Mưa bắt đầu lúc khoảng 6 giờ và chỉ 1 tiếng sau, các nẻo phố nội đô đã ngập trong nước. Nhiều trục đường đã biến thành sông. Hàng vạn xe máy và nhiều ô tô bị chết máy nằm la liệt trên các tuyến phố. Đến 8 giờ, khu vực ga Hà Nội nước ngập ngang ngực, khu vực đường Nguyễn Khuyến nước ngập đến nắp ca-pô ô tô. Những địa bàn ngập nặng nhất là các tuyến phố Hoàng Văn Thái, Tô Vĩnh Diện, Vương Thừa Vũ, Lê Trọng Tấn, Trường Chinh, Tôn Thất Tùng...; từ khu vực sân bay Bạch Mai kéo dài sang địa bàn phường Khương Trung, Khương Mai, Khương Đình, Khương Hạ... của quận Thanh Xuân, Hà Nội với mức nước từ 0,5 - 0,7m...
Giao thông hỗn loạn
Chỗ nào ngập lụt, chỗ đó giao thông gần như đình trệ. Tuyến đường Kim Mã - Nguyễn Chí Thanh - Liễu Giai tắc nghẽn nhiều giờ. Từ 8 giờ sáng, trên "dòng sông phố", hàng đoàn dài xe cộ đứng chôn chân không nhúc nhích. Đến hơn 11 giờ, giao thông ở đây vẫn giậm chân tại chỗ. Rất nhiều người không đủ kiên nhẫn, quay đầu xe dắt bộ trở lại. CSGT bất lực đứng nhìn dòng xe cộ bị ùn ứ thành dãy dài suốt đoạn ngã tư đến đường Kim Mã, xuống Liễu Giai, đoạn Kim Mã Thượng.
Ở ngã tư Láng Hạ - Huỳnh Thúc Kháng, tình trạng ách tắc cũng diễn ra nghiêm trọng. Nước ngập hơn 1 mét, rất nhiều xe chết máy giữa đường. Tất cả những khoảng trống đều được tận dụng làm nơi "hong" xe. Đây cũng là nguyên nhân cho đến gần 9 giờ sáng, đường Huỳnh Thúc Kháng vẫn trong cảnh ùn ứ.
|
Hầm đường bộ Kim Liên thì biến thành... bể bơi. Xe máy, ô tô như chết đuối dưới làn nước đục ngầu. Nhiều người qua đây cho hay lên đến cửa hầm mới biết mình không bị chết đuối vì nước trong hầm sâu. "Bình thường đi trong hầm đã ngộp, giờ có nước, còn sợ hơn. Cứ có xe phóng nhanh là nước trào lên tận cổ", chị Vũ Thị Hồng (Triều Khúc, quận Thanh Xuân) là nhân viên bán hàng điện thoại trên Phố Huế, kể.
11 giờ trưa mưa ngớt dần. Nhưng cũng phải đến 13 giờ, những con phố ngập lụt nước cơ bản mới rút hết. Ở một số nơi nước rút chậm như phố Phan Kế Bính, Kim Mã Thượng và một số đoạn trên đường Liễu Giai đến 15 giờ vẫn ngập sâu nửa mét nước. Đầu hầm Kim Liên phía Xã Đàn, đến 15 giờ nước vẫn mấp mé 20 cm, gây tắc đường cục bộ.
"Có giao cho cả ngàn tỉ đồng thì cũng chịu" (!)
Ngay từ 6 giờ 30 sáng, Công ty thoát nước đã triển khai công tác ứng trực, với lực lượng công nhân tại hiện trường lên tới hơn 1.500 người; ngoài ra là lực lượng thanh tra Sở Xây dựng, thanh tra giao thông vận tải, CSGT cũng được huy động tối đa.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Lê, Giám đốc Công ty thoát nước Hà Nội, do lượng mưa quá lớn, nên việc ngập tại 25 điểm trong nội đô là điều bất khả kháng. "Tổng lượng mưa đo được là 159,5 mm/2 giờ, trong khi hệ thống thoát nước khu vực nội đô chỉ bảo đảm thoát nước nhanh với trận mưa có cường độ 172 mm/2 ngày", ông Lê nói.
Theo ông Lê, nguyên nhân ngập cũng có một phần từ các công trình đào đường để chỉnh trang các tuyến phố. "Nếu TP Hà Nội ngay bây giờ, giao cho Công ty thoát nước chúng tôi 1.000-2.000 tỉ đồng, bảo phải làm thế nào để nội đô khỏi ngập mỗi khi mưa lớn thì chúng tôi cũng chịu. Vì không phải cứ có tiền là làm ngay được, vì phải có thời gian thi công. Cả giai đoạn I của Dự án thoát nước của Hà Nội đã triển khai trong 7 năm (1998 - 2005) cũng mới chỉ giải quyết tình trạng úng ngập với lượng mưa 172 mm/2 ngày. Còn dự án thoát nước giai đoạn II đang triển khai với tổng kinh phí khoảng 6.314 tỉ đồng, đến năm 2013 cũng chỉ giải quyết được tình trạng ngập nội đô với lượng mưa 310 mm/2 ngày. Nên mưa lớn với lượng mưa 159,5 mm/2 giờ như sáng nay thành phố lại có tới 25 điểm ngập nặng là điều không tránh khỏi", ông Lê giải thích.
Cơn mưa cảnh báo... Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão TP Hà Nội, lượng mưa tính từ 7 giờ 30 đến 10 giờ 30 sáng qua tại Láng là 144 mm, Thanh Liệt 115 mm, Vân Hồ 153 mm, Long Biên 160 mm... Mưa lớn, lại diễn ra trong khoảng thời gian ngắn nên trên địa bàn nội đô Hà Nội đã xảy ra úng ngập với độ sâu từ 0,3 - 0,4m tại 23 điểm. Ông Lê Thanh Hải, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, cho biết rãnh áp thấp có trục tây bắc - đông nam kết hợp với hội tụ gió đông nam trên cao là nguyên nhân gây ra cơn mưa lớn tại Hà Nội sáng qua. "Đây cũng chính là những hình thái gây ra đợt mưa cực lớn, ngập lụt lịch sử trên địa bàn Hà Nội vào cuối năm 2008. Tuy nhiên, rất may, cơn mưa sáng nay đã dứt sau khoảng gần 3 giờ đồng hồ chứ không diễn ra liên tục trong 3 - 5 ngày như hồi cuối năm 2008", ông Hải nói. Theo ông Hải, cơn mưa này là sự cảnh báo với người dân và các cấp chính quyền Hà Nội rằng mùa mưa đã bắt đầu, cần phải chủ động và tích cực triển khai các biện pháp đối phó với mưa lớn, mưa cực lớn. Quang Duẩn |
3 người bị điện giật chết trong cơn mưa Có 3 người được xác định chết do rò rỉ điện liên quan đến cơn mưa ngập sáng qua tại Hà Nội. Nạn nhân đầu tiên là chị Nghiêm Thị Xuân Mai (quê Thanh Hóa), sinh viên một trường cao đẳng, đang sinh sống tại ngõ 158 Ngọc Hà. Chị Mai được phát hiện chết trong bếp, khi nền nhà ngập nước 30 cm. Một vụ điện giật khác cũng liên quan đến ngập nước, xảy ra tại cửa hàng gas trên phố Trương Định đã cướp đi 2 mạng người. Bước đầu xác định, cả hai nạn nhân đều là phụ nữ, một người là vợ của chủ cửa hàng gas này, nạn nhân còn lại là người làm thuê. Bùi Trần |
Tranh thủ chặt, chém
Dịch vụ "hốt bạc" trong buổi sáng hôm qua là sửa xe máy lưu động và đẩy ô tô. Giá lau bugi xe máy lên đến 30.000 - 35.000 đồng/lượt. Đẩy ô tô qua đoạn ngập thì vất vả hơn nên cần từ 4 - 6 người đẩy, giá cũng cao, dao động từ 100.000 - 200.000 đồng/lượt đẩy. Áo mưa, ô che cũng bị đẩy giá lên gấp 2 - 3 lần bình thường nhưng người cần thì vẫn phải bấm bụng mà mua. Trên phố Văn Miếu, 2 anh thợ xây dựng ngay lập tức nghĩ ra cách dùng máng tôn đưa người qua "đường - sông" với giá 10.000 đồng/lần. Tại đoạn mương ở khu đô thị Nam Trung Yên (Q.Cầu Giấy), nhiều công nhân mang lưới ra bắt cá. |
Việt Chiến - Lê Quân
Bình luận (0)