Nếu như cửa Ba Lai chịu sự can thiệp của con người (chặn dòng chảy ra biển), thì cửa Bassac - “con rồng thứ 8” - lại có một số phận khác.
Bassac - con rồng hóa thân
Rất nhiều tư liệu ghi chú cửa sông Bassac khởi nguồn từ khu vực Cồn Cát, thuộc huyện Cù Lao Dung (ngang Đại Ngãi, H.Long Phú, Sóc Trăng), nằm giữa 2 cửa sông lớn là Định An và Trần Đề. Tuy nhiên, con sông này đã biến mất trong các bản đồ được vẽ gần đây. Vì vậy, để xác định vị trí cửa biển, chúng tôi tìm đến những người cao niên đã sinh sống lâu năm tại xứ cù lao này. Ông Dương Văn Cảnh (ấp Nguyễn Tăng, xã Đại n I) nói năm 1957, ông về đây dựng nhà tại Cồn Tròn bên bờ sông Bassac, thời điểm sông này còn đổ ra biển, sóng còn đánh tới cửa nhà ông. Đến nay, con sông đã lùi xa cả cây số, vị trí này đã là rẫy mía rộng thênh thang. Ông Cảnh nói, thời điểm đó từ nhà ông nhìn qua bên kia sông là xứ Năm Tiền, Xẻo Xu, nay các địa danh trên đã cách bờ sông hiện hữu khoảng 3-4 cây số.
Thay đổi có thể thấy rõ nhất bắt đầu từ giữa những năm 1960, khi giữa con sông rộng 3-4 km xuất hiện nhiều cồn. Các cồn này cứ nở dần, bóp hẹp cửa sông. Đến giai đoạn 1970-1980 thì đất cồn đã có người đến cất nhà, khoét đất làm lúa, nuôi tôm. Với sự bồi lấp của tự nhiên cùng bàn tay cải tạo của con người, vùng đất mà dân địa phương quen gọi là Cồn Nổi đã có nhiều cư dân đến sinh sống, lập nên xóm làng. Chính cái cồn lớn này đã án ngữ dòng chảy của sông Bassac ra biển.
Đại tá Nguyễn Văn Bé (Tám Minh), Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Cù Lao Dung, kể: Năm 1987, ông về đây làm Giám đốc Nông trường 416 (Quân khu 9). Khi đó, nơi này là một vùng đất ngập nước, chỉ có cây bần và cây mắm và chưa quá 20 hộ dân sinh sống. Sau nhiều năm đưa người và xáng cạp thi công hệ thống đê đập khép kín, vùng đất này mới ổn định sản xuất với diện tích 397 ha. Như vậy tính tới thời điểm cuối những năm 1980, trên cửa sông Bassac đã có cồn đất này.
Cửa sông Cồn Tròn tiếp tục bị chặn bởi dãy đất cồn vừa mới xuất hiện vài năm nay |
Cùng thời điểm đó, ở vùng đất ngập phía nam Cồn Nổi hướng ra biển, Nông trường 30-4 cũng được thành lập. Cùng với Cồn Nổi, vùng đất mới rộng hàng ngàn ha này đã “bẻ” dòng chảy của sông hòa vào cửa sông Trần Đề. Đến năm 2004, nông trường giải thể, giao diện tích đất lại cho xã An Thạnh Nam. Vùng đất mới này cũng đã “nở” ra cả ngàn ha. Cùng thời điểm đó, Nông trường 416 cũng giải thể, chuyển giao cho xã hơn 4.600 ha nữa. Như vậy phần lớn diện tích xã An Thạnh Nam nằm giữa miệng sông Bassac ngày trước...
Bây giờ, sông Bassac chỉ còn là con sông nhỏ với cái tên là sông Cồn Tròn, khởi thủy từ Cồn Cát chảy qua Cồn Chén - Vàm Ông Tam - Xóm Ngát - Ông Gia - Rạch Bàn Một - Rạch Tráng, đổ ra cửa Trần Đề với một bên là Cồn Tròn (xã Đại n I) và một bên là Cồn Nổi (xã An Thạnh Nam). Đó là kết quả của một quá trình diễn thế tự nhiên và vẫn còn đang tiếp tục. Ngay tại cửa sông Cồn Tròn, mấy năm gần đây đã xuất hiện cái cồn mới rộng khoảng 3 ha và nó đang rộng ra dần. Phía đuôi xã An Thạnh Nam hướng ra biển cũng có một bãi đất rộng khổng lồ đang dần hình thành, khiến ghe tàu đi lại hết sức khó khăn.
Bassac - một trong chín “con rồng” - đã hóa thân thành một vùng đất trù phú, mênh mông...
Ba Lai - “rồng” biến thành đập
Một “con rồng” khác được con người chuyển hóa thành... con đập là Ba Lai, với việc xây dựng hệ thống cống đập hoành tráng từng gây nhiều tranh cãi giữa các nhà khoa học và nhà quản lý.
Cống đập Ba Lai chắn ngang sông Ba Lai, nối 2 xã Tân Xuân (H.Ba Tri) và Thạnh Trị (H.Bình Đại, Bến Tre). Theo thiết kế thì sau khi xây dựng hoàn chỉnh 5 cụm công trình sẽ giúp ngọt hóa 115 ngàn ha đất tự nhiên (trong đó có trên 88 ngàn ha đất nông nghiệp) của 4 huyện Châu Thành, Bình Đại, Giồng Trôm, Ba Tri và TP Bến Tre và cống đập Ba Lai chỉ là một trong 9 hạng mục đó. Không hiểu có phải do xây dựng chưa hoàn chỉnh hay vì lý do nào khác mà người dân ở đây có cái nhìn trái ngược nhau về dự án này.
Ông Trần Văn Sen, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Xuân nói rằng, từ khi có cống đập Ba Lai, người dân 2 xã Tân Xuân, Tân Mỹ đã có đủ nguồn nước ngọt đáp ứng cho nhu cầu sản xuất và sinh hoạt. Từ chỗ mỗi năm chỉ làm 2 vụ lúa đã nâng lên 3 vụ. Cây trái tốt tươi, chăn nuôi thuận lợi hơn trước rất nhiều.
Nhưng người dân xã Thạnh Trị lại có cái nhìn về cống đập Ba Lai khá u ám. Ông Nguyễn Văn Đấu, nông dân ở ấp 3, Thạnh Trị rầu rĩ: “Nhà tui có 1 mẫu 3 đất, trước mỗi năm chỉ làm 1 vụ lúa mùa tranh thủ lúc có nước ngọt, rồi sau đó nuôi tôm là kiếm sống được. Từ khi có cống đập nói là ngăn mặn giữ ngọt nhưng giữ ngọt đâu không thấy, trồng cây xuống cây không lên nổi, bỏ cây làm vuông nuôi tôm, tôm không sống nổi vì bị mặn và phèn quá mức”. Ông Ba Hoàng, một nông dân cũng ở Thạnh Trị than: “Mặn không ra mặn, ngọt không ra ngọt nên làm sao mà có hướng nuôi trồng”.
Chia sẻ sự đồng cảm với người dân trong xã, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Thạnh Trị Nguyễn Văn Hiệp cho biết ông đồng tình với các ý kiến cho rằng công trình vẫn chưa giải quyết được vấn đề nhiễm phèn ở các diện tích đất liên quan. Công trình có đem lại lợi ích nhất định cho một ít xã vùng 1 của huyện Bình Đại như Long Hòa, Long Định, Châu Hưng, nhưng ở nhiều xã còn lại của vùng 2, vùng 3, trong đó có Thạnh Trị thì còn nhiều nan giải. Chỉ cống đập Ba Lai thôi chưa thể nói đến chuyện điều tiết nước cho diện tích toàn dự án. Nước mặn từ Cửa Đại vào sông Giao Hòa, Cửa Tiểu vào sông An Hóa len qua nhiều kênh rạch khác vào sâu trong nội địa... nên việc giữ ngọt cho toàn vùng dự án vẫn chưa thể làm được. Nội việc ngọt hóa cục bộ cho Thạnh Trị thôi cần phải tiến hành một loạt công trình: đắp đê Tây từ Thạnh Trị qua các xã Phú Long, Lộc Thuận, Thới Lai, Châu Hưng, Long Hòa, làm kinh Ngang nối Bình Thới và Thạnh Trị... nhưng chừng nào triển khai thì vẫn còn chờ. Nên Thạnh Trị từ năm 2002 (lúc hoàn thành cống đập Ba Lai) đến nay vẫn là khu vực chưa được xả phèn. Hiện ở đây có đến hơn 30 ha không trồng trọt được, cũng không nuôi tôm được vì nhiễm mặn và chủ yếu là nhiễm phèn nặng.
Diễn biến biến đổi các cửa sông trong 100 năm qua TS Trương Ngọc Tường, kỹ sư trưởng Công ty cổ phần tư vấn cảng - kỹ thuật biển (Portcoast) đã cung cấp cho Thanh Niên 3 bản đồ cho thấy sự thay đổi của sông Cửu Long trong khoảng 100 năm qua, tính từ khoảng đầu thế kỷ 20 cho đến đầu thế kỷ 21. Trên bản đồ có từ thời Pháp thuộc (bản đồ số 1), TS Tường dự đoán được vẽ vào khoảng đầu thế kỷ 20, lúc đó sông Cửu Long đổ ra biển Đông với 9 cửa. Trên bản đồ này, cửa Ba Lai được vẽ khá rõ, đó là một nhánh của sông Tiền, bắt đầu từ phía trên Mỹ Tho, rồi đổ ra biển, nhưng cửa sông này không chảy thẳng ra biển mà quẹo về phía Nam. Trên bản đồ đường thủy phía Nam được vẽ sau năm 1975 (bản đồ số 2), cửa sông Ba Lai cơ bản vẫn không thay đổi nhiều so với bản đồ số 1. Trên bản đồ này, đoạn đầu nối với sông Tiền có tên gọi là sông Mỹ Tho và đoạn cuối gọi là sông Ba Lai. Nhưng khi xem trên bản đồ được chụp từ rada mới đây (bản đồ số 3), đoạn sông Mỹ Tho đã gần như không còn nhìn thấy nữa, trong khi đoạn cuối đã suy thoái, chỉ còn là một con sông nhỏ đổ ra biển. Trong khi đó, cửa Bassac, một trong 3 cửa đổ ra biển của sông Hậu đã biến mất hoàn toàn trên bản đồ rada mới đây (bản đồ số 3). Trên bản đồ số 1, cửa Bassac nằm giữa 2 cửa Định An và Trần Đề. Cù lao Dung nằm giữa 2 cửa sông Định An và Trần Đề, vào thời Pháp thuộc không phải là một dải cù lao như ngày nay, mà là 2 cù lao riêng biệt nằm ở 2 bên cửa Bassac. Nay 2 cù lao này đã nhập lại thành một khi cửa Bassac suy thoái. Dấu tích của cửa sông này giờ đây chỉ còn là một con sông nhỏ nằm trên cù lao Dung (H.Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng) và đổ ra cửa Trần Đề. So sánh giữa bản đồ thời Pháp thuộc và bản đồ mới đây cũng cho thấy vùng duyên hải của tỉnh Trà Vinh, khu vực nằm giữa cửa Cung Hầu (sông Tiền) và cửa Định An (sông Hậu) đã lấn ra biển Đông khá nhiều. Dải cù lao Lợi Quan (H.Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang), nằm giữa cửa Tiểu và cửa Đại (sông Tiền) cũng đã lấn ra biển so với ngày xưa. Nhìn chung, các cù lao đều lấn dần ra biển. TS Tường nhận định, khó có thể hình thành cửa sông mới, bởi các cửa sông chính còn lại hiện nay vẫn giữ trục ổn định, không thay đổi so với thời Pháp thuộc. M.Vọng |
Tiến Trình - Khoa Chiến
Bình luận (0)