Cầu cứu các tỉnh
Với 2.800 ha đất canh tác nhưng nguồn rau sản xuất tại TP.HCM mới cung cấp được khoảng 20% nhu cầu rau cho thị trường thành phố, khoảng 80% nhu cầu phải chờ nguồn rau từ các tỉnh hoặc rau ngoại nhập. Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó giám đốc chợ đầu mối nông sản Thủ Đức cho biết, lượng rau về chợ khoảng 1.300 tấn/đêm vào ngày thường, dịp cao điểm khoảng 1.800 tấn/đêm. Nguồn rau từ các địa phương Lâm Đồng, Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp, Buôn Ma Thuột... và rau ngoại nhập.
Ông Lê Minh Dũng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNN) TP.HCM nhận định: "TP.HCM khó sản xuất đủ rau cho nhu cầu của người dân TP do diện tích đất canh tác không còn nhiều. Với đặc thù như vậy, UBND TP đã có chủ trương phối hợp, liên kết với 12 tỉnh, thành lân cận để sản xuất các vùng rau an toàn, cung cấp cho thành phố".
Theo ông Dũng, từ năm 2006, Bộ NN-PTNT đã ban hành quy trình sản xuất rau an toàn, các địa phương cũng đang dần tiến đến sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP. Rau được chứng nhận VietGAP sẽ có giấy chứng nhận xuất xứ, nguồn gốc… Khi ra thị trường, sản phẩm được in logo, nguồn gốc, xuất xứ... trên bao bì. Với rau VietGAP, người tiêu dùng yên tâm sử dụng mà cơ quan quản lý rau cũng dễ dàng kiểm soát. Hiện nay tại TP đã có một số HTX sản xuất ở xã Tân Thông Hội và xã Thái Mỹ, H.Củ Chi được cấp giấy chứng nhận rau VietGAP.
Hiện có khoảng 50% nguồn rau tại TP.HCM có xuất xứ tại Lâm Đồng. Đến nay, tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp với Cơ quan Hỗ trợ phát triển quốc tế Đan Mạch trao chứng nhận HACCP (hệ thống phân tích, xác định và tổ chức kiểm soát các mối nguy hại trong quá trình sản xuất chế biến thực phẩm), Global GAP (tiêu chuẩn đảm bảo cho trang trại nông nghiệp) và VietGAP cho 6 doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực sản xuất rau trong tỉnh. Trong đó, 2 đơn vị được trao chứng nhận HACCP (Công ty Hùng Thiên và Ánh Ban Mai); 4 đơn vị được trao chứng nhận Global GAP (Công ty Ánh Ban Mai, Trang trại Langbiang, Mai Nguyên, Hải Đức) và 20 hộ nông dân do Công ty Khanh Cát thành lập cũng được trao chứng nhận VietGAP.
Rau sạch, sạch đến đâu?
Các sản phẩm rau củ quả được gọi là an toàn khi được kiểm soát nghiêm ngặt trong quá trình gieo trồng, từ nguồn giống, đến điều kiện thổ nhưỡng, nguồn nước… phải hoàn toàn thích hợp, các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sử dụng nằm trong danh mục Nhà nước cho phép, được thu hoạch, bảo quản, vận chuyển và bày bán trong nhiệt độ thích hợp, được chuẩn hóa về bao bì vật dụng chứa đựng, môi trường kinh doanh và nhân viên trực tiếp bán hàng cũng phải có giấy khám sức khỏe đảm bảo không mắc bệnh truyền nhiễm... Vì vậy, câu hỏi đặt ra cho nhà phân phối là bảo đảm chất lượng đầu ra như thế nào? Làm sao chứng minh được rau sạch thật sự sạch?
Đầu năm 2010, Saigon Co.op đã phối hợp với Sở NN-PTNT TP.HCM, tỉnh Tiền Giang, và mới đây là tỉnh Lâm Đồng để ký kết hợp tác tiêu thụ nông sản tại hệ thống siêu thị Co.opMart và Cửa hàng thực phẩm Co.op Food. Bà Lê Quang Thục Quỳnh, Giám đốc marketing Saigon Co.op cho biết, trong công đoạn chọn lựa nhà cung cấp nông sản, Saigon Co.op luôn đặt tiêu chuẩn nhà cung cấp đó phải đạt chứng chỉ VietGAP, tối thiểu là HTX, hộ nông dân có giấy chứng nhận sản xuất rau an toàn do Sở NN-PTNT địa phương chứng nhận. Ngoài ra, Saigon Co.op ưu tiên cho những nhà cung cấp trực tiếp sản xuất và các nhà cung cấp khi chào hàng phải có chứng minh hồ sơ công bố chất lượng. Bên cạnh đó, Saigon Co.op cũng thường xuyên cử bộ phận giám sát chất lượng của hệ thống phối hợp với bộ phận thu mua đến kiểm tra các cơ sở sản xuất, các trang trại mà Saigon Co.op đặt hàng; kiểm tra việc giao hàng bằng xe chuyên dùng để kiểm soát nhiệt độ bảo quản hàng hóa trong quá trình vận chuyển, kiểm tra việc tổ chức kinh doanh tại từng điểm bán để loại trừ những sản phẩm không phù hợp trên quầy kệ siêu thị...
Còn ông Nguyễn Văn Nghĩa, Giám đốc chi nhánh Metro Lâm Đồng, thông tin thêm: "Metro xây dựng một quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn của Metro gọi là MetroGap và yêu cầu tất cả những hộ nông dân hợp đồng sản xuất cho Metro phải thực hiện đúng quy trình sản xuất từ nguồn giống, phân bón, kỹ thuật canh tác, đến việc ghi nhật ký canh tác… Một khi sản phẩm chuyển lên công ty không đảm bảo chất lượng và không thể tiêu thụ được thì chúng tôi sẽ ngay lập tức cắt hợp đồng thu mua sản phẩm".
Chọn rau như thế nào? Theo khuyến cáo của Chi cục Bảo vệ thực vật, người tiêu dùng nên chọn những sản phẩm có nguồn gốc từ các đơn vị được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, sơ chế rau, quả an toàn hoặc Giấy chứng nhận VietGAP (thường được bán tại hệ thống siêu thị). Cụ thể nên chọn những sản phẩm rau quả có bao gói, thùng chứa, dây buộc hợp vệ sinh; trên bao bì hoặc nhãn gắn trực tiếp vào từng sản phẩm tối thiểu phải có các thông tin của nhà sản xuất, nhà cung cấp. |
Quang Thuần - Hoàng Việt
Bình luận (0)