Tượng đài Thánh Gióng sắp hoàn thành

16/07/2010 09:00 GMT+7

Đã có lúc dư luận nghi ngờ về việc tượng đài Thánh Gióng khó có thể hoàn thành trước ngày đại lễ 1.000 năm vì quá nhiều trắc trở. Nhưng đến hôm nay, công trình tượng đài đặc biệt này đang đi những bước cuối cùng, hứa hẹn trở thành một địa chỉ tham quan thú vị.

Ý tưởng xây dựng tượng đài Thánh Gióng được lãnh đạo Hà Nội ấp ủ từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước và đã nhiều lần trưng cầu, lấy ý kiến đóng góp của nhân dân và các nhà khoa học.

Năm 2003, lễ phát động cuộc thi mẫu thiết kế tượng đài Thánh Gióng chính thức được tổ chức, và mẫu tượng Thánh Gióng bay lên trời theo thế thẳng đứng của nhà điêu khắc Nguyễn Kim Xuân đã được chọn với mô hình xây dựng tượng đài Thánh Gióng hiện nay đang được hoàn thiện trên đỉnh núi đá Chồng (Sóc Sơn, Hà Nội).

Theo đánh giá của giới chuyên môn, mẫu tượng đài đã toát lên thần thái và hình tượng của đức Thánh theo truyền thuyết. Chân tượng được tạo hình từ sự cách điệu của mây, của hào quang và những cây tre đằng ngà, Thánh Gióng cưỡi trên lưng ngựa, bay lên trời xanh, tay phải cầm một cây tre lớn.

Đúng 9 giờ 9 phút ngày 9.9 năm Kỷ Sửu (ngày 26.10.2009), những giọt đồng đỏ rực đầu tiên đúc tượng Thánh Gióng đã được đổ khuôn. Tượng đài Thánh Gióng (Phù Đổng Thiên Vương thăng thiên hóa Thánh) được đặt trên đỉnh núi Đá Chồng, đỉnh núi cao nhất của khu du lịch tâm linh thuộc quần thể đền Sóc - chùa Non - Học viện Phật giáo Việt Nam.

Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, chủ đầu tư cho biết, mặc dù đã có nhiều trở ngại nhưng công trình sẽ không bị lỡ hẹn, hoàn thành trước dịp đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Tượng đài Thánh Gióng sẽ có tim!

Theo thiết kế, tượng đài Thánh Gióng có chiều cao 9,9m, chiều rộng 13,5m, trọng lượng ước tính khoảng 60-70 tấn, được làm bằng đồng, miêu tả hình ảnh Thánh Gióng cưỡi ngựa sắt thăng thiên về trời từ trên đỉnh núi. Đỉnh Đá Chồng, nơi đặt tượng, có chiều cao 297m so với mặt nước biển (khoảng 3.500 bậc thang bộ). Theo dự kiến, tượng đài Thánh Gióng sẽ khánh thành đúng vào dịp đất nước kỷ niệm đón mừng Đại lễ chính thức của Thăng Long - Hà Nội 1.000 năm tuổi.

Ông Nguyễn Đức Hòa, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Hà Nội đánh giá: Tượng đài Thánh Gióng không những là công trình trọng điểm kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, mà còn mang dấu ấn của thời đại mới, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử dựng nước, giữ nước của cha ông ta.

Ngoài sự quan tâm, tạo điều kiện của cơ quan chức năng, ông Hòa cũng đánh giá cao sự phát tâm công đức của các tổ chức, cá nhân.

Hiện nay, công việc gần như cuối cùng trong quá trình dựng tượng - đúc tim tượng, đang được chuẩn bị. Đây là một nghi lễ, nhưng theo bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty ATS, người phát tâm công đức tới gần 30 tỉ đồng để đúc tượng đài Thánh Gióng, đúc tim đối với tượng đài Thánh Gióng là rất quan trọng và cần thiết.

“Đức thánh Phù Đổng Thiên Vương là một trong tứ bất tử, là biểu tượng của trí tuệ, tinh thần chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước của người Việt. Vì thế, việc đúc tim tượng là thể hiện sự tôn kính người anh hùng của dân tộc”, bà Thoa nói.

Cũng theo bà Thoa, hầu hết các tượng đài từ trước đến nay ít được đúc tim là có nhiều lý do. “Nhưng với biểu tượng dân tộc như tượng đài Thánh Gióng, thì việc đúc trái tim là việc không thể thiếu. Và tôi mong muốn tất cả mọi người hãy chung tay góp sức cho việc đúc trái tim đức Thánh để thể hiện tinh thần đại đoàn kết của dân tộc ta. Tinh thần đó sẽ mang lại sinh khí cho dân tộc ta”, bà Thoa mong muốn.

Ngọc Hương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.