Nghệ sĩ Việt duy nhất trong dàn nhạc giao hưởng Berlin

09/06/2010 15:30 GMT+7

(TNTS) Nhà hát Philharmonie ở Berlin, CHLB Đức là nhà hát giao hưởng lớn thứ 2 trên thế giới. Được tham gia vào dàn nhạc giao hưởng này là ước mơ của nhiều nghệ sĩ lớn. Trong một chuyến sang Đức, tôi đã phát hiện có một người VN duy nhất trở thành nghệ sĩ chính thức của dàn nhạc danh tiếng Philharmonie. Đó là anh Lê Ngọc Anh Kiệt, hay còn gọi là nghệ sĩ violon Kiệt Lê.

Gặp gỡ

Nghệ sĩ Nguyễn Xuân Hùng - Giám đốc Nhà Việt tại Đức, một trong những Việt kiều đầu tiên ở Berlin giới thiệu tôi gặp “một nhân vật mà nhiều người khác cũng rất hiếu kỳ muốn gặp”. Vì nhân vật này là một trong những người đã mang đến niềm tự hào lớn cho cộng đồng người Việt ở Đức, cũng như ở châu u.

Đó là nghệ sĩ VN duy nhất trở thành thành viên của dàn nhạc giao hưởng Philharmonie. Kể từ khi còn là một cộng tác viên đến lúc được định danh tại nhà hát này, là quá trình 15 năm phấn đấu không mệt mỏi. Người nghệ sĩ đó là Lê Ngọc Anh Kiệt.

Khám phá nhà hát Philhamonie

Sau khi tình nguyện đưa tôi đi tham quan từ phía Đông đến phía Tây Berlin, Kiệt Lê đã giới thiệu một cách say mê về Nhà hát Philharmonie và công việc của anh tại đây. Đó là nghề nghiệp mà anh gắn bó từ khi còn bé. Và khi đã tạo dựng được một vị trí xứng đáng tại thánh đường âm nhạc này, Kiệt Lê đã có thể yên tâm đeo đuổi nghề đến tận cùng. Quả thật, khi đến Nhà hát Philharmonie, tôi mới cảm nhận được sự đồ sộ, sang trọng ở nơi đây. Một quần thể kiến trúc độc đáo với các khán phòng liên kế được thiết kế theo hình lục giác, bên trong chủ yếu được xây dựng bằng gỗ với hệ thống cách âm tuyệt vời. Các show diễn và lịch diễn trong năm đều được giới thiệu chi tiết thông qua các brochure in ấn đẹp mắt. Theo lời của nghệ sĩ Kiệt Lê, vé luôn bán hết từ trước đó một tháng. Những vị khách đến đây đa số là người am tường và có trình độ nhất định về nhạc giao hưởng. Họ không chỉ là người Đức mà còn đến từ nhiều nơi khác trên thế giới.


Bên trong nhà hát Philhamonie, Berlin

Được Kiệt Lê dẫn vào xem hai chương trình diễn ra trong một đêm tại hai khán phòng gần nhau, tôi mới thấy hết được sự hấp dẫn thực sự của một chương trình hòa nhạc được đầu tư công phu và điều gây chú ý hơn nữa là, trong khi các nghệ sĩ trình diễn, khán phòng không một tiếng động dù rất nhỏ. Ở đây, người nghệ sĩ được tôn vinh một cách đầy trân trọng. Ở giữa buổi biểu diễn, Kiệt Lê còn tranh thủ giới thiệu tôi gặp gỡ các đồng nghiệp của anh. Trong đó có tay trống Emanueul, người nghệ sĩ vừa có màn trình diễn xuất sắc trên sân khấu.

Công việc và hoạt động xã hội

Mỗi ngày, nghệ sĩ Kiệt Lê đến nhà hát để làm việc, cây đàn violon lúc nào cũng bên anh như người bạn đường thân thiết. Công việc đều đặn của anh là sáng tác, soạn bài rồi tập dượt cho buổi trình diễn định kỳ hằng tuần. Ngoài ra, anh còn tham gia vào các câu lạc bộ, hội quán âm nhạc tại thủ đô Berlin. Ở những nơi này, ngoài thính phòng, Kiệt Lê còn chơi violon theo nhiều thể loại khác như Tango-Piazolla, Electronic hiện đại… Anh là thành viên đắc lực của ban nhạc Trio The Berliners với các tay chơi nhạc nổi tiếng như Gerhard Meyer, Klauss Richter… Anh còn sáng lập ra nhóm nhạc Strings Quartor Saigon - Berlin. Những khi Trung tâm Nhà Việt tại Đức diễn ra các sự kiện văn hóa, Kiệt Lê luôn là người có mặt để vừa hỗ trợ tổ chức, vừa tham gia biểu diễn phục vụ bà con kiều bào.

Năm 2008, anh cũng đã sáng lập trường nhạc đầu tiên do người Việt thành lập tại Berlin, ở đây chủ yếu dạy cho trẻ em VN và Đức về âm nhạc cổ điển, pop, nhạc Việt… Hoạt động nhiều như vậy, nhưng cùng với dàn nhạc danh tiếng Philharmonie, nghệ sĩ Kiệt Lê vẫn đều đặn tham gia các show diễn lớn gần như ở hầu hết các quốc gia trên thế giới.

Điểm tựa

Với một quá trình đi lên từ bé, sự thành đạt hôm nay của nghệ sĩ Kiệt Lê cũng không có gì là khó hiểu. Sinh ra trong một gia đình con nhà nòi, ba là nghệ sĩ kèn trompette Lê Tiến Trạch, mẹ là ca sĩ Mộng Ngọc - cả hai đều lập danh từ mấy mươi năm trước tại quê nhà. Hai em trai của Kiệt Lê cũng là những nghệ sĩ xiếc đang hoạt động tại Mỹ và Đức. Kiệt Lê vừa lớn lên đã được theo học nhạc tại trường Kịch nghệ quốc gia âm nhạc Sài Gòn năm 1973. Sau giải phóng, anh được nghệ sĩ Bùi Công Thành hướng dẫn trực tiếp tại nhạc viện thành phố, và cơ hội lớn đến vào năm 1984 khi anh nhận học bổng sang Nga du học tại Nhạc viện Leningrad, được chính giáo sư danh tiếng Komarova trực tiếp đào tạo. Từ năm 1990 đến nay, anh và gia đình định cư tại thủ đô Đức. Hiện Kiệt Lê đã có gia đình riêng gồm vợ và hai con, sống hạnh phúc tại Berlin.

Tình thân

Nhận lời mời của nghệ sĩ Kiệt Lê, tôi được anh Tùng, một Việt kiều tại Đức, chở đến nhà anh dùng bữa tối. Căn nhà xinh xắn nằm trong một khu phố yên tĩnh thật thích hợp cho một nghệ sĩ violon. Bữa tối giản dị diễn ra thân mật ngoài sau vườn nhà; vì vợ anh đi làm chưa về nên tự tay anh chuẩn bị mọi thứ để đãi bạn phương xa. Chúng tôi đã chia sẻ với nhau rất nhiều thông tin và sự đồng cảm của những người cùng làm nghệ thuật.

Trong căn nhà xinh xắn của người nghệ sĩ này còn có 2 “tác phẩm” đáng nhắc đến, đó là 2 nghệ sĩ tương lai được đích thân bố đào tạo. Cô con gái lớn chơi piano, và cậu em trai thì chọn violon theo nghiệp bố. Trong thư sau này Kiệt Lê viết gửi về cho tôi anh tâm sự: “Mình mong muốn đưa cả dàn nhạc về diễn ở VN để truyền đạt lại kinh nghiệm và hiểu biết cho các đồng nghiệp trẻ ở quê nhà”.

Bùi Thanh Tuấn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.