Tìm thấy xe tự hành trên mặt trăng sau 40 năm mất tích

12/06/2010 21:59 GMT+7

Ngày 17.11.1970, tàu vũ trụ Luna 17 của Liên Xô (cũ) đã thực hiện thành công cuộc đổ bộ thiết bị tự hành Lunokhod 1 xuống bề mặt chị Hằng.

Lunokhod 1 đã làm việc liên tục 11 tháng, di chuyển qua quãng đường dài 7 dặm, thu thập rất nhiều dữ liệu để gửi về trái đất. Các chuyên gia đánh giá đó là một thành công rất lớn trong chương trình thám sát mặt trăng mà Liên Xô thực hiện.

Rồi bỗng dưng Lunokhod 1 im hơi lặng tiếng, không còn tín hiệu nào được phát ra từ cỗ máy tự hành này. Các chuyên gia cũng mất luôn dấu vết của Lunokhod 1 dù đã rất cố gắng cho các tàu vũ trụ bay quanh quỹ đạo mặt trăng để thăm dò.

Bốn mươi năm trước, Cơ quan Quản trị hàng không và không gian Mỹ (NASA) cũng đã cố gắng hỗ trợ Liên Xô trong việc tìm kiếm Lunokhod 1, nhưng mọi nỗ lực bất thành. Thế rồi vào mùa xuân năm nay, tàu thăm dò bay quanh quỹ đạo mặt trăng của NASA đã xác định được tọa độ của Lunokhod 1, kế tiếp kính thiên văn có kích cỡ 3,5m tại đài thiên văn Apache Point, New Mexico đã phát các chùm tia laser đến Lunokhod 1. Thật ngạc nhiên là Lunokhod 1 bỗng dưng "tỉnh dậy", phát lại các xung đáp trả một cách rõ ràng.

Quay trở lại lịch sử khám phá mặt trăng, Liên Xô tiếp tục đưa thiết bị tự hành Lunokhod 2 lên bề mặt chị Hằng vào năm 1973. Dữ liệu liên tục được thu thập và chuyển về trái đất. Nhưng theo Tom Murphy, người lãnh đạo nhóm nghiên cứu thì tín hiệu tốt nhất mà Lunokhod 2 có thể phát ra chỉ chừng 750 photon. Riêng với việc phát hiện Lunokhod 1, tín hiệu đáp trả của nó lên đến 2.000 photon.

Tín hiệu đáp trả mạnh mẽ của Lunokhod 1 vẫn còn là điều bí ẩn mà NASA đang nỗ lực nghiên cứu. Tuy nhiên, đây có thể là đầu mối giúp các nhà khoa học biết được nguyên nhân làm suy yếu các thiết bị khác từng được gửi lên mặt trăng sau một thập niên hoạt động.

Tạ Xuân Quan
(Theo Gizmag)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.