Bài thi hệ GDTX thường giống nhau, có khi cả phòng thi chỉ có một kiểu trả lời. Điều đó chỉ có thể giải thích là thí sinh chép từ cùng một nguồn tài liệu (nhưng vì không có biên bản nên giám khảo coi như học sinh được hướng dẫn ôn tập cùng một nguồn). Rải rác có những bài làm ở 2 phòng khác nhau nhưng chỗ sai thì lại giống như nhau.
Câu 1 đề thi môn Văn hệ GDTX yêu cầu nêu hoàn cảnh ra đời bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng, có thí sinh viết: “Bài thơ Tây Tiến được ra đời trong lúc tác giả cùng đồng đội hành quân xuyên rừng sang giúp nước bạn Lào chống lại chế độ diệt chủng Pôn Pốt giành độc lập”. Một thí sinh “sáng tạo” kinh hoàng khi viết Quang Dũng sinh ra ở Huế, làm văn nghệ sĩ ở xứ Nghệ với câu cú không hiểu nổi: “Ông xứng đáng là một người háo danh. Trước lúc ông đã ra đi tìm đường cứu nước ông vì một người mà phải hy sinh anh dũng thật là khổ danh là một người lính Tây Tiến... vào năm một ngàn chín trăm sáu bảy, ông đã từng đi du học nước ngoài ở Mỹ. Trước khi ông hy sinh ông đã làm một kiến trúc sư... Ông còn làm một tập truyện ngắn, nhật kí trong tù của Phạm Tiến Duật...”. (?!)
Câu làm văn 5 điểm yêu cầu phân tích hình tượng rừng xà nu trong truyện ngắn Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành. Một thí sinh ở hội đồng thi Kon Tum viết: “Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành sẽ mãi còn được đưa vào chương trình học của học sinh vì bài này luôn nhắc nhở mỗi con người chúng ta phải biết yêu thương rừng. Vì rừng đã bảo vệ chúng ta trong chiến tranh mà rừng còn là lá phổi của chúng ta. Con người không thể sống nếu không có phổi...”. Một thí sinh khác viết: “Xà nu đã giúp cho con người sống có lúc không nhà. Nguyễn Trung Thành đã cảm nhận được công từ rừng. Hình tượng về rừng giúp con người nhớ mãi không thể quên được. Vì con người đã chặt phá củi vì vậy rừng đã có bão...”.
Trần Hà Nam
(Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Bình Định)
Bình luận (0)