Còn nhiều chương trình trái phép

16/06/2010 23:11 GMT+7

Nhiều chương trình liên kết công khai tuyển sinh và đào tạo, đến khi sinh viên (SV) gặp rắc rối mới vỡ lẽ đó là chương trình trái phép.

Chưa được cấp phép vẫn tuyển sinh

Hiện nay, trường ĐH Anh quốc Việt Nam (British University Vietnam) đang quảng bá trên mạng  tại địa chỉ http://www.britishuniversity.edu.vn/ với những thông tin hấp dẫn như: “Là đại học đầu tiên tại VN đem đến cho các bạn bằng cấp uy tín hàng đầu Vương quốc Anh”.

Trường được thành lập vào tháng 9.2009 theo quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học tư thục. Đầu tháng 5 năm nay, trường đã tuyển sinh xong đợt 1 các khóa đào tạo liên kết với 2 trường ĐH Staffordshire và ĐH London, trong đó mức  học phí của một số khóa lên tới hơn 500 triệu đồng. Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Vang - Cục trưởng Cục Đào tạo với nước ngoài (Bộ GD-ĐT), khẳng định: “Trường ĐH Anh quốc đã gửi hồ sơ lên Cục xin phép lần thứ hai nhưng chưa đủ điều kiện cấp phép theo quy định nên Cục chưa cấp”.

Ông Vang cảnh báo: “Người học cần cẩn trọng kiểm tra những thông tin quảng bá về các chương trình liên kết đào tạo. Thông thường các chương trình đã được cấp phép thì khi thông báo tuyển sinh, trường đều ghi rõ văn bản phê duyệt chương trình liên kết đào tạo”.

Cấp phép một đằng, tuyển sinh một nẻo

Ngay cả chương trình liên kết được ghi rõ văn bản phê duyệt thì người học vẫn phải cẩn trọng vì có không ít trường được duyệt một đằng nhưng làm một nẻo. Điển hình là chương trình đào tạo liên kết của Học viện Ngân hàng với trường ĐH Tổng hợp Sunderland (Vương quốc Anh).

Như Thanh Niên đã đề cập trong số báo ra ngày 16.6, năm 2007, khi Học viện Ngân hàng liên kết với  trường ĐH Tổng hợp Sunderland thì trường này chưa có ngành ngân hàng. Theo quy định hiện hành thì chương trình liên kết này không đủ điều kiện được cấp phép đào tạo ở VN. Thế nhưng khi tuyển sinh, Trung tâm Đào tạo quốc tế (ITP) thuộc Học viện Ngân hàng đã công khai giới thiệu và tuyển sinh ngành học  tài chính - ngân hàng tại địa chỉ http://www.hvnh.edu.vn/branch/33/784. Đặc biệt, tại phần giới thiệu về chương trình, trung tâm này nêu: “Đây là chương trình đào tạo chính quy theo sự phê duyệt của Chính phủ và Bộ GD-ĐT”. Sự thật thì chương trình đào tạo ngành tài chính - ngân hàng như trường quảng bá không hề được sự phê duyệt của Chính phủ và Bộ GD-ĐT. 

Tại công văn ngày 10.7.2007, Văn phòng Chính phủ đã cho biết Chính phủ chỉ đồng ý Học viện Ngân hàng thực hiện chương trình liên kết đào tạo cử nhân ngành quản lý tài chính kinh doanh với Singapore và Vương quốc Anh chứ không hề cho phép liên kết đào tạo ngành tài chính - ngân hàng.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GD-ĐT cũng chỉ mới có quyết định cho phép Học viện Ngân hàng liên kết với trường ĐH Tổng hợp Sunderland đào tạo Cử nhân quản lý tài chính kinh doanh (Business and Financial Management), nhận bằng của ĐH Sunderland. Dù vậy, Học viện Ngân hàng vẫn tuyển sinh và các SV này đã kết thúc năm thứ 3. Khi SV chuẩn bị sang Anh học năm thứ 4 như quảng cáo của chương trình thì mới vỡ lẽ trường ĐH Sunderland chưa có ngành ngân hàng.

Câu hỏi đặt ra là: Tại sao các chương trình liên kết đào tạo trái phép như đã nêu vẫn ngang nhiên tồn tại và diễn ra công khai nhiều năm liền?

Vũ Thơ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.