Sân vận động “co giãn”

04/07/2010 09:57 GMT+7

Sau các vòng đấu, World Cup Nam Phi đang tiễn dần các đội bóng về nước. Nhưng không chỉ các đội bóng mà nhiều sân vận động mới tại Nam Phi cũng buộc phải rời cuộc chơi sau khi chỉ tổ chức vài trận đấu. Các sân vận động được xây với chi phí hàng trăm triệu USD này sẽ trở thành hàng xa xỉ ở nhiều khu vực còn kém phát triển ở Nam Phi. Giải pháp nào cho tương lai?

Sân vận động kiểu mô-đun

Sân Peter Mokaba ở Polokwane, sân Mbombela ở Nelspruit 40.000 chỗ ngồi sau khi tổ chức chỉ 4 trận đấu World Cup giờ phải đối mặt với một tương lai mờ mịt khi phải tìm cách bảo đảm nguồn tài chính duy trì sân sau khi World Cup kết thúc.

Nam Phi không phải quốc gia đầu tiên chi hàng tỷ USD xây các sân vận động cho sự kiện thể thao lớn duy nhất rồi bỏ không sau đó. Nhiều sân được xây cho Olympic Athens 2004 tại Hy Lạp cũng đã bị bỏ bê và hư hại. Giải pháp là phải xây sân vận động hoàn toàn khác trong tương lai, theo kiến trúc sư John Barrow, người đứng đầu hãng thiết kế toàn cầu Populous. Mới đây tại London, Barrow giới thiệu kiểu “sân vận động trong một chiếc hộp”, gồm các mô-đun linh hoạt, có thể đáp ứng các yêu cầu của một giải đấu lớn. Populous thiết kế các sân vận động Olympic London 2012 theo hướng này.

Thiết kế mới gồm cấu trúc lõi là một sân chỉ 25.000 chỗ ngồi nhưng hệ thống ghế kiểu mô-đun có thể tăng lên đến 80.000 chỗ ngồi trong thời gian diễn ra giải đấu. Tùy chọn khác là có thể xây sân vận động kiểu mô-đun ngay từ đầu bằng kỹ thuật đúc sẵn. Một khi giải đấu đã qua, các thành phần có thể được dỡ ra và vận chuyển cả sân đến một nơi khác.

Populous chuyên thiết kế sân vận động và là đồng thiết kế sân vận động Soccer City tại Johannesburg, thiết kế phần mái của sân Wimbledon... Thiết kế mới của Populous cho phép sân giảm 30.000 chỗ ngồi – từ 110.000 chỗ ngồi trong giải đấu còn 80.000 chỗ ngồi sau đó – và kết hợp các tính năng bền vững như thu nước mưa, đối lưu tự nhiên, mái polycarbonate nhẹ...

Mỗi loại vật liệu đơn lẻ hay hệ thống đều được đánh giá bằng quan điểm bền vững. Mọi thứ phải nhẹ, tái chế được hay có nguồn gốc địa phương. Barrow nói: “Một số điều chúng ta đang làm đã không thể làm cách đây 5 năm, ví dụ, vật liệu khung mái Wimbledon lúc đó chưa có. Trong 5-10 năm trước, chúng ta chưa hướng đến các vấn đề bền vững, khác với hiện nay”. Thiết kế kiểu mô-đun dễ làm ở các quốc gia mới nổi khi đăng cai các sự kiện thể thao toàn cầu. Nó có thể giúp rút ngắn thời gian xây dựng ít nhất 30% so với xây theo kiểu truyền thống. Chi phí vật liệu vẫn như trước nhưng chi phí xây dựng sẽ giảm rất đáng kể.

Xu hướng của tương lai

Các sân vận động tại World Cup năm nay ở Nam Phi đã được kết hợp giữa thiết kế cũ và mới. Ghế ngồi kiểu mô-đun đã được tích hợp tại các sân vận động ở Cape Town và Durban, tạm thời nâng sức chứa thêm 13.000 chỗ ngồi.

Rainer Quenzer, phụ trách lập kế hoạch của Nussli – công ty Thụy Sĩ đã phát triển khái niệm mô-đun cho các sân vận động ở Durban và Cape Town – ước tính rằng sân vận động xây kiểu mô-đun hoàn toàn sẽ tốn phí chỉ khoảng một nửa so với xây kiểu cấu trúc vĩnh viễn. Quenzer khẳng định với CNN: “Mở rộng một sân vận động thêm 20.000-30.000 chỗ ngồi cho một giải đấu rồi thu nhỏ nó chính là xu hướng tương lai”. Nussli gần đây đã xây một sân vận động tạm (27.500 chỗ ngồi) cho CLB bóng đá BC Lions ở Vancouver (Canada) và đang xây một sân 50.000 chỗ ngồi cho giải đấu vật quốc gia ở Thụy Sĩ. Công ty cũng đang xây một mẫu sân mô-đun 70.000 chỗ ngồi.

Yếu tố phát triển bền vững, mạnh mẽ của London khi vận động đăng cai Olympic 2012 rõ ràng đã gây ấn tượng với Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) hồi năm 2005 khi họ quyết định. Barrow nói Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) và Liên đoàn Bóng đá châu u (UEFA) cũng bắt đầu chọn theo xu hướng này. “Ngày nay, không còn ai thích các sân vận động quá lớn nữa. Cần xây sân với tính linh hoạt cực cao. Bắt đầu nhỏ và giữ cho nó đơn giản”, Barrow cho biết.

Theo Anh Thy / SGGP

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.