Một khảo sát ở 16 tỉnh, thành phố của Bệnh viện Mắt trung ương cho thấy hơn 66% người mù là do đục thủy tinh thể. Ước tính VN có gần 252.000 người mù cả hai mắt do bệnh này. Tuy nhiên, sau phẫu thuật thay thủy tinh thể nhân tạo chỉ có 30-67% cho kết quả tốt (sau mổ thị lực đạt 3/10 trở lên), còn kết quả kém (thị lực đạt dưới 1/10) lên đến 14-41%.
Trao đổi với Tuổi Trẻ về vấn đề này, bác sĩ Trần Anh Tuấn - trưởng khoa mắt Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM - cho biết:
- Thủy tinh thể được cấu tạo chủ yếu là nước và protein. Protein được sắp xếp trật tự để cho ánh sáng xuyên qua và hội tụ trên võng mạc. Một số trường hợp protein tập trung thành đám, gây mờ đục những vùng nhỏ trong thủy tinh thể, cản ánh sáng đến võng mạc và giảm thị lực. Tình trạng này gọi là đục thủy tinh thể.
* Triệu chứng của bệnh ra sao? Làm sao phát hiện sớm bệnh này?
Nguyên nhân của đục thủy tinh thể đến nay vẫn chưa rõ. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng có thể do hút thuốc, tiểu đường, môi trường sống quá nhiều nắng, lão hóa. Phần lớn trường hợp đục thủy tinh thể là do tuổi già, còn lại do bệnh bẩm sinh, bị chấn thương, hoặc bệnh phát triển ở những người có một số bệnh như tiểu đường vì dùng thuốc steroid kéo dài. |
Cần lưu ý khi đục thủy tinh thể ít, có thể bệnh nhân không nhận ra thị lực có thay đổi. Đục thủy tinh thể tiến triển từ từ thì thị lực kém dần. Ngoài ra ở một số người có đục thủy tinh thể nhận thấy khi nhìn gần đột nhiên thấy rõ hơn, nhưng tình trạng này chỉ là tạm thời. Thị lực sẽ giảm khi đục thủy tinh thể nhiều hơn.
* Điều trị đục thủy tinh thể cách nào tốt nhất? Có phải tất cả bệnh nhân bị bệnh đều phải mổ?
- Đối với đục thủy tinh thể ít, có thể cho bệnh nhân đeo kính, dùng kính lúp hoặc chiếu sáng tốt khi làm việc. Nếu những biện pháp này không có tác dụng, chỉ có phẫu thuật lấy thủy tinh thể đục và đặt kính thay thế thủy tinh thể là cách điều trị hiệu quả nhất.
Phẫu thuật được chỉ định khi đục thủy tinh thể gây giảm thị lực cản trở sinh hoạt hằng ngày, chẳng hạn như lái xe, đọc sách hoặc xem tivi. Trong đa số trường hợp có thể trì hoãn phẫu thuật cho đến khi tư tưởng bệnh nhân đã sẵn sàng. Nếu bệnh nhân bị đục thủy tinh thể cả hai mắt, mỗi mắt sẽ được bác sĩ phẫu thuật ở hai thời điểm khác nhau. Nếu hai mắt bị ảnh hưởng nhiều, sẽ phẫu thuật cách nhau 2-4 tuần.
Trong một số trường hợp, đục thủy tinh thể chưa gây giảm thị lực nhiều nhưng cần phải phẫu thuật để tạo thuận lợi cho việc khám, điều trị các bệnh mắt khác như bệnh thoái hóa hoàng điểm tuổi già hoặc bệnh võng mạc tiểu đường. Để tránh hiểu lầm bị mổ không đúng chỉ định, bác sĩ phải giải thích kỹ cho bệnh nhân trước khi mổ về những khả năng đạt được sau mổ và cả hai cùng quyết định thời điểm phẫu thuật.
Có hai cách phẫu thuật đục thủy tinh thể phổ biến: một là phẫu thuật đục thủy tinh thể ngoài bao kết hợp đặt thủy tinh thể nhân tạo hậu phòng. Thị lực sau mổ của phương pháp này không cao bằng phẫu thuật phaco. Hai là phẫu thuật phaco kết hợp đặt thủy tinh thể nhân tạo hậu phòng là phương pháp mổ hiện đại đang được phát triển ở VN. Phẫu thuật này không cần khâu sau mổ nên phục hồi nhanh, ít bị loạn thị sau mổ, thị lực sau mổ có thể đạt 10/10.
* Có phải cứ phẫu thuật đục thủy tinh thể là đem lại thị lực tối ưu 10/10?
- Phẫu thuật lấy thủy tinh thể là một trong những phẫu thuật phổ biến nhất, an toàn nhất. 90% trường hợp sau phẫu thuật lấy thủy tinh thể cho thị lực tốt. Tuy nhiên, kết quả phẫu thuật không chỉ tùy thuộc trình độ tay nghề của bác sĩ, trang thiết bị hiện đại, vật liệu đắt tiền mà còn tùy thuộc tình trạng mắt của bệnh nhân. Nếu mổ tốt nhưng tình trạng võng mạc và thị thần kinh của bệnh nhân không tốt thì khả năng tiếp nhận và dẫn truyền ánh sáng sau mổ không tốt, do đó khó thể đạt thị lực 10/10 sau mổ.
Mổ lấy thủy tinh thể đục có hai mục đích: phục hồi chức năng thị giác cho bệnh nhân, tức sau mổ mắt phải sáng hơn trước mổ, nhìn dễ chịu hơn trước mổ. Thông thường bác sĩ sẽ chỉ định mổ khi thị lực dưới 5/10 (có chỉnh kính). Một số bệnh nhân có thị lực tốt nhưng nhìn lóa nhiều, nhất là vào buổi tối, ảnh hưởng nhiều đến công việc, sinh hoạt thì cũng có chỉ định mổ.
* Phòng bệnh đục thủy tinh thể bằng cách nào?
- Nên tránh ánh nắng chiếu trực tiếp vào mắt, ăn uống hợp lý, đầy đủ chất dinh dưỡng, vitamin.
* Phẫu thuật thủy tinh thể có gây biến chứng? - Hiếm khi có biến chứng sau phẫu thuật loại này. Nếu có biến chứng có thể do nhiễm trùng, chảy máu, viêm (mắt đau, đỏ, sưng), giảm thị lực hoặc thấy chớp sáng. Nếu phát hiện kịp thời có thể điều trị thành công những biến chứng này. Biến chứng cũng có thể xảy ra do tay nghề phẫu thuật viên chưa cao; do bệnh nhân có sẵn bệnh thuận lợi cho sự phát triển của vi trùng (đái tháo đường, suy kiệt, suy giảm miễn dịch); do cơ thể có những bệnh tự miễn, khi có phẫu thuật can thiệp vào mắt thì hiện tượng viêm sẽ bùng phát, làm thời gian hậu phẫu kéo dài, kết quả sau mổ không cao. Cũng có khi do chỉ định mổ không đúng thời điểm (bệnh nhân bị tiểu đường, lúc mổ đường huyết còn cao hoặc bệnh nhân có tình trạng nhiễm trùng). |
Theo Lê Thanh Hà / Tuổi Trẻ
Bình luận (0)