Toàn TPHCM hiện có hơn 3.000 tuyến đường nhưng có đến 60% chưa được đặt tên, trong khi đó có nhiều tuyến đường đã được đặt tên nhưng không hề tồn tại hoặc tồn tại dưới những cái tên... kỳ lạ.
Những “con đường ma”
Cầm quyết định đặt tên đường của UBND TPHCM, sáng 7-6, chúng tôi đi tìm đường Bùi Chi Nhuận (quận 10) bằng thông tin khá mơ hồ: “từ sân vận động đến đường Cống Hộp, phường 15”.
Sau mấy lượt hỏi thăm, con đường được xác định nằm trong khu vực cư xá Bắc Hải. Rảo một vòng ngoài rồi chui vào tận các đường ngang, ngõ dọc ở khu vực này như Trường Sơn, Ba Vì, Bạch Mã, Thất Sơn, Bắc Hải, Châu Thới, Đồng Nai... bở hơi tai nhưng chúng tôi vẫn không tìm ra manh mối nào về đường Bùi Chi Nhuận. Ông Tám, chạy xe ôm 10 năm ở góc đường Tô Hiến Thành – Thành Thái, cũng đành chịu: “Tôi không biết đường này, nghe lạ quá”.
Chúng tôi tiếp tục vòng qua quận Tân Bình để tìm đường Lê Hi. Theo thông tin sơ bộ, đường Lê Hi nằm trong khu vực đường u Cơ – Lạc Long Quân, thuộc phường 10, quận Tân Bình, bên hông chùa Phật Bảo.
Tuy nhiên, lúc chúng tôi quẹo xe vào hẻm chùa Phật Bảo mới biết đây là hẻm cụt dài chừng 20 m, cuối hẻm là một trường tiểu học. Quanh khu vực chùa này cũng chỉ có các hẻm 640, 681, 687, xa hơn nữa là đường Trần Văn Quang, hoàn toàn không thấy đường Lê Hi đâu. Người dân quanh khu vực ai cũng ngơ ngác khi nghe chúng tôi hỏi về đường Lê Hi.
Chúng tôi thử tìm thêm đường Lan Mê Linh, phường 13, quận Tân Bình, nằm gần đường Hoàng Hoa Thám. Thế nhưng mất gần 2 giờ truy lùng mà đường Lan Mê Linh vẫn bặt tăm.
Anh xe ôm ở góc chợ Hoàng Hoa Thám khẳng định chắc nịch: “Tôi rành khu vực phường 13 này như lòng bàn tay, làm gì có đường Lan Mê Linh, coi chừng lộn với đường Trần Mai Ninh”.
Mấy anh xe ôm ở gần đó cũng đến giúp chúng tôi tìm đường nhưng anh nào cũng gãi đầu: “Đường này chưa từng nghe bao giờ!”. Ngoài các tuyến đường trên, một số tuyến đường khác cũng nằm trong danh sách “hữu danh vô hình”, chẳng hạn như đường Đỗ Hành, Mỹ Hòa, Trung Chánh, Trung Mỹ Tây (quận 12), Võ Đình Sâm (huyện Bình Chánh), Tôn Quang Phiệt (quận Gò Vấp), Rạch Dơi (quận 7).
Điều khó hiểu là các tuyến đường trên đã được UBND TP ban hành quyết định đặt tên từ năm 1999, 2000 và 2002, tuy nhiên không biết vì lý do gì đến nay vẫn chỉ có tên trên giấy mà không thấy đường!
Tên đường như “bí danh”
Ngoài những “con đường ma”, những đường mang tên lạ cũng xuất hiện nhan nhản. Một số đường dùng số để làm tên như đường số 26 (quận 6), đường số 1011 (quận 8), đường số 15 (quận 7).
Một số tên đường lại rất “trực quan sinh động” như đường vào Trung tâm Thương mại Bình Điền (quận 8), đường nối từ Đường Thành Thái ra đường Sư Vạn Hạnh (quận 10), Đường dưới chân cầu Sài Gòn (quận 2), Đường nối từ Cách Mạng Tháng Tám ra Hoàng Sa (quận 3), Đường dọc kênh 19-5 (quận Tân Phú), Đường dọc kênh Nhật Bản (quận Phú Nhuận), Đường Bình Dương Thị Xã (quận Tân Phú).
Một số khác lại được đặt tên bằng những “bí danh” không thể... giải mã nổi như đường TMT 13, TMT 2A, TTN 01, TTN 17 (quận 12), đường D1, D2, D5 (quận Bình Thạnh), đường 9A, đường 7A (huyện Bình Chánh)...
Ngoài chuyện danh tính lộn xộn như trên thì thông tin về giới hạn tuyến đường cũng nhập nhằng không kém. Nhiều đường có chiều dài khác xa với quyết định đặt tên đường, chẳng hạn đường Hà Đặc (quận 12), chiều dài thực tế là 740 m nhưng trong quyết định đặt tên chỉ dài 150 m.
Ngược lại, đường Lâm Văn Tết (quận 12) chỉ dài 150 m nhưng trong quyết định đặt tên lại dài đến 1.180 m, đường Hà Chương (quận 12) thực tế chỉ dài 280 m nhưng trong “giấy khai sinh” lại dài đến 1.800 m!
Nói về vấn đề đường có tên mà không có hình hài, ông Lê Văn Quang, Phó Chủ tịch UBND quận 12, cho biết: “Tôi về quận 12 từ năm 2004, bây giờ mới nghe đến đường Đỗ Hành, Mỹ Hòa, Trung Chánh, Trung Mỹ Tây (có quyết định đặt tên đường năm 2000 – PV)”. Ông Quang khẳng định hiện nay, quận 12 không có 4 tuyến đường này và sẽ cho kiểm tra lại tính pháp lý lẫn nguyên nhân gây ra tình trạng trên.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Bình, cũng khẳng định lần đầu tiên nghe đến tên đường Lê Hi, Vũ Đình Long và Lan Mê Linh trên địa bàn quận Tân Bình. “Những quyết định đặt tên đường này có từ 10 năm trước, tôi sẽ yêu cầu Phòng Quản lý đô thị xem xét lại chuyện này cho rõ ràng”- bà Hương nói.
Theo Sở GTVT TPHCM, nguyên nhân gây nên tình trạng đặt tên đường “hầm bà lằng” là do chưa có quy định cụ thể về việc đặt tên đường tạm thời tại các khu dân cư, khu đô thị mới trong quá trình xây dựng, dẫn đến việc xuất hiện nhiều đường mang số và đường do địa phương lẫn nhà thầu xây dựng đặt tên. Tình trạng đặt tên đường không theo quy chuẩn nào khiến việc chuẩn hóa, số hiệu đường bộ gặp nhiều khó khăn và đến nay vẫn chưa hoàn tất.
Đường nội đô mang “mác” quốc lộ Một số tuyến quốc lộ đi qua địa bàn TPHCM như Quốc lộ 1A, Quốc lộ 1K, Quốc lộ 13, Quốc lộ 22, Quốc lộ 50 đã được Bộ GTVT chuyển thành đường đô thị và bàn giao cho TP từ năm 2004. Tuy nhiên, đến nay các đoạn đường này vẫn còn mang “mác” quốc lộ, chưa được đặt tên mới theo chỉ đạo của UBND TP. Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong năm 2009, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch không có một đề xuất đặt tên đường nào lên HĐND TP để xem xét quyết định. |
Theo Người Lao Động
Bình luận (0)