Nằm bên bờ sông Cầu, làng Thổ Hà, xã Vân Hà (Việt Yên - Bắc Giang) đã từ lâu nổi danh với thương hiệu gốm "Thổ Hà". Những năm đầu thế kỉ XII, nơi đây từng là thương cảng tấp nập thuyền bè ngược xuôi ra vào bến sông Như Nguyệt, mang đi những sảm phẩm gốm được thổi hồn từ đất. Không những thế, Thổ Hà còn được người ta biết đến là nơi nuôi và chơi gà chọi "giá khủng" nhất cả nước...
Tuyển gà từ... trong trứng
Về làng Thổ Hà, đi trên những con đường nhỏ hẹp, được lát bằng những viên gạch đỏ truyền thống đã phai màu theo thời gian, những ngôi nhà được lợp bởi thứ ngói mũi hài đã nhuốm màu rêu phong. Từ đầu làng tới cuối xóm, đâu cũng thấy gà chọi, nhà ít cũng năm - bảy con.
“Nhiều gia đình đã đổi đời nhờ gà, bởi có những con gà trị giá 6 - 8 triệu, thậm chí có con lên tới 60-70 triệu đồng, một số tiền mà trước kia họ có nằm mơ cũng không thấy. Chẳng thế mà ở đây, trẻ lên ba đã biết mang gà đi đá” - ông Nguyễn Công Lợi tâm sự.
Về làng Thổ Hà, nhất là những ngày cuối tuần, bên gốc đa làng, người ta thường bắt gặp những đám đông tụ tập đứng vòng trong vòng ngoài, chen lấn cố xem những cú đá “dọc”, “mé” của những cặp gà chiến đang hồi gay cấn, bất phân thắng bại.
Người dân nơi đây khoái “đá gà” như cả thế giới khoái môn “thể thao vua” vậy. Họ bảo, trong nhà có thể thiếu cái tủ lạnh, cái xe máy, thậm chí là thiếu nồi nấu rượu, nhưng không thể thiếu gà chọi được, thiếu gà là cuộc sống mất đi niềm vui lớn”. Không phải dễ dàng để có được những con “gà chiến” tốt. Đầu tiên giống phải tốt. Ông Chỉ - một bậc thầy chơi gà chọi của làng - bảo: “Chọn gà chọi phải chọn những con hình dáng “đầu công, mình cốc, cánh vỏ chai” chân thoai thoải bắp chuối, háng gà rộng, dài... đấy mới đạt tiêu chuẩn”.
Gà chọi Thổ Hà được tuyển từ trong trứng, cho đến lúc nở và nặng tầm 6-7 lạng. Sau khi được lựa chọn kỹ lưỡng, gà sẽ được huấn luyện thử đánh 1-2 hồ (mỗi hồ dài 15-20 phút) để chọn ra những chú gà có miếng đánh hay, hiểm. Qua nhiều trận, gà sẽ được vần sức chịu đựng, tăng sự dẻo dai.
Một công đoạn không thể thiếu khi luyện gà chiến là “om trường”. Mỗi ngày 2-3 lần chủ gà đun lá tre, củ nghệ, lá chè tươi đun sôi giã nát, tất cả bọc vào một miếng vải, rồi áp vào da, xoa bóp cho gà. Cách làm này nhằm làm cho da gà săn chắc, dày hơn, ít bị thương hơn khi chiến đấu, nên trong làng, bàn tay người nuôi gà ai ai cũng nhuốm một màu vàng.
Sau thời kỳ om trường, những chú gà được huấn luyện, chăm sóc bởi một chế độ đặc biệt. Thức ăn của chúng chủ yếu là thóc và ốc, hến. Để gà hăng chiến, chủ gà cho gà “chạy bu”. Nghĩa là cứ cho đánh nhau một hồi, lại nhốt một con vào bu cho chúng nhìn nhau mà hăng tiết. Thời gian “chạy bu” khoảng 15 - 20 ngày, sau đó chuyển sang giai đoạn “vần hơi, vần đòn”. Đây là thời gian gà chiến được tập luyện hằng ngày, tập những miếng đánh hiểm, phát huy sở trường, làm quen thế trận chuẩn bị nghênh chiến.
Gà chọi được gọi là “chuyên nghiệp”, phải trải qua những trận đá vòng loại xóm, các xóm giao hữu, rồi mới tới những hồ gà làng, xã... Chẳng thế mà, người có được chú gà chiến “khủng”, “bách chiến, bách thắng”, được nể phục, tôn vinh như những “võ sư” cao tay vậy.
|
Gà chọi giá kỷ lục 3.500USD
Ban đầu chỉ là những trận đấu giao hữu giữa các làng, xã với nhau. Tiếng lành đồn xa, dân chọi gà rỉ tai nhau, rồi các tỉnh bạn cũng đưa gà tới thách đấu. Cứ thế, gà chọi từ mọi miền đổ về Thổ Hà phân cao thấp. Chỉ cần nghe tin có gà nơi khác tới nghênh chiến, dân làng Thổ Hà bận mấy cũng hoãn lại để đi xem. Cả gà và khách được tiếp đón như những “vị khách quý” vậy. Những trận đấu nảy lửa, trong tiếng vỗ tay, reo hò như muốn xé toạc cái ngôi làng nhỏ này.
Chuyện kể rằng, thập kỷ 60 của thế kỷ trước, cụ thân sinh ra ông Trịnh Xuân Lác ở xóm 4, có con gà “mây” một thời làm mưa, làm gió khắp 3 miền, rồi sang cả Lào, Campuchia. Con gà này được mệnh danh là “quỷ kê”, bách chiến, bách thắng. Bởi nó chỉ có thắng là thắng, chỉ 2 hồ là nó dứt điểm được đối thủ. Đầu, chân, vai, mào nó xù xì như quỷ, mình cứng như thép. Với những cú đá “hầu dọc” nguy hiểm xé toạc hầu gà Thái Lan sang thách đấu năm 1964, hạ gục sau một đêm ngày ròng rã chiến đấu không nghỉ. “Sau thời gian không có đối thủ, con gà của bố tôi chết vì già...” - ông Lác ngậm ngùi kể.
Trong các miếng đánh của gà chiến, nguy hiểm nhất phải kể tới đá “hầu dọc”, có thể giết chết đối thủ chỉ sau vài miếng. Sau đó mới đến đá kiềng (đá vào hai đầu cánh gà); rồi đá mé (đá vào hai mang tai); đánh dọc (đánh thẳng vào đầu gà)... Mỗi trận hồ gà được cân nhắc kỹ lưỡng, bởi phải “sóng gà”, cân, đo về chiều cao, cân nặng, cựa... để chọn ra những đối thủ phù hợp. Gà nặng từ 2,5kg - 2,7kg là dễ ghép cặp nhất. Còn trọng lượng gà trên 3kg thì ít, nếu có thì đó là những chú gà già, có kinh nghiệm chiến đấu cao.
Gà chọi Thổ Hà nổi danh sau những trận đánh “không có hồi kết”. Bởi sự dẻo dai, gà đẹp, nhiều miếng đánh hiểm... Vì vậy, khách tới làng mua gà rất thích gà của những bậc cao niên, bởi đó là những chú gà đã được tuyển chọn rất kỹ lưỡng, nên họ không tiếc tiền cho những cặp gà chiến ưng ý. Vài năm trở lại đây, nuôi gà chọi đang trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều gia đình. Khách mua gà đủ cả 3 miền, có khi có cả khách Trung Quốc, Lào, Campuchia tới nghênh chiến... và mua bằng được những con gà đã thắng gà mình.
“Từ những năm 1996 - 1997, gia đình tôi đã bán gà với giá 6 - 7 triệu đồng, những năm gần đây, những chú gà chiến có giá 15 - 20 triệu đồng thì nhiều vô kể” - anh Hùng - một người dân nuôi gà - cho hay.
Nhưng con gà hiện đang giữ kỷ lục “khủng” nhất phải kể đến con “hắc kê” của anh Hoan xóm 3, với giá 3.500USD do một đại gia ở Hà Nội trả giá khi thắng con gà của mình. Chú gà này có miếng hầu dọc, đánh kiềng cực hay. Kể từ khi ra sới, nó chưa hề biết đến mùi thất bại.
Nhìn thế đất Thổ Hà đã biết là đất “hùm thiêng”, ở phía đông nhìn xã trông giống hình con rồng vươn đầu chầu chốn tổ. Ở phía tây tựa hình con hổ ngồi chầu về phía tôn miếu. Ở phía nam thì đỉnh non nguyệt đã ghi rõ trong sách trời. Phải chăng, đó là sự kết hợp của thế phong thuỷ - thiên thời, địa lợi đã “gột” lên những chú gà chiến lừng danh xứ người. Người dân Thổ Hà ngày nay không những tự hào về làng gốm, làng gà chọi, mà còn tự hào bởi những đổi thay của quê hương...
Theo Lao Động
Bình luận (0)