Lần giở lại hồ sơ những nghệ sĩ Hàn Quốc tự tử từ năm 2005 đến nay, dễ nhận ra nguyên nhân khiến họ chấm dứt cuộc sống của mình là bởi họ phải chịu một áp lực quá lớn từ giới truyền thông dẫn đến khủng hoảng tinh thần trầm trọng. Dư luận Hàn Quốc quá khắt khe với nghệ sĩ nên họ luôn bị săm soi. Khi làm những việc tốt, nghệ sĩ được cả cộng đồng tung hô, nhưng chỉ cần có một việc gì đó không ổn, họ sẽ bị dè bỉu và công kích không thương tiếc.
Ngày 22.2.2005, Lee Eun Joo treo cổ tại nhà riêng ở Seoul. Tiếp theo sau là sự ra đi của U-nee, Jung Da Bin. Năm 2008, làng showbiz Hàn chấn động bởi hàng loạt vụ tự tử của ca sĩ Kim Min Soo, diễn viên Lee Eon, Ahn Jae Hwan, Choi Jin Sil, Jang Chae Won, Kim Ji Hoo... Năm 2009, đến lượt nam diễn viên Kim Seok-gyun, rồi nữ diễn viên Jang Ja Yeon, Woo Seung Yeon, người mẫu Kim Daul, ca sĩ Lee Seo Hyun. Gần đây nhất là vào tháng 3.2010, em trai của Choi Jin Sil là diễn viên, ca sĩ Choi Jin Young cũng tự tử sau thời gian bị trầm cảm.
Nghệ sĩ là người của công chúng. Vì vậy, khi những bài báo tung tin bí mật đời tư, hoặc những điều nghệ sĩ không muốn công bố đến với công chúng sẽ làm họ bị tổn thương tinh thần. Và do sự nhạy cảm vốn có, họ dễ chọn giải pháp tự kết liễu cuộc đời. Với họ, cái chết là sự lựa chọn dễ dàng hơn là phải sống mà đối diện với sự mất lòng tin từ người hâm mộ.
Tháng 12.2004, tin nhạc sĩ Đỗ Quang tự tử làm chấn động công chúng. Nguyên nhân thì nhiều nhưng không loại trừ anh phải chịu một áp lực nặng nề từ giới truyền thông khi trước đó có rất nhiều bài báo thông tin rằng anh bị kiện tụng xung quanh chuyện tiền bạc với học trò, huấn luyện các ca sĩ mới vào nghề bằng phim sex, phụ huynh đến nhà làm rùm beng đòi lại tiền học phí, anh đang thiếu tiền rất nhiều nên bị stress nặng...
Ca sĩ Thái Thùy Linh từng khiếu nại một tạp chí đăng sai thông tin, xâm phạm đời tư về việc cô sinh con mà chưa hề đám cưới. Ca sĩ Phương Thanh cũng từng ra tòa kiện một nhà báo mà theo cô là viết không đúng sự thật trên blog về live show Mưa của cô.
Tạp chí Star của Mỹ từng bình luận: "Để nạn tự tử không còn là một dịch bệnh lây lan trong giới nghệ sĩ Hàn Quốc, đã đến lúc chính phủ nước này cần có những biện pháp cứng rắn, mạnh tay hơn nữa để răn đe, ngăn chặn những tin đồn thất thiệt nhằm bôi họ thanh danh người khác trên internet, các phương tiện truyền thông. Mặt khác, bản thân những ngôi sao Hàn Quốc, họ cũng phải dũng cảm tìm lối thoát cho chính mình bằng cách giãi bày, thổ lộ những vướng mắc trong đời sống tinh thần với các chuyên gia tâm lý hoặc một ai đó để tránh những bi kịch không đáng có mà người trước họ đã mắc phải".
Phải chăng đó cũng là bài học cho chúng ta?
Ca sĩ Quang Dũng: Cần giới hạn khi khai thác đời tư * Nếu là anh, anh sẽ làm gì khi cuộc sống riêng tư trở thành câu chuyện chung? - Đối với báo chí lẫn dư luận, khán giả, đời tư của người nổi tiếng luôn là đề tài thu hút sự quan tâm, hiếu kỳ. Nhưng quan trọng là sự quan tâm và mức độ khai thác đến đâu thì vừa phải. Bởi ai cũng vậy, viết khen ngợi, ca tụng quá mức họ cũng ngượng, mà đào sâu theo cách nhìn thiếu khách quan, thiếu thiện cảm họ càng buồn lòng... Và, thường thì những gì được ca ngợi sẽ chóng quên hơn những điều bị lên án hay bêu xấu... Vậy nên, không chỉ tôi mà các nghệ sĩ đều mong việc khai thác cần có giới hạn để không xảy ra những phiền hà làm tổn thương cả cá nhân lẫn gia đình mình. Nguyên Vân |
Đỗ Tuấn
Bình luận (0)