“Tê tê say say”
Dưới làn khói mờ ảo bên trong gian phòng trướng rũ màn che, một nhóm trai gái ăn mặc sành điệu mắt lim dim, nằm ngồi ngả ngớn, rũ rượi trên những chiếc ghế sofa bọc nhung mượt mà. Một gã trai ngồi bật dậy, với tay lấy cần hút từ bộ điếu cày shisha, đưa vào miệng kéo một hơi thật dài, rồi nhả khói phì phì, gương mặt “tê tê say say” như lên đồng, từ từ thả mình ra sau ghế và “phiêu” theo làn khói…
Gần đó, nhóm vũ công trong những bộ cánh mát mẻ kiểu Ả Rập liên tục đảo quanh các gian phòng để múa bụng, rung lắc toàn thân với những động tác bốc lửa. Gian phòng cạnh bên đột nhiên phát ra vài tiếng ho sặc sụa. “Thay than đi tụi bay, khét quá!”, một giọng nói hét lên. Ngay lập tức, một người trong nhóm chồm dậy lấy vài viên than mới bỏ lên chén nhỏ đặt trên đỉnh bàn đèn shisha, cuộc vui lại tiếp tục…
Đó là những góc cận cảnh tại một nhà hàng, café phục vụ shisha mang đậm phong cách Ả Rập, trên con đường nhỏ gần khu vực sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM). Nhà hàng trên mới mở cửa vài tháng nay nhưng khá đông khách lui tới, đa phần là giới trẻ.
Cứ mỗi bữa tiệc shisha kéo dài khoảng 1 tiếng đồng hồ, các “thượng đế” teen phải bỏ ra 250.000 đồng. Như vậy, để theo những cuộc vui kéo dài từ đêm tới tận 2 giờ sáng hôm sau, mỗi nhóm phải mất hơn một triệu đồng. Đó là chưa kể tiền rượu bia để tăng hưng phấn.
Hút shisha là sành điệu?
Theo lời chủ nhà hàng trên, các hương liệu có cấp độ nặng nhẹ khác nhau. Đối với những ai hút shisha lâu ngày, dĩ nhiên sẽ có nhu cầu xài loại hương liệu “nặng đô” hơn, điều đó đồng nghĩa với việc phải đốt tiền nhiều hơn trong mỗi lần hút. Vì vậy, một số tay chơi shisha mua hẳn cả bộ điếu cày Trung Đông về nhà để hút bất cứ lúc nào.
Theo chúng tôi tìm hiểu, đa phần các tụ điểm hút shisha đều có cung cấp bộ hút shisha lẫn hương liệu cho những khách hàng có nhu cầu. Giá mỗi bộ khoảng 2 triệu đồng, chưa kể tiền hương liệu là 250.000 đồng/gói nhỏ, tiền than đốt là 400.000 đồng/100 viên…
Giới mê shisha còn lập hẳn những hội, nhóm để tổ chức thường xuyên các bữa tiệc “bay” tưng bừng, trao đổi hay mách nhỏ cho nhau về thú chơi shisha, đồng thời không ngừng chiêu dụ thành viên mới.
Trên các diễn đàn của cộng đồng mê shisha, các thành viên liên tục í ới gọi nhau “bay” đêm ở những "tụ điểm" mới. Các "tụ điểm" shisha thường tập trung tại các cung đường gần Q.1 (TP.HCM) như B.V, H.T hay N.D, T.H.Đạo…
|
“Bay” là cách gọi phổ biến của giới mê điếu cày Trung Đông, vì từ này lột tả chính xác nhất cảm giác lúc đang “phiêu” cùng làn khói shisha. T.A, sinh viên trường ĐH Bách khoa (TP.HCM), từng có thời gian “làm bạn” thường xuyên với shisha cho biết: “Lúc trước, mình hút shisha như cơm bữa, nhưng giờ thì thỉnh thoảng thôi vì thấy nó cũng đốt tiền hơi phí. Nhưng bây giờ thấy tụi teen “bay” shisha dữ quá”.
Để lấy danh sành điệu, những tay chơi trẻ cùng rỉ tai nhau tìm đến các tụ điểm hút shisha hằng đêm để cùng ngả nghiêng, phiêu diêu theo làn khói mờ ảo. Điều đáng nói là có nhóm hút shisha chỉ đơn thuần để giải trí, nhưng có nhóm lại biến thú chơi này thành trò thác loạn quá đà.
Trước đây, dư luận đã từng nhiều lần phản ánh nạn hút shisha pha tài mà hay bồ đà của một bộ phận thanh niên hư hỏng. Thậm chí, còn có nhiều trường hợp ăn cắp tiền của trong nhà để theo bạn bè hút shisha. Điều này chứng tỏ, thú chơi trên không phải không gây nghiện.
Các chuyên gia nói về shisha Đào Thị Yến Thủy, Bác sĩ chuyên khoa 1 (Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM): Cho tới nay, hương liệu dùng trong shisha vẫn chưa được thẩm định có độc hại hay không. Nhưng khói đốt từ than chắc chắn có khí CO. Khí này ảnh hưởng đến sức khỏe rất nhiều, đặc biệt là phổi, nếu hút lâu ngày có thể dẫn đến ung thư. Riêng với người bị dị ứng với khói thì càng nguy hiểm. Ngoài ra, khí CO còn có khả năng gây ngộ độc. Chúng chiếm chỗ của Oxy trong hồng cầu, gây ra hiện tượng choáng váng do thiếu Oxy trong hồng cầu. Nói chung, các bạn trẻ không nên lạm dụng trò hút shisha, vì nó không có lợi cho cơ thể. Thạc sĩ Nguyễn Hữu Long, Giảng viên tâm lý học trường CĐ Sư phạm T.Ư TP.HCM: Cùng với nạn đua xe, bạo lực học đường, trào lưu hút shisha trong một bộ phận trẻ vị thành niên hiện nay được coi là hành vi chưa hợp lý. Lý do mà các em tìm tới shisha có thể là muốn thể hiện đẳng cấp, muốn khẳng định cái tôi, cá tính của mình và đặc biệt là muốn lấy danh sành điệu. Việc hút shisha thường xuyên cũng có thể hình thành thói quen không tốt và tạo nên những thói quen khác như hút thuốc lá, hay thậm chí bất cứ thứ gì có chất kích thích. Tôi nghĩ rằng số bạn trẻ chạy theo trào lưu hút shisha trên là khá ít, tuy nhiên, nếu chúng ta không định hướng, giáo dục kịp thời thì con số đó sẽ trở nên tràn lan khắp cộng đồng teen. Vì vậy, phụ huynh, nhà trường và xã hội cần đẩy mạnh giáo dục, định hướng cho con em mình có được hành vi hợp lý hơn trong việc thể hiện cái tôi và cá tính của bản thân. Lương y Đinh Công Bảy, Tổng thư ký Hội Dược liệu TP.HCM: Theo tôi thấy, bất cứ thứ gì có chất CO ăn vào cơ thể đều có hại. Khí CO có thể tạo ra nhiều bệnh về phổi cũng như đường hô hấp. Đặc biệt, khi nồng độ khí CO trong máu cao cũng có thể dẫn đến các bệnh về máu. Trí Quang (ghi) |
Trí Quang
Bình luận (0)