Giữ hồn cây quý

04/07/2010 10:12 GMT+7

Gần 30 năm gắn bó với nghề, gia tài của chị là vốn kiến thức rộng, sâu để dìu dắt thế hệ trẻ... Mọi người vẫn thường thấy chị đạp xe lang thang trong khuôn viên Thảo Cầm Viên (TCV) Sài Gòn – nơi chị công tác – lúc thì nhặt quả, hạt, lúc thì nâng niu đem về một nhánh cỏ lạ.

Chị, kỹ sư Nguyễn Thị Phùng Điệp, Phó Phòng Giáo dục – Bảo tồn của TCV, đã dành gần cả cuộc đời để nghiên cứu, truyền lại cho các bạn trẻ kiến thức cũng như sự trân trọng những tài sản vô giá của tự nhiên.
 
Duyên nghề
 
Sinh ra ở một vùng nông thôn tỉnh Bến Tre, với tình yêu được nuôi dưỡng từ bé dành cho những cánh đồng, những vườn cây ăn trái bạt ngàn của quê hương, cô nữ sinh Phùng Điệp quyết định thi vào Trường ĐH Nông nghiệp 4 (nay là Trường ĐH Nông Lâm TPHCM). Nhưng cái duyên với nghề thật sự đến khi chị trở thành một kỹ sư nông nghiệp, tình cờ đi dạo trong TCV và say mê với những bóng cổ thụ trong khu bảo tồn có tuổi đời đứng thứ 8 thế giới.
 
Vào làm việc ở TCV, chị may mắn được sự hướng dẫn trực tiếp của ông Trương Đấu, cựu giám đốc TCV, một “cây đại thụ” mà nhiều nhà nghiên cứu về cây xanh ở TPHCM nhắc đến với sự kính trọng như “quyển từ điển sống” về thực vật. 
 
Chị học được ở ông không chỉ kiến thức mà còn cả tình yêu với cây xanh, trách nhiệm của người làm công tác bảo tồn với những loài cây quý đã tồn tại hàng trăm năm nơi đây. Làm việc ở bộ phận vườn ươm (Đội Hoa viên) suốt 14 năm, sau đó chị chuyển về Phòng Giáo dục - Bảo tồn, làm công tác nghiên cứu mảng cây xanh và đứng lớp hướng dẫn các học sinh đến TCV tham gia những tiết học ngoại khóa về thực vật.
 

Tiến sĩ Võ Đình Sơn, Trưởng phòng Giáo dục - Bảo tồn Thảo Cầm Viên Sài Gòn:

Một người am hiểu về thực vật

Kỹ sư Phùng Điệp rất say mê với công việc nghiên cứu, nhiệt tình trong các buổi giảng dạy cho học sinh tham gia học ngoại khóa, sẵn lòng hỗ trợ các đồng nghiệp trong Đội Hoa viên nghiên cứu và phát triển cây trồng. Về mặt chuyên môn, có thể nói chị là người am hiểu về thực vật nhất ở đây. Chị đã đóng góp rất nhiều cho công tác chăm sóc, bảo tồn cây xanh ở Thảo Cầm Viên.

TCV được xây dựng cách nay một thế kỷ rưỡi trên một dấu rừng nhiệt đới còn sót lại giữa lòng Sài Gòn. Nơi đây có hệ thực vật đa dạng, nhiều loài cây quý, trong đó có những cây vài trăm năm tuổi.
 
Chị chia sẻ: “Khu bảo tồn này đang lưu giữ nhiều di sản xanh vô giá, trong đó có những loài được xếp vào bậc cao trong Sách đỏ VN như CR, EN, VU (bị đe dọa tuyệt chủng). Càng nghiên cứu để hiểu sâu hơn, tôi càng thấy mình cần làm thêm nhiều để góp phần giữ gìn những cây xanh quý mà rất nhiều thế hệ đi trước đã chăm sóc, bảo tồn”.
 
Say mê nghiên cứu
 
Nằm ở một khoảng đất nhỏ trong TCV, sát bên đường Nguyễn Hữu Cảnh, là một khu vườn trồng hơn trăm loài dược thảo. Đó chính là kết quả của đề tài “Xây dựng vườn dược thảo tại TCV Sài Gòn” mà kỹ sư Phùng Điệp bảo vệ thành công vào tháng 3-2009. 
 
Không chỉ là điểm tham quan, nghiên cứu về cây thuốc, vườn dược thảo còn là nơi lưu giữ nguồn gien của nhiều loài cây thuốc quý có tên trong Sách đỏ VN như ngũ gia bì gai, bí kỳ nam (bậc EN - nguy cấp, xếp bậc thứ 4 sau hai bậc tuyệt chủng EX, EW và rất nguy cấp CR), hà thủ ô đỏ (bậc VU – sẽ nguy cấp)... Chị và các cộng sự đã lặn lội tận Lâm Đồng, An Giang... để sưu tập các loài cây quý.
 
Chị kể: “Có lần, biết được thầy thuốc Nguyễn Thiện Trung (ở Bảy Núi, An Giang) có giống cây quý bí kỳ nam, tôi vội tìm đến ngay. Lần đó, tôi may mắn đem được giống về và trồng thành công, không gì vui bằng”. Chị cũng đang ấp ủ dự định viết một cuốn sách về những cây thuốc quý này, để thêm nhiều người hiểu về giá trị của thực vật VN.
 
Niềm say mê nghiên cứu còn thể hiện ở cách chị “lo xa”, cố gắng đi tìm, đào tạo và dẫn dắt những chuyên viên trẻ trong phòng. Chị tâm sự: “Nhiều loài cây ở đây chắc chắn sẽ sống lâu hơn tôi. Vậy nên, để nghiên cứu chúng một cách toàn diện, trông thấy chúng ra hoa kết quả và ghi chép lại thì còn phải đợi những thế hệ sau”.
 
Một trong những chuyên viên trẻ của Phòng Giáo dục - Bảo tồn, anh Nguyễn Đình Thế, là người mà kỹ sư Phùng Điệp đang trực tiếp hướng dẫn và mong muốn sẽ tiếp nối công việc của chị sau này. Anh thường đồng hành với chị trong những buổi rong ruổi đi tìm mẫu vật, để học hỏi và để hiểu thêm về hệ thực vật ở khu bảo tồn lâu đời này.
 
Anh chia sẻ: “Chị là người thầy tận tình, luôn nhiệt tình chỉ dẫn tôi và các cộng sự trẻ. Những điều chúng tôi còn mơ hồ, chị luôn giảng giải cho đến khi hiểu rõ mới thôi. Làm việc cùng chị, tôi càng thấy hiểu và yêu thêm từng gốc cây, ngọn cỏ nơi này, càng muốn gắn bó lâu dài với công việc”.

Theo Anh Thư / NLĐ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.