Lập lờ tiền hỗ trợ giảm nghèo

08/07/2010 00:59 GMT+7

Những hộ nghèo ở 2 xã vùng cao thuộc huyện Đakrông (tỉnh Quảng Trị) là Triệu Nguyên và Ba Lòng chỉ nhận được số tiền hỗ trợ giảm nghèo theo Nghị quyết 30A của Chính phủ là 750.000 đồng, trong khi đáng ra họ phải nhận được 1 triệu đồng...

Đây là tiền hỗ trợ làm chuồng trại để nuôi heo, nhốt trâu bò cho bà con đã được UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt. Số tiền này giao cho Ban quản lý đề án Giảm nghèo nhanh và bền vững huyện Đakrông (BQL đề án) chịu trách nhiệm phân bổ.

Theo ông Đỗ Viết Xuân (53 tuổi, thôn Xuân Lâm, xã Triệu Nguyên), khoảng tháng 12.2009, gia đình ông đã nhận được 750.000 đồng hỗ trợ làm chuồng trại của Nhà nước, nhưng do không biết định mức hỗ trợ nên "cho mấy thì lấy nấy", không thắc mắc gì. Nhiều hộ khác cũng nhận được mức tương tự.

Chủ tịch UBND xã Triệu Nguyên - Võ Thương cũng xác nhận: "Số tiền này do BQL đề án làm chủ đầu tư, nhà thầu là Công ty TNHH Hải Nam thi công. Xã chỉ có trách nhiệm lựa chọn đối tượng được hỗ trợ và nhà thầu nói rằng nếu để họ làm thì họ sẽ mua nguyên vật liệu, làm theo mẫu có sẵn có giá đúng 1 triệu đồng, còn nếu người dân lấy tiền để tự làm thì chỉ nhận được 750.000 đồng vì trừ các khoản thuế gì đó mà công ty này chịu (?)...". Ông Thương còn cho biết thêm là hầu hết 30 hộ dân nằm trong diện hỗ trợ này đều nhận tiền mặt để tự làm. Ông Cao Xuân Ga - Chủ tịch UBND xã Ba Lòng cũng nói: "Những hộ nghèo ở xã tôi có người nhận được 700.000 đồng, có người nhận được 750.000 đồng. Hiện nay dân đang bức xúc lắm, mong được làm rõ...".

Trong khi đó, ông Nguyễn Thế Hùng, cán bộ chuyên trách về nông nghiệp của BQL đề án thì lại khăng khăng cho rằng hơn 100 hộ dân thuộc 2 xã Triệu Nguyên và Ba Lòng được hỗ trợ đều không nhận tiền mặt mà nhận vật liệu từ Công ty Hải Nam. "Người dân đã nhận đủ 1 triệu đồng và tiền này đã quy ra thành vật liệu, chúng tôi đã cử chị Hoa (Trương Thị Hoa - cán bộ BQL đề án) đi theo nhà thầu Hải Nam để giám sát nữa mà..." - ông Hùng nói.

Như thế, trong sự việc "biến 1 triệu đồng/hộ thành 750.000 đồng/hộ", người dân và chính quyền địa phương nói có nhưng đơn vị trực tiếp phân bổ lại bảo không. Các ngành chức năng địa phương cần làm rõ điều này, vì theo quyết định đã được UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt, sẽ có đến 3.331 hộ dân trên toàn huyện Đakrông được hỗ trợ, lúc ấy sự việc sẽ trở nên phức tạp.

Nguyễn Phúc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.