Đề nghị Quốc hội ra Nghị quyết về thành lập trường ĐH, CĐ

07/06/2010 15:13 GMT+7

(TNO) Những bất cập, yếu kém trong lĩnh vực cấp phép thành lập trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) thời gian qua cũng như chất lượng đào tạo ĐH còn kém do việc thành lập trường quá dễ dãi... là vấn đề “nóng” được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tập trung bàn thảo trong phiên thảo luận tại QH sáng nay (7.6) về quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và đảm bảo chất lượng đào tạo đối với giáo dục ĐH.

Tán thành một số thành tựu đạt được trong quá trình thực hiện chính sách pháp luật về thành lập trường, đầu tư và đảm bảo chất lượng giáo dục ĐH thời gian qua, tuy nhiên, ĐB Đặng Thị Nga (Lâm Đồng) cũng bày tỏ lo ngại trước thực trạng một số trường mới được nâng cấp thành lập còn thiếu những điều kiện, tiêu chí như: chưa đủ diện tích đất, số giảng viên cơ hữu còn thiếu, chưa chuẩn hóa đúng quy định. Một số trường được nâng cấp từ trung cấp lên cao đẳng việc chuẩn hóa đội ngũ giảng viên mới được bắt đầu, tỷ lệ sinh viên trên giảng viên còn cao so với quy định.

Đặc biệt, theo ĐB Nga, việc thực hiện chủ trương đào tạo theo nhu cầu của xã hội chưa được đáp ứng, sinh viên mới ra trường khi thực hiện nhiệm vụ được giao còn lúng túng, thụ động, chưa khẳng định được mình vì trong thời gian đào tạo còn thiếu thực tế, thực hành, thực tập.

Từ những tồn tại nêu trên, ĐB này đề nghị QH sau giám sát tại kỳ họp này có Nghị quyết chuyên đề riêng về việc thực hiện chính sách pháp luật về thành lập trường, đầu tư và đảm bảo chất lượng đào tạo đối với giáo dục, ĐH, CĐ; đánh giá những mặt được, chưa được còn hạn chế yếu kém, đặc biệt là đánh giá đúng chất lượng đào tạo ĐH hiện nay.

“Chính phủ cần chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các bộ, ngành có liên quan kiểm tra, kiểm soát đánh giá thật chặt chẽ khi thẩm định cho mở trường và nâng cấp trường, chỉ khi đảm bảo đủ điều kiện mới cho phép tuyển sinh và thực hiện đào tạo. Cần kiên quyết xử lý nghiêm các cơ sở đào tạo ĐH sau ba năm thành lập không đáp ứng đủ điều kiện đảm bảo chất lượng theo quy định, thì có thể đình chỉ đào tạo hoặc hạ cấp, kể cả các trường công lập và ngoài công lập”, ĐB Nga nhấn mạnh.

ĐB Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) “tố” từ  đầu nhiệm kỳ QH khóa XI đến nay, mặc dù ĐBQH luôn phản ảnh những ý kiến kiến nghị của cử tri trên diễn đàn QH về những yếu kém, tiêu cực trong ngành giáo dục, đào tạo nói chung, đào tạo ĐH, trên ĐH nói riêng, nhưng rất ít được các cấp có chính quyền quan tâm xem xét, giải quyết. Trái lại, “trong một số báo cáo tiếp thu, giải trình mang tính thanh minh, bao biện, bao che, né tránh trách nhiệm”.

Theo báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 5 năm gần đây (2005-2009), việc cho phép thành lập mới các trường CĐ, ĐH có phần dễ dãi, trong khi các điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật và đội ngũ giảng viên không bảo đảm, dẫn đến chất lượng đào tạo thấp, nhất là các trường ngoài công lập và các trường địa phương. Trong khoảng thời gian này, cả nước có 200/312 trường ĐH, CĐ được thành lập, nâng cấp, trong đó có 148 trường công lập (chiếm tỉ lệ 74%) và 52 trường ngoài công lập (chiếm 36%).

Theo nhận xét của ĐB Cuông, báo cáo kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ QH về việc thực hiện chính sách pháp luật về thành lập trường, đầu tư và đảm bảo chất lượng đào tạo đối với giáo dục ĐH tuy chưa đề cập đầy đủ, toàn diện, sâu sắc, quyết liệt những bức xúc của cuộc sống nhưng cũng đã “vẽ lên được những mảng sáng, mảng tối của bức tranh giáo dục ĐH”. Trong đó, nổi lên là việc thành lập trường chưa căn cứ đầy đủ vào nhu cầu về nhân lực cũng như khả năng đầu tư của cả nước và từng địa phương. Chưa gắn với việc nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo, quy trình, thủ tục và điều kiện thành lập trường chưa được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc.

“Việc cho phép thành lập mới các trường ĐH, CĐ có phần dễ dãi, không đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật và đội ngũ giáo viên đã ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo, nhất là ở các trường ngoài công lập và các trường địa phương. Tình hình như vậy nhưng phần nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại trong Báo cáo có phần còn né tránh, ngại va chạm nên chưa mổ xẻ đến nơi, đến chốn để làm sáng tỏ bản chất vấn đề. Đặc biệt, Báo cáo không hề đề cập đến phần trách nhiệm thuộc về ai, một nội dung rất quan trọng mà trong bất kỳ báo cáo giám sát nào cũng phải có. Không có nội dung này nên cuối cùng không ai chịu trách nhiệm và tất cả đều vui vẻ "hòa cả làng"”, ĐB Cuông “phê” thẳng.

Đây cũng là lý do ông Cuông đề nghị QH cần xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan của QH, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương liên quan, nhất là trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như vai trò của Bộ trưởng nói riêng, đồng thời, đề nghị “làm rõ việc cho thành lập tràn lan, dễ dãi các trường ĐH, CĐ những năm gần đây là do năng lực, phẩm chất yếu kém hay do thiếu tinh thần trách nhiệm của cán bộ các ngành, các cấp, các cơ quan, đơn vị có liên quan? Cần xem xét làm rõ có các biểu hiện chạy chọt, xin cho, tiêu cực ở đây hay không?”.

Ông Cuông cũng tán thành đề xuất của ĐB Đặng Thị Nga về việc QH cần ra nghị quyết về giáo dục ĐH, trong đó nêu rõ nguyên nhân, trách nhiệm, giải pháp cũng như chế tài nhằm khắc phục những yếu kém tồn tại mà báo cáo giám sát Ủy ban Thường vụ QH đã nêu.

Hải u

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.