Để có tiền, không ít người bán máu dùng nhiều “chiêu” để lọt qua cửa xét nghiệm. Họ không màng đến sức khỏe của mình và chất lượng máu truyền cho người bệnh.
“Cứ không mà đánh!”
2 giờ chiều 20.5, trong vai người bán máu, chúng tôi tìm đến Ngân hàng Máu thuộc Bệnh viện Chợ Rẫy. Kỹ thuật viên bảo tôi cởi áo khoác và nhìn chăm chăm vào giữa hai cánh tay tôi, nơi tập trung nhiều ven. Rồi cô cho tôi 1 phiếu hẹn ghi 7 giờ sáng 21.5 quay trở lại. Chị Tr., ngụ Q.8, TP.HCM đang ngồi ở “khu vực chờ rút máu” nhìn vẻ bỡ ngỡ của tôi, bắt chuyện: “Dạo này, Chợ Rẫy chỉ mua “máu chọn” (ý nói tiểu cầu) chứ không phải “máu thường” (máu toàn phần) như trước. Bán máu chọn tuy tốn nhiều thời gian nhưng giá ngon lắm, đến 470 ngàn đồng lận”. Tôi để ý trên tường có dán hai thông báo giống nhau: “Anh, chị cho tiểu cầu chú ý - Trước khi chạy tiểu cầu không được ăn, uống sữa, cà phê sữa... Nếu ăn tiểu cầu sẽ bị đục phải truyền trả lại và đền bộ KÍT (khoảng 1,5 triệu đồng)”.
Đúng hẹn, sáng 21.5, tôi lại đến Bệnh viện Chợ Rẫy. Từ sớm, đã có nhiều người lố nhố chờ trước cửa ngân hàng máu, ngay trong bãi giữ xe chật chội, nóng bức. Mới 7 giờ nhưng cái nắng mùa hè gay gắt bắt đầu đổ xuống khiến ai nấy đầm đìa mồ hôi. Một người đàn ông phanh ngực, ngồi trên một chiếc xe máy trong bãi giữ xe mời mọc tôi mua trà đá đường và cà phê đen. Tôi nghe người ta gọi ông ta là “ông Tư”. Ông này tỏ ra rành rẽ: “Uống cà phê vào cho máu đậm đặc, để dễ đậu!”. Một số tay cò hỏi tôi có cần vay tiền không, sẽ mượn giúp cho. Nếu vay 100 ngàn đồng qua ngày sau sẽ trả thành 130 ngàn đồng... Giữa đám đông, một phụ nữ to béo cao giọng chửi thề “con nợ” lỗi hẹn nào đó. Bà ta tức tối: “Cô giáo gì mà nuốt lời! Nó bảo tao sáng nay ghé đây sẽ trả nợ, vậy mà chẳng thấy tăm hơi. Tao mà gặp được thì cái mặt nó không còn nguyên!”...
8 giờ kém 15, tấm vải trắng ở cửa sổ phòng khám mới được kéo lên. Mọi người nháo nhào, chen lấn nhau. Tôi đứng vào “khúc giữa” nhưng một tay cò kéo tôi xuống dưới, bảo: “Đây là khu vực dành cho người mới, phiếu chị có ghi chữ M là người mới đó! Nếu lên phía trên thì cũng bị đẩy xuống thôi à”.
Đến lượt tôi đã là số 57 (sau tôi còn khoảng 7 người nữa). Nhân viên y tế lại nhìn vào hai cánh tay mọi người rồi phát “phiếu đăng ký hiến máu” với rất nhiều câu hỏi. Một tay cò nói nhỏ với tôi: “Ra ngoài đây tui chỉ cho”. Bên ngoài, có nhiều người túm tụm ghi cùng một nội dung theo sự chỉ dẫn của một người đàn ông bán máu chuyên nghiệp. Tay cò bảo tôi cứ đánh dấu chéo vào ô vuông bên phải ghi chữ “không” (chẳng hạn: Trong vòng 3 ngày nay, anh/chị có uống bất cứ loại thuốc nào không, kể cả thảo dược? Có bị bệnh gì không?...). Một cô gái trẻ mới đến đây lần đầu tần ngần trước hai câu hỏi: “Chị hiện có thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi không? Chị hiện đang có kinh nguyệt không?”. Thấy vậy, một phụ nữ lớn tuổi hơn chặc lưỡi: “Ôi dào! Cứ chữ không mà đánh hết đi. Cho dù có thực như vậy, bệnh viện làm sao biết được?”.
Tại nhiều bệnh viện có treo bảng thông báo: Một người sau thời điểm rút máu toàn phần, cần 3 tháng (có bệnh viện ghi 2 tháng) mới có thể đăng ký cho máu lần tiếp theo. Còn đối với tiểu cầu thì cần ít nhất 1 tháng. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều người bán máu chẳng quan tâm đến những quy định đó. |
Trời càng lúc càng gắt nắng. Đẩy cánh cửa bước vào trong, không khí cũng nực nội không kém, dù 2 cái quạt (1 cái bị hư) đang quay hết tốc lực. Mấy chục con người chen nhau giành chỗ ngồi trên những dãy ghế ngoài hành lang. Như bao người khác, tôi được nhân viên y tế rút một tuýp máu để xét nghiệm. Sau đó, mọi người nhấp nhổm chờ đợi kết quả “đậu” hay “rớt”. Có ít nhất ba đứa trẻ theo mẹ vào phòng chờ, mặc cho dòng chữ trên bảng thông báo: “Không dẫn trẻ em vào”. Đứa thì la lết dưới đất. Đứa thì khóc ngằn ngặt khi mẹ vào rút máu. Còn một đứa thấy người lớn ngang qua thì hỏi trống không: “Lấy giấy chưa?”.
11 giờ, tôi nhận kết quả. “Đậu rồi!”, người đứng cạnh như vui lây. Tôi được hẹn 7 giờ 30 sáng 1.6 đến rút tiểu cầu. Trong khi đó, một số người khác bị “rớt” tiu nghỉu ra về. Một phụ nữ cằn nhằn: “Họ hẹn tui hơn 1 tháng sau mới đến xét nghiệm lại. Lâu vậy làm gì có tiền để sống đây?”.
“Xẻ” máu nhiều nơi
Hơn 8 giờ 30 sáng 24.5, chị M. cùng một số thanh niên khác vẫn kiên nhẫn ngồi chờ bán máu toàn phần tại Bệnh viện 175 (Q.Gò Vấp, TP.HCM). Thấy vậy, nữ bác sĩ tên Đỗ - khoa Truyền máu - ân cần giải thích: “Hôm qua, bệnh viện đã nhận được 250 đơn vị từ những người hiến máu tình nguyện nên bữa nay tạm ngưng”. Một chị hỏi: “Vậy thứ năm này thì sao ạ?”, bác sĩ Đỗ: “Nếu có, chúng tôi sẽ thông báo”. Vị bác sĩ này không ngần ngại cho chúng tôi số điện thoại di động, để tiện hỏi về lịch nhận máu.
|
Tuy đã được giải thích cặn kẽ nhưng những người này vẫn còn ngồi nán trước cửa khoa Truyền máu, hy vọng một phép mầu nào đó xảy ra. Người thanh niên đến từ Định Quán (Đồng Nai) ngáp ngắn ngáp dài, mắt không rời phòng trực. Chị M. chép miệng: “Dậy lúc 6 giờ sáng, tui đón xe buýt mấy chặng từ Thủ Đức lên đây. Tiền đi lại cũng mất hơn 15 ngàn đồng rồi”.
Chị M. cho hay, ngày 17.5 vừa rồi, chị đã qua Bệnh viện Chợ Rẫy rút “máu chọn”, nhận được 470 ngàn đồng. Sau đó khoảng 1 tuần, chị tiếp tục qua bán "máu thường” tại Bệnh viện 175. “Thẻ cho máu” của M. thể hiện chị đã đi rút máu tại Bệnh viện 175 từ tháng 6.2009, cứ khoảng 2 tháng rút 1 lần. Chị M. chia sẻ kinh nghiệm: “Nếu muốn bán máu nhiều lần tại nhiều nơi trong vòng 1 tháng thì nên đi Chợ Rẫy trước vì bên đó kiểm tra ven rất kỹ”.
Chị M. nhớ lại: Một lần ở Bệnh viện Truyền máu - Huyết học, tui đã được ngồi lên ghế, chuẩn bị lấy máu chọn. Bỗng bác sĩ nhìn thấy mặt tui xanh lét, vội can: “Tôi khuyên chị thời gian này khoan rút máu”. Chị M. nhất quyết không chịu. Vị bác sĩ này lục tìm bằng được cái cân, hỏi chị M. nặng bao nhiêu kg? Chị M. mạnh miệng nói: “50 kg”. Tuy nhiên, cái cân “tố cáo” chị chỉ nặng 42 kg! Vị bác sĩ kết luận: “Chị không đủ cân nặng như quy định. Thôi chị về nghỉ dưỡng sức đi”. Anh này còn dúi vào tay chị 100 ngàn đồng, nhỏ nhẹ: “Tôi tặng chị ít tiền, khi nào khỏe chị vô lại đây”. Nhưng chị M. “không thèm” lấy tiền và còn giận dỗi ra mặt người bác sĩ kia đã đánh rớt chị ngay phút chót!
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, người viết bắt chuyện với T. - sinh viên trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng TP.HCM. T. cho biết, bạn đã đi bán máu khoảng 2 năm nay. Mẹ T. ở nhà nội trợ, ba làm thời vụ nên kinh tế gia đình chật vật. Đợt này, hai mẹ con T. cùng đi đăng ký rút tiểu cầu. T. tiết lộ: “Cách đây 5 hôm, em mới đi hiến máu nhân đạo theo phong trào của phường. Em định đến đây từ hai ngày trước nhưng sợ rớt nên ráng chờ đến bữa nay”. Tôi hỏi: “Lỡ bác sĩ thấy dấu lấy ven mới này của em thì tính sao?”. T. đáp ngay: “Thì em nói trời nắng quá, nổi mẩn ngứa nên em gãi!”. Một người bên cạnh mách nước: “Thiếu gì cách xóa dấu! Thông thường là bôi kem...”.
Ông H. - hành nghề xe ôm gần cổng Bệnh viện 175, cho biết ông đã bán máu gần 20 năm qua, không chỉ ở TP.HCM mà còn rất nhiều tỉnh, thành khác. Ông H. có vẻ tự hào khi nhớ lại một thời bán máu sôi động: “Một tháng tui bán 4 lần là chuyện thường, kiếm quá trời tiền, có khi sắm được vàng. Có hôm nằm chờ truyền máu trước bệnh viện ở Rạch Giá, Kiên Giang, cô y tá kêu một tiếng là tui quất liền một ca nước đá to thủ sẵn bên cạnh”. “Uống nước để làm gì ạ?” - chúng tôi hỏi. “Để cho máu loãng ra, chứ không thì keo đặc, tốn lắm!” (?) - ông H. giải thích. Ông H. hướng dẫn tôi mua vỉ thuốc sắt, dặn buổi tối uống 3 viên, trước khi lấy máu uống 3 viên nữa, đảm bảo sẽ bổ máu và chắc chắn “đậu”. Nếu lấy máu chọn thì phải ăn thêm nhiều rau cải, xà lách để có nhiều chất nhờn (?). Còn chị Đ.V, ngụ ở Q.12, TP.HCM kể “bí quyết” để cân đủ ký (lấy máu toàn phần từ 45 kg, tiểu cầu từ 50 kg trở lên): “Tui lận mấy cục đá trong mấy túi áo, túi quần. Thế là thoát! Những lần sau đã có thẻ rồi thì dễ được du di”... (Còn tiếp)
Phóng sự của Như Lịch
Bình luận (0)