Đừng để tiềm năng mãi là... tiềm năng

07/06/2010 23:14 GMT+7

Bài Chính sách cho an ninh năng lượng đăng trên Thanh Niên ngày 7.6 nói về việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) ở VN đã nhận được rất nhiều phản hồi từ bạn đọc.

Khai thác chưa hết tiềm năng

Theo số liệu thống kê, nước ta nằm trong vùng nhiệt đới, đó là điều kiện lý tưởng để phát triển năng lượng mặt trời. Tuy nhiên, đến nay chúng ta chưa khai thác hết tiềm năng này. Câu trả lời vẫn thuộc về các cơ quan chức năng. Phải có những chính sách cụ thể, rõ ràng chứ không thể chung chung như hiện nay. Có như vậy mới khuyến khích các doanh nghiệp (DN) đầu tư và khai thác hiệu quả nguồn NLTT sạch và quý giá này.

Huỳnh Thanh
(Đại Lộc, Quảng Nam)

Tại sao Nhà nước không đầu tư?

Sử dụng NLTT rõ ràng đem lại nhiều lợi ích. Tuy nhiên, khi đầu tư, một DN hay cá nhân luôn phải tính đến yếu tố kinh tế. Chi phí cho đầu tư khai thác NLTT lại quá cao nên cần phải có sự hỗ trợ của nhà nước. Vậy tại sao Nhà nước không đầu tư 100% rồi bán điện cho dân thay vì đầu tư cho các dự án nhiệt điện khác. Cách này vừa bảo đảm an ninh năng lượng, vừa thân thiện với môi trường. 

Thanh Long (Q.12, TP.HCM)

Phải học hỏi

Đi sang các nước châu u, nhất là Đức, tôi cứ say mê ngắm nhìn những công trình khai thác điện từ gió của họ. Tôi sang Đức cách nay chừng 5 năm, thì thấy họ khai thác còn lẻ tẻ, tuy nhiên, đầu tháng 4 vừa qua khi tôi trở lại thì họ khai thác hầu như rộng khắp. Một người bạn Đức nói rằng, nước họ điện từ gió chiếm gần 20% điện quốc gia. Thiết nghĩ nước ta, nguồn năng lượng từ gió là một tiềm năng rất lớn, nhất là các vùng biển Nam Trung Bộ. Hy vọng tiềm năng của chúng ta không mãi mãi là tiềm năng mà nó cần phải được khai thác và tận dụng một cách hiệu quả nhất.

Lê Khải Minh (Q.1, TP.HCM)

Khó khăn ở đâu?

Mặc dù nhiều tiềm năng, song VN hầu như vẫn chưa ứng dụng được bao nhiêu NLTT  mà theo tôi do công nghệ NLTT còn quá đắt, hầu hết phải nhập khẩu. Việc vận hành và bảo dưỡng phức tạp... Tuy nhiên, hiệu quả mang lại không hẳn là lý tưởng, nhất là hiệu quả về kinh tế. Do đó, nếu không có sự trợ giúp mạnh từ Nhà nước, chắc chắn các DN không mặn mà để đầu tư. Chính vì lẽ đó, theo tôi, Nhà nước nên chủ động khai thác các nguồn năng lượng này, sau đó bán lại, hoặc nếu được phải hỗ trợ đến 90% vốn để các DN có nhu cầu tham gia.

Thanh Thảo
(Bình Chánh, TP.HCM)

Ban CTBĐ
(tổng hợp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.