMT+7

Tiếng chói gắt của súng đạn, tiếng gầm không ngớt của máy bay quân sự, tiếng nổ gằn của xe bọc thép và một không khí quánh đặc khói súng là lớp phủ của Green Zone (Vùng xanh).

Hiện hữu một chương trình vũ khí hủy diệt tại Iraq là cái cớ hoàn hảo cho việc quân đội Mỹ đổ bộ vào đất nước còn đang sống trong tình trạng vô chính phủ khi Saddam Hussein đã bỏ trốn. Những nhóm quân tinh nhuệ nhất từ lệnh của Lầu Năm Góc đã lùng sục khắp nơi theo một tài liệu chỉ điểm mơ hồ được cho là từ một vị tướng Iraq ủng hộ sự lật đổ chế độ độc tài Saddam Hussein cung cấp cho tình báo Mỹ. Nhưng tại các địa điểm lẽ ra phải có dấu vết của thứ vũ khí hủy diệt bí mật kia, quân đội Mỹ đều không tìm được bằng chứng. Là một câu chuyện hư cấu, nên Vùng xanh (ra mắt ở Việt Nam với tựa Bão táp sa mạc) không ngần ngại công kích vào lỗi lầm của Chính phủ Mỹ mà đứng đầu khi đó là Tổng thống Bush về sự dối lừa trong cuộc chiến của người Mỹ ở Iraq.

Nhóm quân do chuẩn úy Roy Milles chỉ huy là một nhánh của cuộc truy lùng khi đến tỉnh Diwaniya, sau cuộc giao tranh ác liệt với “phiến quân” Iraq, họ chỉ tìm thấy một nhà máy sản xuất thiết bị nhà vệ sinh đã bỏ hoang cả chục năm nay. Sự nghi ngờ cái gọi là “tính xác thực của các tài liệu tình báo Mỹ” đã khiến cho Roy Milles quyết tâm điều tra riêng để kiểm chứng. Và phía trong green zone - vùng xanh 10 km vuông ở trung tâm thủ đô Baghdad, vùng an toàn dành cho các đại sứ, nhân viên ngoại giao nước ngoài sống và làm việc sau khi Mỹ đổ quân vào đất nước này, hóa ra lại có một cuộc chiến ngầm khác. Cuộc chiến ở “vùng xanh” không có tiếng súng nhưng khốc liệt và có tính quyết định với cuộc chiến ở bên ngoài, bởi đây là cuộc chiến giữa những người Mỹ. Đó là cuộc chiến của những người Mỹ nói dối, tin vào sự dối trá và  những người Mỹ muốn tìm ra sự thật, nghe sự thật.

Sau thành công của The Hurt Locker (Chiến dịch sói sa mạc - một phim cũng về cuộc chiến Iraq ở giải Oscar năm nay), có lẽ nhà sản xuất Vùng xanh hy vọng phim sẽ lôi kéo được khán giả mê phim chiến tranh đến rạp. Nhưng khác với Chiến dịch sói sa mạc chỉ kể về đội phá bom mìn của Mỹ thì Bão táp sa mạc có tuyên ngôn chính trị khá rõ ràng khi chứng minh cuộc chiến của Mỹ ở Iraq là dối lừa và phi nghĩa.

Vẫn cách quay bằng máy cầm tay rung lắc tự nhiên theo chân nhân vật để tạo nên kịch tính như ném khán giả vào trong câu chuyện, Bão táp sa mạc cuốn hút bởi vô số những cảnh nguy hiểm mà nhân vật chuẩn úy Roy Milles (Matt Damon đóng) đã trải qua. Nốt trầm của phim chính là người cựu binh Iraq tên Freddy - mất một chân ở Iran, đã thay mặt những người dân Iraq vô tội để nói với binh sĩ Mỹ rằng họ chỉ cầu an cho đất nước mình. Những thất bại của tình báo CIA được cho là nguyên nhân cố ý để người Mỹ “làm những gì mà họ muốn, thậm chí là cả việc thay thế Tổng thống Saddam Hussein, đẩy đất nước Iraq vào cuộc chiến triền miên, lụi tàn” như lời nhân vật tướng Al Rawi nói với Roy Milles.

Diễn viên Matt Damon và đạo diễn Paul Greengrass đã từng hợp tác thành công trong bộ phim Tối hậu thư của Bourne, lần này lại cùng nhau tạo nên một tác phẩm phim hành động chiến tranh hấp dẫn trên cái nền bối cảnh là cuộc chiến ở Iraq vẫn chưa hết nhức nhối với người Mỹ.

Phim Green Zone (Vùng xanh - đạo diễn Paul Greengrass cùng sự có mặt của ngôi sao Matt Damon) dựa trên cuốn sách Inside Iraq’s Green Zone (Phía trong vùng xanh ở Iraq - tác giả Rajiv Chandrasekaran) được phát hành ở Việt Nam dưới cái tên Bão táp sa mạc từ ngày 4.6 tại các hệ thống rạp Cinebox, Tân Sơn Nhất, Đống Đa, Toàn Thắng (TP.HCM) và Dân Chủ, Trung tâm Chiếu phim quốc gia, Ngọc Khánh, Tháng 8 (Hà Nội).
 

Cát Khuê

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.