Tháp cổ giữa đại ngàn

17/07/2010 19:47 GMT+7

Khuất trong mảnh rừng nguyên sinh còn sót lại ở miền cực tây cao nguyên Đắk Lắk, tháp cổ Yang Prong vẫn trầm mặc trong gió bụi thời gian.

Ngổn ngang... nhang khói

Con đường dài chừng 30 cây số từ huyện lỵ Ea Súp vào xã biên giới Ea Rốk, nơi có ngọn tháp cổ Yang Prong, mỗi ngày một xấu hơn, những ổ gà mà chúng tôi thấy năm trước nay đã biến thành “ổ trâu”, “ổ voi”... Buổi trưa nắng gắt, tháp Yang Prong im lìm, uy nghi giữa khoảnh rừng cổ thụ rộng gần chục mẫu tây, đỉnh tháp phủ um tùm cây dại, dây leo, đầy vẻ hoang phế. Đập vào mắt chúng tôi là hàng chục bát nhang được đặt kín các bệ đá hai bên cửa tháp, bát nào cũng đầy chân nhang. Thậm chí, các kẽ gạch xung quanh tháp cũng tua tủa cọng nhang. Anh Trương Ngọc Lực, cán bộ văn hóa xã Ea Rốk, tỏ ra ngỡ ngàng: “Nghe nói người ta lũ lượt vào đây thắp nhang khấn vái, nhưng không ngờ có nhiều bát nhang đến thế”. Anh cũng ngạc nhiên hơn khi cùng chúng tôi vào trong lòng tháp, thấy cảnh bàn thờ tỏa khói nhang nghi ngút, dưới bàn thờ là hòm “công đức” (thu tiền cúng), như lạc vào một ngôi miếu cổ ở vùng xuôi...

Hỏi ra, tháp Chăm hiện được giao cho Chi hội Cựu chiến binh thôn 5, xã Ea Rốk tạm thời “cai quản”. Ông Trần Quang Sơn, gần 60 tuổi, được chi hội phân công hằng ngày chăm sóc cây cảnh, quét dọn quanh tháp và làm “hướng dẫn viên” tiếp khách đến tham quan. Tiếp chúng tôi, giọng ông khẽ khàng: “Trước đây, việc trông coi tháp được chi hội người cao tuổi của thôn đảm nhận. Chỉ vì nhì nhằng trong chuyện tiền “công đức” thu được tại tháp mà bà con trong thôn phải họp đi họp lại, cuối cùng nhất trí giao tháp cho Chi hội Cựu chiến binh hơn một tháng nay”. Ông Sơn kể, lai lịch những bát nhang trước cửa tháp này bắt đầu từ một vị “đại gia" nào đó ở Buôn Ma Thuột một hôm lặn lội đến thăm tháp, rồi tự ý lập một bàn thờ trong tháp để thờ cúng. Từ đó, nhiều người đến chiêm bái đã đặt thêm bát nhang để cầu khấn. Vào ngày rằm và mồng một âm lịch hằng tháng, có khi cả trăm người đủ thành phần vào viếng tháp; từ những tiểu thương ở chợ đến cầu mua may bán đắt, những kẻ đi rừng mong kiếm được trót lọt vài cây gỗ quý, đến những cô cậu học trò khấn vái vượt qua các kỳ thi...

Với vẻ thành kính trên gương mặt, ông Sơn bảo, tháp này “thiêng” lắm, nếu ai coi thường dễ bị “thần tháp” làm “khó dễ”. Nhiều người lấy những viên gạch cổ ở tháp về xây nhà, xây chuồng đều ăn ở không yên phải đem gạch trả lại chỗ cũ. Chỉ tay vào tảng đá nằm trước cửa tháp, ông Sơn kể câu chuyện “từng chứng kiến” cách đây gần 30 năm, khi ông là công nhân Lâm trường Rừng Xanh trong vùng: một nữ công nhân trẻ vào khu tháp này nghỉ trưa đã vô ý “tè” lên phiến đá, về nhà bỗng dưng mặt mũi sưng tấy cả lên, không cách gì chữa khỏi. Sau đó, đơn vị phải sắm sửa một ít trái cây, nhang đèn làm lễ vật vào tháp khấn vái thì cô công nhân mới trở lại bình thường (!)...

Huyền sử vùng đất tháp

Sự xuất hiện của một tháp Chăm cổ phía cực tây hẻo lánh của cao nguyên Đắk Lắk, cách rất xa địa bàn định cư truyền thống của người Chăm ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ, được cho là một bí ẩn kỳ lạ. Bà Lương Thanh Sơn, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk, vẫn không quên những ngày tháng cách đây hơn 20 năm, khi bà cùng đồng nghiệp luồn rừng khảo sát lập hồ sơ đề nghị công nhận di tích lịch sử cho tháp Yang Prong: “Giờ đây dân cư kéo sát chân tháp, chứ ngày trước tháp nằm giữa một vùng rừng mênh mông, hoang vu đến lạnh người. Khi chúng tôi rẽ rừng vào tận nơi, xung quanh tháp bạt ngàn cổ thụ, trên đỉnh tháp mọc cây đa lớn, rễ um tùm như muốn đè sụp cả tháp”.

Một cán bộ trong ngành văn hóa ở Đắk Lắk cho rằng, việc thắp nhang la liệt ở tháp Yang Prong dù sao cũng có mặt “tác dụng”: khi người ta xem di tích là chốn linh thiêng để đến cầu khấn điều gì thì họ cũng có ý thức giữ gìn, bảo quản, hơn là thái độ xem thường, phá hoại nó; trong khi chưa có một cơ chế, tổ chức chuyên làm công việc bảo vệ di tích (!).

Theo bà Sơn, tên gọi tháp Yang Prong (có nghĩa là Thần Lớn) được những cư dân bản địa trong vùng cho rằng bắt nguồn từ một truyền thuyết từ xa xưa. Câu chuyện kể về ông chồng một nhà kia rước pô buôi (bà đỡ) về đỡ đẻ cho người vợ, nhưng pô buôi mải mê nghe tiếng sáo diều đến nỗi quên khuấy công việc khiến đứa trẻ sơ sinh bị chết và người mẹ cũng qua đời. Người chồng tức giận bèn lấy gươm chém chết pô buôi. Cả ba người chết đều hóa đá, dân trong vùng gọi hai mẹ con xấu số là Yang Prong. Nơi xảy ra câu chuyện trên là ở tháp Chăm bây giờ.

Tuy nhiên, những khảo cứu lịch sử đã vén bức tranh quá khứ, lý giải sự xuất hiện của người Chăm trên vùng Tây Nguyên và theo đó là việc xây dựng những ngọn tháp tráng lệ. Từ giữa thế kỷ 12, người Chăm chiến thắng các bộ lạc và bắt đầu củng cố quyền lực trên cao nguyên. Trong cuộc chiến tranh chống xâm lược của đế quốc Nguyên - Mông vào miền châu thổ Nam Trung Bộ, người Chăm cũng đã chọn vùng rừng núi Tây Nguyên làm hậu phương. Trong cuốn sách Rừng người Thượng (Les jungles Moi), Henri Maitre, một người Pháp nghiên cứu về Tây Nguyên đầu thế kỷ 20, cho rằng: cuối thế kỷ 13, khi Champa được giải phóng khỏi cuộc xâm lược của quân Nguyên - Mông, vua Chăm là Jaya Sinhavarman III cho dựng nhiều đền đài trên vùng cao nguyên để “tôn vinh Thần Cri Jaya Sinhavarmanlingecvara, các đền này được ban cấp nhiều ruộng đất, nô lệ và voi”. Tháp Yang Prong (còn có tên là tháp Ya Liau) được xây dựng trong thời kỳ này.

Bà Lương Thanh Sơn cũng cho biết, vào năm 1990, những cán bộ bảo tàng đã bắt gặp cách tháp Yang Prong khoảng 600m về hướng đông bắc nhiều phiến đá ong nằm chìm dưới mặt đất. Những nghi vấn đặt ra, phải chăng đây là dấu tích chân tường thành của người Chăm từng được H.Maitre mô tả trong chuyến khảo sát tháp Yang Prong năm 1910. Tuy nhiên, từ sau những phát hiện đó, đến nay vẫn chưa có ai quan tâm đặt lại vấn đề tìm hiểu việc tồn tại một ngôi thành của người Chăm trên đại ngàn heo hút này.

Nỗi niềm tháp cổ

Trải qua gần 8 thế kỷ, tháp Yang Prong vẫn sừng sững, bền bỉ với thời gian. Tuy vậy, dấu tích đổ nát vẫn còn hiện hữu mặc dù đã có những cố gắng trùng tu của cơ quan quản lý văn hóa địa phương trong thập niên 1990. Hiện trong lòng tháp không còn vật gì có giá trị. Theo khảo sát của H.Maitre cách đây tròn một thế kỷ thì vật còn lại duy nhất trong tháp thời đó là một tượng linga bằng đá, trên đầu khắc mũ lễ, đặt trong một “mukha” (chậu tắm), gọi chung là thần mukhalinga. Một tài liệu của Bảo tàng Đắk Lắk cho biết, theo lời kể của dân làng Tali (cũ), tức buôn Ea Thal gần đó, thì vào năm 1938, những người Pháp đã đến và bắt dân làng khuân vác khá nhiều tượng ở khu vực tháp này đưa về Buôn Ma Thuột.

Mặc dù không còn hiện vật có giá trị nhưng sự có mặt của ngôi tháp Chăm trên cao nguyên Đắk Lắk được xem là di tích lịch sử văn hóa độc đáo, có thể trở thành điểm du lịch hấp dẫn. Nhưng cái cách quản lý tháp hiện nay đã khiến nhiều người băn khoăn khi chứng kiến cảnh biến tháp Chăm thành nơi thờ cúng, cầu khấn đậm màu sắc mê tín. Ông Thiều Lê, Trưởng phòng VH-TT-DL H.Ea Súp, cho hay: “Chúng tôi chỉ biết chính quyền xã Ea Rốk tạm giao cho một thôn gần đó trông coi tháp, chứ lâu nay chưa có văn bản chính thức nào nói rõ cơ quan quản lý tháp Yang Prong. Phòng VH-TT-DL huyện đã nhiều lần làm tờ trình lên cấp trên xin kinh phí xây tường rào, trả lương thuê người trông coi di tích nhưng chưa được chấp thuận”. Theo ông Lê, đơn vị chưa biết xử lý, ngăn chặn như thế nào đối với tình trạng nhang đèn tràn lan quanh tháp.

 
Bát nhang la liệt trước cửa tháp - Ảnh: T.N.Q

Đem cảnh chạnh lòng ở ngôi tháp cổ bày tỏ với ông Y Ben Byă, Giám đốc Trung tâm Quản lý di tích (thuộc Sở VH-TT-DL Đắk Lắk), chúng tôi được biết, trung tâm này mới thành lập từ tháng 9.2009 nên chưa kịp rà soát, đánh giá hết hiện trạng các di tích trên địa bàn tỉnh, kể cả tháp Yang Prong. Ông Y Ben thừa nhận, bản thân cũng chưa đến thăm ngôi tháp này lần nào. Nhưng ông cho rằng, vào năm 1991, khi công bố quyết định của Bộ VH-TT công nhận “di tích kiến trúc” đối với tháp Yang Prong thì Sở VH-TT Đắk Lắk đã bàn giao “miệng” việc quản lý tháp cho Phòng VH-TT H.Ea Súp nên không thể nói là không có việc giao trách nhiệm quản lý tháp cho cấp huyện. 

Tác phẩm Rừng người Thượng cũng đã lý giải sự biến mất của những cư dân Chăm trên vùng đất cao nguyên. H.Maitre viết: “Tại khu vực người Jrai, làng P.Tali ở phía đông tháp Chăm vẫn còn lưu giữ những ký ức truyền từ tổ tiên... Người trưởng làng nói rằng, các chiến binh Chăm đã dựng cạnh tháp một thành phố nhỏ có tường vây - mà tôi đã thấy vết tích trong chuyến khảo sát. Thoạt đầu, người Chăm sống hòa hiếu với người Jrai, nhưng một hôm nổ ra cuộc chiến; cuối cùng người Chăm bị đánh bại và phải bỏ đi”.

Trần Ngọc Quyền

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.