1. Vì trước đây ông nội làm lính Tây, nên khi mới vừa 7 tuổi, Alain Nguyễn (tên thật là Nguyễn Ngọc Thanh) được bảo lãnh sang Pháp cùng ông bà vào năm 1984. Chỉ vừa hơn một tháng tuổi, Alain Nguyễn đã bị mẹ bỏ rơi nên suốt tuổi thơ anh gắn bó với ông bà. Một đứa bé sơ sinh bệnh tật triền miên lại không có sữa mẹ nên Alain Nguyễn thường xuyên phải bú vú da của bà nội. Anh hoàn toàn mất tình thương và sự chăm sóc của mẹ trước khi có ý niệm về người mẹ.
Định cư ở Dijon, một tỉnh thuộc vùng đông nam nước Pháp và nổi tiếng thế giới với công nghệ sản xuất mù tạt, Alain Nguyễn sống trong sự che chở của ông bà nhưng luôn phải đối diện với một mâu thuẫn lớn: Vừa phải tuân theo luật lệ của một gia đình lễ giáo phong kiến, vừa phải hằng ngày tiếp xúc với nền Tây học hiện đại. Những ký ức thơ ấu đau buồn ít có ai trong nhà dám kể lại, thay vào đó là những lời răn dạy của ông bà và sự “truyền lửa” cho con cháu mình đừng quên nguồn cội, quê hương. Một quê hương VN trong ý thức non trẻ của cậu bé 7 tuổi sống ở Pháp dần dần được vẽ lên qua những câu chuyện kể và sự tưởng tượng mơ hồ. Năm 13 tuổi, Alain Nguyễn ra ngoài sống tự lập, một mình đi thuê nhà và làm những nghề khó nhọc nhất để sống: rửa chén, phụ bếp, pha rượu… nhiều khi đói và anh sống chui rúc dưới gầm cầu một mình. Nhiều lần anh tìm đường về lại quê hương nhưng không có cơ hội.
2. Ở mãi nơi tỉnh lẻ cũng chán, tốt nghiệp đại học chuyên ngành chế tạo phần mềm tin học tại Dijon, Alain Nguyễn về Paris tìm kiếm việc làm. Thời gian đầu lập nghiệp đầy gian truân. Pháp là nước có nền công nghệ cao nên tiêu chuẩn nhận việc đối với nghề tin học cũng khắt khe vô cùng. Hơn nữa lại là “dân da vàng mũi tẹt”, việc xâm nhập vào các công ty người bản xứ làm chủ là điều rất khó khăn. Vậy mà Alain Nguyễn đã làm được, nhờ kiến thức được đào tạo chính quy và vẻ bề ngoài cương nghị, dễ nhìn. Tôi đã từng gặp một chị tên Hồng Rose có thâm niên hơn 20 năm làm nghề thử rượu cho một hãng nổi tiếng và là người châu Á duy nhất làm được làm việc tại đây. Chị bảo: “Cách đây 20 năm, một người Việt muốn xin được chỗ làm trong một công ty cao cấp của Pháp là một thử thách vô cùng gian nan”.
“ |
Tự lập một thân một mình lại suốt ngày chỉ giao du, làm việc với người Pháp nên “chất” Việt trong Alain Nguyễn giảm đi đáng kể, anh tự nhận mình gần như không còn nhớ tiếng mẹ đẻ, muốn nói cũng chẳng biết nói với ai… mà hiếm khi gặp người Việt thì lại nói sai lung tung. Có lần về VN, Alain Nguyễn nói với vợ: “Khu vực hồ Con Rùa là… đại bàng mà anh thích nhất (ý nói địa bàn)”. Hay có lần khác: “Em đừng có canh trành với anh nữa, ru con ngủ đi! (ý nói cạnh tranh)”…
Dù hơn 20 năm trôi qua, nhưng Alain Nguyễn vẫn luôn thấy mình lạc lõng, cô độc giữa kinh đô Ánh sáng. Anh nói: “Tôi mang tấm thân người Việt mà suy nghĩ thì theo Tây phương. Lúc nào cũng thấy mình “nửa nạc nửa mỡ”, nói chuyện với người đồng hương thì người ta không hiểu, nhiều khi phải dùng đến động từ “tu quơ” để diễn đạt ý nghĩ (!). Tôi luôn nuôi ý nghĩ phải trở về quê hương để làm con cá sống trong nước”. Đó là những lời bộc bạch rất thật và xúc động của Alain khiến tôi thấy lòng mình chùng xuống…
3. Thời gian làm phim cho HTV ở Pháp, tôi trú ở quận 13 Paris nhưng thường xuyên đến nhà Alain Nguyễn ở làng Draveil, một vùng ngoại ô thuộc zone 4, cách Paris khoảng 15 phút đi tàu điện RER. Nhiều lần, vợ chồng Alain Nguyễn ra đón tôi ở ga Juvisy hoặc ga Vigneux, hoặc có khi tôi tự đi bộ 3 cây số về nhà. Tôi gửi đồ đạc tác nghiệp ở đây nên có lý do thường xuyên gặp nhau.
Ngôi làng Draveil thơ mộng, yên tĩnh với nhiều ngôi nhà cổ và trại nuôi ngựa nhưng cũng là nơi đặt văn phòng của các hãng xưởng nổi tiếng như Microsoft, Apple, Airbus… Alain Nguyễn đã chọn vùng này để tiện bề làm việc và xây dựng mái ấm gia đình với người vợ xinh đẹp Khánh Vân, người anh đã cưới và đưa sang từ VN cùng hai đứa con kháu khỉnh là Hennessy và Aline. Vì đã đi qua nhiều “sóng gió ba đào” thời tuổi trẻ nên Alain Nguyễn rất nâng niu hạnh phúc. Tôi nhiều lần chứng kiến anh thức dậy sớm, phụ vợ lo cho con cái rồi tất tả đi làm đến tối mịt mới về. Như cách anh nói: “Lúc đi làm không nhìn thấy mặt trời, về nhà cũng không thấy mặt trời đâu”. Với vị trí giám đốc chi nhánh của công ty chế tạo phần mềm, anh đặt hết sự nghiệp gia đình vào công việc này. Dĩ nhiên, thời gian dành cho gia đình cũng vì thế mà ít lại. Anh luôn ray rứt về điều đó. Những ngày cuối tuần, tôi cùng anh và gia đình đi mua sắm vật dụng cho tuần mới. Đó là lúc nói chuyện được với nhau nhiều nhất. Và cho đến chuyến đi xuyên xuống các thành phố miền Nam nước Pháp, tôi đã nhận ra mái ấm này đang dự định thực hiện một kế hoạch…
4. Mỗi buổi sáng tôi thường được điểm tâm món bánh crêpe do vợ Alain Nguyễn chế biến. Món bánh chế biến đơn giản mà ngon lạ lùng. Chỉ cần vài miếng bánh tráng dẻo, chocolate và ít chuối kèm ly sữa nữa là có được bữa sáng ngon miệng. Thường ở nhà Alain, mỗi ngày họ luôn đãi tôi một loại bánh nào đó, giống như việc làm bánh là thói quen và sở thích rất bình thường của những người sống ở Pháp vậy.
|
Một lần tâm sự với nhau, Alain hỏi ý kiến tôi về việc hồi hương làm lại từ đầu. Anh than rằng, kinh tế Pháp đi xuống nhiều quá, thất nghiệp tràn lan, phúc lợi xã hội thì bị cắt giảm… trong khi ở Việt Nam thì đang mở ra nhiều cơ hội làm ăn… vậy có nên về không? Tôi hỏi ngược lại: “Ông về nước thì sẽ làm gì?”. Alain trả lời: “Mình muốn làm thuê cho một công ty phần mềm nào đó, nếu không được thì cùng lắm đi làm… bánh mà bán!”. Thấy vợ chồng Alain Nguyễn quyết liệt quá, tôi chỉ nói đùa một câu: “Ừ, thì về đi. Nếu bán bánh thì tui mua ủng hộ!”.
Đến nay tính ra Alain và vợ con đã “dọn” hẳn về nước được nửa năm. Anh không làm kỹ sư phần mềm cho ai mà suốt ngày chỉ lo làm bánh rồi hai vợ chồng chạy vạy khắp các nhà hàng, khách sạn, cửa tiệm… để tìm đầu ra. Họ đã “bê” nguyên một cái bếp mua từ Pháp về, với đầy đủ các dụng cụ cần thiết cho nghề làm bánh, từ tủ bếp, lò nướng, máy ép trái cây, máy pha cà phê, nguyên liệu chế biến… để cho ra các loại bánh thơm ngon như flan nướng, bánh moelle, éclar, croissant, choux, tarte aux pommes… Mọi chuyện khởi đầu từ việc làm bánh cho người thân ăn thử, ai cũng khen ngon rồi động viên vợ chồng Alain làm bánh để bán. Công việc chỉ mới bắt đầu, nhưng nhờ lập kế hoạch rõ ràng và quyết tâm làm đến cùng, đôi vợ chồng trẻ này khẳng định: “Tụi mình sẽ làm bánh đúng kiểu Pháp. Không cần mua vé máy bay đi Pháp vẫn ăn được bánh Pháp tại Việt Nam!”.
Bùi Thanh Tuấn
Bình luận (0)