Có lẽ nhiều người cũng như tôi, một lần được đến Tam giác vàng là thực hiện được giấc mơ nung nấu trong lòng nhiều năm. Cái tên Tam giác vàng (Golden Triangle), tôi đã từng được nghe, được đọc từ lâu, không chỉ gắn với ma túy mà còn là vùng đất ẩn chứa nhiều bí ẩn. Tuy nhiên...
Gà đẻ trứng vàng
Mới đây, từ sân bay Chiangmai ở Đông Bắc Thái Lan, tôi đã đi ô tô thuê lên cửa khẩu Mae Sai sát biên giới Myanmar, bắt đầu vào Tam giác vàng. Tam giác vàng rộng đến 195.000 km2 nối 3 nước Lào, Myanmar và Thái Lan. Đỉnh của nó chính là nơi hội tụ của 3 nước, điểm nối nằm trên sông Mekong, gần làng Sop Ruak của Thái Lan.
Một điều dễ nhận thấy là khái niệm Tam giác vàng như người ta thường hiểu đã lùi vào dĩ vãng. Giờ đây, có thể gán tên gọi vùng đất dữ dằn, nhiều tai tiếng này bằng cụm từ “gà đẻ trứng vàng” cho ngành du lịch.
Trái với những gì tôi thường mường tượng về những cánh đồng thuốc phiện trải dài; những đoàn lừa, ngựa lặc lè chở những gói thuốc phiện được người dân tộc H’Mông, Karen... dẫn dắt trên những con đường gồ ghề, dựng đứng đi cả ngày không tới là những cánh đồng bát ngát màu xanh, những trang trại xanh tươi lộ vẻ sung túc.
Từ nhiều năm nay, rất đông người, nhất là dân từ Bangkok - Thái Lan lắm tiền nhiều của, đã đổ xô về mảnh đất được thiên nhiên ưu đãi này mua đất làm trang trại. Suốt con đường từ Chiangmai lên Mae Sai rồi Mae Salong là những trang viên, resort được chăm sóc kỹ lưỡng, xén tỉa gọn gàng, rộng đến ngút tầm nhìn.
Thị trấn đá quý
Thị trấn cửa khẩu Mae Sai nằm ở điểm cực Bắc Thái Lan chỉ cách Myanmar bằng con sông Rai bé tí tẹo, nước đục ngầu. Muốn sang cửa khẩu Tachilek của Myanmar, du khách chỉ việc đi qua một chiếc cầu nhỏ, sau khi đã làm thủ tục hải quan.
Thấp thoáng trong một ngôi nhà bên kia cầu, một phụ nữ Myanmar quấn xà rông đang cho con bú, vẻ mặt an nhiên. Thị trấn Mae Sai từng nổi danh với những vụ thanh toán băng đảng, hoạt động bất hợp pháp và đôi khi có đụng độ giữa quân đội hai nước Myanmar - Thái Lan.
Những con đường nhỏ hẹp quanh co vắng khách. Trái với những tin tức tôi đọc qua báo chí, cửa khẩu Mae Sai những ngày này rất yên tĩnh, vắng vẻ. Tôi vào khách sạn Wang Thong nổi tiếng đối với dân buôn ngọc qua biên giới cũng như khách du lịch.
|
Khủng hoảng chính trị của Thái Lan, những cuộc đụng độ và biểu tình liên miên giữa phe “áo đỏ” ủng hộ cựu thủ tướng Thaksin và phe “áo vàng” ủng hộ chính phủ kéo theo ảnh hưởng nặng nề về kinh tế. Ngành du lịch suy giảm khủng khiếp. Ấy vậy mà cô tiếp tân ở khách sạn vẫn không giảm giá dù tôi đã cố mặc cả. Bằng một thứ tiếng Anh lơ lớ, cô nở một nụ cười tươi: “Đây đã là giá hạ rồi, chúng tôi không thể hạ hơn nữa”.
Chúng tôi quyết định chuyển sang một khách sạn mới xây cách cửa khẩu không quá 10 m với giá “mềm” hơn: 800 baht cho 3 người. Dọc con phố nhỏ sát cửa khẩu là các cửa hàng bán đồ lưu niệm, trang sức mà đa phần là hàng rẻ tiền từ Trung Quốc. Myanmar nổi tiếng với các loại mỏ khai thác đá quý như ruby, ngọc bích có chất lượng nhất thế giới.
Tôi cảm thấy hoa mắt giữa những đồ trang sức bằng đá quý bày một cách hào phóng ở tất cả các cửa hàng. Chị chủ cửa hàng vàng, bạc nơi khách sạn tôi ở, dặn dò: “Không cẩn thận và không hiểu biết thì dễ mua phải hàng dỏm đấy. Nhiều du khách tưởng mình vớ bở bởi những chiếc vòng ngọc hoặc những viên đá màu sắc tuyệt đẹp nhưng thật ra lại là những loại đá có chất lượng rất thấp bán tràn lan ở đây”.
Chồng chị chủ cửa hàng tên Nong bỗng hỏi tôi bằng tiếng Việt: “Chị là người Việt phải không?”. Tôi ngỡ ngàng, không ngờ ở một nơi như Tam giác vàng lại có người nói tiếng mẹ đẻ của mình. Nong là người Campuchia ở Phnom Penh nhưng đã sống tại thị trấn biên giới này gần 20 năm.
Sở dĩ Nong nói được tiếng Việt là do ngày còn ở Phnom Penh, anh sống trong khu phố có nhiều người Việt sinh sống. Nong cho biết ở khu vực biên giới này, không có người Việt và anh là người duy nhất nói được một chút tiếng Việt ở đây. Anh cũng có vẻ hào hứng vì thấy có người VN đến tận vùng này nên cứ đi theo đòi chụp vài tấm ảnh kỷ niệm.
Vợ chồng Nong còn cố “tiếp thị” cho tôi mua một chiếc vòng ngọc “Burma” màu tím nhạt chạm trổ rất tinh xảo, bảo đảm “hàng thật 100%”. Nong bảo vợ chồng anh bán món đồ đó và tôi là người đầu tiên mở hàng nên muốn “lấy hên”.
Đồi Thanh bình Mae Salong
Sáng hôm sau, từ Mae Sai, chúng tôi tiếp tục rong ruổi dọc sông Mekong đi Chiangrai, thủ phủ của Vương quốc Lanna cổ kính. Đường tốt, xe chạy bon bon. Tri Bunchua, anh bạn người Thái cùng học tại một khóa báo chí với tôi ở Israel 2 năm trước, bảo: “Có lẽ “đánh hơi” được tiềm năng của vùng đất “vàng” này nên cựu thủ tướng Thaksin đã tỏ ra rất hào phóng với nó và đã đầu tư xây dựng con đường cực kỳ hiện đại nối liền các làng của người thiểu số sống rải rác trên các vùng núi cao”.
Mae Salong là địa danh nổi tiếng trong lịch sử vùng Đông Bắc Thái Lan không chỉ bởi vẻ đẹp tự nhiên hài hòa mà còn vì những phi vụ sản xuất và buôn bán ma túy. Được tàn quân Quốc dân đảng tìm thấy năm 1962, sau khi bị Hồng quân đuổi khỏi Trung Hoa rồi được sự đồng ý của Chính phủ Thái Lan, vùng núi này được phép trồng thuốc phiện và được đánh thuế cho việc buôn bán thuốc phiện.
Thị trấn nhỏ bé, khiêm nhường này từng là chiến địa tranh chấp đẫm máu giữa quân Quốc dân đảng và quân của vua thuốc phiện Khun Sa. Vào thập niên 1980, sau khi vua thuốc phiện Khun Sa ra đầu hàng chính quyền Myanmar, Chính phủ Thái Lan đã nỗ lực làm cho vùng đất núi non hiểm trở này trở thành “vùng yên tĩnh”, đổi tên Mae Salong thành Santikhiree (Đồi Thanh bình) để xóa nhòa hình ảnh xấu về cuộc chiến cần sa, cướp đi sinh mạng của bao nhiêu người vô tội.
Những cánh đồng thuốc phiện bạt ngàn giờ đã được thay thế bằng những đồi chè ngát hương trong bầu không khí trong vắt. Tôi vào một trong những cửa hàng bán chè và các loại đặc sản của núi rừng. Chị chủ cửa hàng mời tôi một chén trà Oolong pha sẵn đựng trong giỏ. Vị ngọt đậm, tinh khiết như còn đọng mãi nơi đầu lưỡi tôi.
Giữa vùng núi hoang sơ và thanh bần này, tôi vừa được thưởng thức một ly cà phê latte pha máy, hương vị không khác ở một khách sạn 5 sao, vừa được ngắm những tảng mây trắng lững lờ trôi trên sườn đồi xanh ngát cây chè. Anh chủ cửa hàng phóng xe máy phân khối lớn chở tôi đi dạo và kể về “chuyện cổ tích” của mình.
Vợ chồng anh đang có công việc làm tốt và ổn định ở Bangkok nhưng chỉ một lần được đến thị trấn này, anh đã “ngã lòng”. Trở lại Bangkok, vợ chồng anh đã bán hết tài sản và lên đây mở một cửa hàng bán cà phê cho du khách...
Điểm dừng chân trong chuyến đi của tôi ở vùng Tam giác vàng chính là làng Sop Ruak, đỉnh của tam giác Myanmar – Lào - Thái Lan. Ngôi làng bé nhỏ này đang trở thành điểm du lịch hấp dẫn nhờ có bảo tàng thuốc phiện trưng bày những đồ dùng chế cất thuốc phiện cũng như cuộc chiến giữa Quốc dân đảng và vua ma túy Khun Sa diễn ra từ năm 1967 để tranh chấp quyền sản xuất thuốc phiện ở khu vực này. Những cửa hàng lưu niệm san sát. Một Tam giác vàng bình yên, phồn thịnh đang tỉnh giấc.
Nơi hoang vu thành phố thị Ở Mae Salong, có những người Hoa chưa từng rời khỏi thị trấn, họ cũng không biết tiếng Thái và tất nhiên, càng không biết tiếng Anh. Thị trấn chỉ có con đường độc đạo nối với các vùng khác nhưng ở giữa phố, tôi nhìn thấy ít nhất có hai cửa hàng Seven Eleven, chuỗi cửa hàng bán thức ăn nhanh xuất hiện ở mọi nơi trên Thái Lan. Anh bạn Tri Bunchua từng nói đùa: “Ở Thái Lan, cứ đi 500 m là có một cửa hàng Seven Eleven”. Thế là nơi hoang vu đã trở thành phố thị. Trước những năm 1980, muốn xuống Mae Sai, dân miền núi phải đi mất 2 ngày nhưng giờ đi bằng ô tô chỉ mất 40 phút. Những ngôi nhà gỗ, bê tông mang dáng dấp đời sống của người Hoa hơn của người Thái. Trước một cửa hàng bán thuốc trừ sâu, một số người H’ Mông tụ tập, trao đổi với nhau bằng tiếng Hoa. Tôi lại gần bắt chuyện, họ cười tươi nhưng lắc đầu ra dấu không hiểu khi nghe tôi nói mấy câu bằng tiếng Anh. |
Theo Bích Diệp / NLĐ
Bình luận (0)