Lo lắng về bọ xít hút máu người

01/07/2010 00:47 GMT+7

Sau khi Báo Thanh Niên thông tin về sự hiện diện của bọ xít hút máu người tại Đà Nẵng và Hà Nội, rất nhiều bạn đọc tại TP.HCM cho biết, gia đình mình cũng đã từng gặp, từng bị loài bọ xít này cắn, chích...

Nhiều người ở TP.HCM từng bị chích

Anh Thuận (nhà ở đường Cách Mạng Tháng 8, Q.3, TP.HCM) cho chúng tôi biết: “Cách đây không lâu, tôi bị loài bọ xít này cắn đến 5 lần, tôi đã phát hiện, bắt được cả thảy 4 con, chúng có hình dạng, kích thước giống y như loài bọ xít ở Hà Đông và Vĩnh Phúc mà Báo Thanh Niên đăng. Tất cả những lần tôi bị bọ xít cắn đều vào ban đêm. Ban đầu, ngay khi bị cắn, đau quá tôi giật mình vùng dậy xem, thì thấy một con bọ xít. Lần đó tôi không nghĩ là bọ xít cắn, nhưng lần thứ hai thì tôi bắt đầu nghi ngờ “thủ phạm là đây”. Lần bị cắn sau tôi bắt được 4 con bọ xít.

Cũng trong chiều 30.6, anh Ngô Xuân Vũ (nhà ở đường Hoàng Bạch Đạt, P.15, Q.Tân Bình) đem một con bọ xít anh bắt được lúc trưa cùng ngày đến Báo Thanh Niên. Anh kể: “Vài ngày trước cũng có mấy con bọ xít này bay vào trong nhà, trong phòng ngủ, nhưng tôi không để ý. Sáng nay đọc Báo Thanh Niên thấy chúng giống hệt loài bọ xít báo đăng, nên bắt một con”. Đúng là con bọ xít anh Vũ mang đến giống với bọ xít ở Hà Nội. Cũng trong ngày hôm qua, ông Lê Quang Tiết (ở đường Nguyễn Văn Luông, P.11, Q.6) bắt một con bọ xít có hình dạng, màu sắc, kích thước y như con bọ xít mà anh Vũ bắt giữ. Theo ông Tiết, khu vực nhà ông 2 - 3 năm nay hiện diện rất nhiều loài bọ xít này, những người trong nhà ông đã bị chúng cắn nhiều lần. Anh Thân (nhà ở Q.11) cũng nói: “Gần đây tôi cũng bị loài bọ xít hút máu người này cắn, tôi phát hiện chúng nằm ở dưới vạt giường”.

Bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ - Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng (TP.HCM) cũng cho biết: “Khoảng năm 2008, chúng tôi cũng tiếp nhận phản ánh của người dân ngụ tại Q.10 về việc bị loài bọ xít hút máu người. Loài bọ xít này cũng hiện diện ở gia đình tôi, và bản thân tôi cũng đã từng bị chúng cắn mấy lần”. Theo bác sĩ Thọ, có thể bọ xít này hiện diện ở nhiều nơi, nhưng rải rác, nên lâu nay mọi người không để ý.

Tất cả những người bị loài bọ xít này cắn đều có những đặc điểm biểu hiện triệu chứng giống nhau, đó là: rất đau, sưng, ngứa... Anh Thuận ở Q.3 nói: “Nếu bị chúng cắn dù có đang say rượu cũng phải tỉnh, vì rất đau, vết cắn sưng to và cứng cả tuần mới xẹp”. Còn anh Hoàng Kim Nhật cho rằng: “Nếu trẻ con bị cắn sẽ khó chịu nổi, vì tôi nặng 70 kg, cao, rất khỏe nhưng khi bị cắn thì người rất mệt, mặt sưng húp, rất ngứa, đau vài giờ sau thì giảm, nhưng vết cắn sưng to, 5 - 7 ngày mới hết...”. Chị L. (ngụ Q.Phú Nhuận) lo lắng hơn: “Gần đây, con tôi đã bị bọ xít này chích gần 20 đốt khi đang ngủ. Ban đầu cứ tưởng muỗi chích, nhưng sau đó phát hiện ra loài bọ xít giống như Báo Thanh Niên đăng. Cháu có triệu chứng buồn ngủ giống như báo mô tả, không biết tôi có cần cho cháu đi xét nghiệm máu, hay phải đi khám ở đâu không? Không biết cháu có bị bệnh gì không?”.

Cũng trong buổi sáng hôm qua, qua khảo sát của Thanh Niên, tại Hà Nội, ở những khu vực từng thu được mẫu bọ xít hút máu người như Nghĩa Đô, Từ Liêm, người dân nơi đây tỏ ra khá lo lắng. Bà Huệ, một người dân sinh sống tại đường 800A (thuộc P.Nghĩa Đô, Q.Cầu Giấy) cho hay, sáng nay khi mở hàng nước, bà đã nghe rất đông khách tới uống nước ở cửa hàng bà bàn tán sôi nổi chung quanh thông tin có loài bọ xít hút máu người và cách phòng, chống loài bọ xít ấy ra sao.

Người dân mong muốn cơ quan chức năng quan tâm, tìm hiểu về tác hại, cách xử trí vết cắn do loài bọ xít này gây ra... để thông tin cho người dân biết.

Bộ Y tế yêu cầu báo cáo

Ngày 30.6, ông Trần Quý Tường, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, hiện tại Cục chưa nhận được thông tin chính thức từ cơ quan y tế các địa phương về các ca bệnh do bọ xít hút máu. Lâu nay, trong nước chưa có ghi nhận về ca bệnh mà nguyên nhân trực tiếp được xác định do loài côn trùng này gây nên. Tuy nhiên, để biết rõ hơn về những ảnh hưởng của loài côn trùng này, Cục Quản lý khám chữa bệnh đã yêu cầu Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng T.Ư khẩn trương có báo cáo cơ bản về loài côn trùng này, trong đó chú trọng các yếu tố: có hay không nguy cơ truyền bệnh cho người trong điều kiện khí hậu, môi trường VN; cách dự phòng bệnh lây truyền từ bọ xít trong trường hợp chúng là tác nhân gây bệnh... 

BS Nguyễn Minh Quang, Phó giám đốc BV Da liễu Hà Nội cho biết, thông thường khi bị côn trùng đốt nói chung, chúng có thể tiết ra một số độc tố gây nên những phản ứng tại chỗ có thể thấy được với mức độ khác nhau: ngứa, mẩn đỏ, thậm chí sưng tấy. Nếu các trường hợp phản ứng tại chỗ, có thể đến khám chuyên khoa da liễu để được chỉ định phù hợp. Tránh tự ý điều trị có thể gây bội nhiễm.

Liên Châu

Ám ảnh của người Mỹ La-tinh

Bọ xít hút máu là vật trung gian để ký sinh Trypanosoma cruzi (T.cruzi) lây truyền vào vật chủ. T.cruzi có thể gây ra hai loại bệnh: bệnh “buồn ngủ” ở châu Phi (lây từ ruồi tsé-tsé) và bệnh Chagas ở khu vực châu Mỹ La-tinh (lây từ bọ xít hút máu). Bệnh Chagas được nhà khoa học người Brazil Carlos Chagas phát hiện vào năm 1909.


Một loài bọ xít hút máu gây bệnh Chagas ở Nam Mỹ - Ảnh: AFP

Theo Viện Pasteur Paris, một số loài bọ xít hút máu (như Rhodnius, Triatoma, Panstrongylus) vốn bị nhiễm T.cruzi (do chích vào vật chủ đã nhiễm bệnh) khi hút máu người hay động vật sẽ thải ra phân có chứa T.cruzi. Nạn nhân gãi vào vết chích sẽ làm T.cruzi theo máu hoặc chất nhầy xâm nhập vào cơ thể. T.cruzi có thể “ngủ yên” từ 10-20 năm, sau đó sẽ gây một số vấn đề mãn tính về tim mạch, hệ tiêu hóa và hệ thần kinh. Ngoài vật trung gian, bệnh Chagas cũng có thể lây từ mẹ sang thai nhi hoặc qua truyền máu, ghép cơ quan nội tạng của người đã nhiễm T.cruzi.

Căn bệnh này là một mối họa cho sức khỏe cộng đồng ở khu vực Trung-Nam Mỹ. Tổ chức Y tế thế giới cho biết, trong số 360 triệu người sống ở những “điểm nóng” của bệnh Chagas, khoảng 90 triệu người có nguy cơ mắc bệnh và gần 10 triệu người đã nhiễm bệnh. Hằng năm có từ 30.000-50.000 người chết vì bệnh Chagas. Riêng ở châu u thì Tây Ban Nha, vốn có nhiều dân nhập cư Mỹ La-tinh, là nước có nhiều người nhiễm bệnh nhất với từ 2.000-3.000 ca mỗi năm. Hiện nay, ngoài biện pháp phun thuốc diệt côn trùng để diệt trừ vật trung gian gây bệnh, vẫn chưa có thuốc chủng ngừa và phương pháp điều trị căn bệnh nguy hiểm này.

Lan Chi

Các nhà khoa học có rất ít thông tin

Thông tin về sự xuất hiện của những con bọ xít hút máu người đang được dư luận đặc biệt quan tâm, nhưng các nhà khoa học lại có rất ít thông tin về chúng, đặc biệt là khả năng truyền bệnh, mức độ gây hại đối với con người.

TS Trương Xuân Lam - Trưởng phòng Côn trùng thực nghiệm (Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật), người được biết đến như là nhà khoa học có những nghiên cứu đầu tiên về bọ xít hút máu ở VN cho biết, trước đây, loài côn trùng này sống ở những vùng nông thôn xa đô thị, nhưng hiện nay đã xuất hiện tại nhiều thành phố. “Bước đầu có thể lý giải, chúng theo con người và đồ vật di cư vào thành phố”, TS Lam nói. Theo ông Lam, bọ xít hút máu thường hút máu người và máu động vật để sống. Tại những nơi không có gia súc, chúng sẽ tấn công con người. Trong các thành phố gần như là không có gia súc, nên bắt buộc những con bọ xít này phải hút máu người vì máu người lúc này là thức ăn chính của chúng.

TSKH Vũ Quang Côn - Chủ tịch Hội Côn trùng học cho biết, bọ xít hút máu người đã xuất hiện tại nhiều nơi trên thế giới. Ở nước ta hiện có rất ít nhà khoa học nghiên cứu về loài bọ xít này. Vì thế, những hiểu biết về nó cũng rất hạn chế, nếu không muốn nói là còn rất mù mờ. “Nhiều người đã bị bọ xít hút máu. Tuy nhiên, các nhà khoa học chưa thể trả lời được một loạt các câu hỏi như: nó phân bố ở những đâu, sinh trưởng như thế nào, có truyền bệnh cho con người không, nếu truyền bệnh thì cụ thể là những bệnh gì...”, ông Côn nói.

TS Lam cũng cho rằng, mặc dù bọ xít hút máu đã từng đem đến một “quá khứ đen tối” đối với người dân ở nhiều nước khác trên thế giới khi chúng là vật truyền một loại bệnh nguy hiểm về máu, gây nguy hại đến sức khỏe con người, thậm chí dẫn đến tử vong nhưng bây giờ là quá sớm để có thể nói rằng những con bọ xít hút máu vừa được phát hiện ở nước ta có gây bệnh cho người và động vật hay không. Ông Lam nói: “Chúng có thể truyền bệnh, có thể không. Phải có sự nghiên cứu tiếp theo chứ không thể đánh giá theo hình thái bên ngoài cũng như một số triệu chứng mà những người dân bị bọ xít hút máu kể lại. Nghiên cứu này cần có sự góp sức của nhiều nhà khoa học, nhiều cơ quan, trong đó có bên y tế. Một vài nhà côn trùng không thể làm hết được khi có rất nhiều câu hỏi lớn cần phải trả lời một cách nghiêm túc”.

TS Lam nói thêm: “Chỉ mấy ngày trước thôi, rất ít người biết tới sự có mặt của những con bọ xít này. Sau khi chúng tôi công bố thông tin, cung cấp đặc điểm nhận dạng và cách truy tìm, tiêu diệt chúng trên các phương tiện thông tin đại chúng, đông đảo người dân đã biết cách hạn chế sự phát triển về số lượng của bọ xít và tránh bị đốt. Người dân nên bình tĩnh trước sự có mặt của những con bọ xít đặc biệt này”.

Quang Duẩn

Thanh Tùng - L.Nga - Minh Sang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.