Đảo thiệt hại nặng, TP mất điện
Trưa qua, anh Nguyễn Văn Hậu, Liên đội phó Liên đội thanh niên xung phong đóng tại đảo Bạch Long Vĩ nói như quát trên điện thoại, nhưng tín hiệu vẫn ngắt quãng vì gió ù ù thổi: "Ngoài này mưa cực lớn, gió cấp 11, 12, mái tôn bay như diều, mưa mù mịt nên tôi không thể ra ngoài xem tàu thuyền có bị đắm không". 20 giờ tối, anh Hậu cho biết thêm: "Bây giờ gió còn cấp 10, cây cối trên đảo gãy rạp, rất nhiều nhà tốc mái, 52 thanh niên xung phong trên đảo không ai bị thương, chúng tôi đã sẵn sàng cho công việc dọn dẹp trên đảo khi trời sáng". Anh Hậu cho biết bão vào lúc khoảng 13 giờ và quần thảo đến hơn 16 giờ, nhưng thời điểm gió mạnh nhất là lúc khoảng 15 giờ.
Vietnam Airlines hủy 11 chuyến bay Quang Duẩn |
Ngoài Bạch Long Vĩ, điểm đáng lo nhất chính là khu vực dân cư của huyện đảo Cát Hải. Lúc 18 giờ 20, đoạn đê xung yếu ở khu vực Tiến Lộc, thị trấn Cát Hải đã bị sóng đánh tràn qua. Chiều dài đoạn kè bị sạt khoảng 30-40m, nước biển xối vào nhà dân. Chủ tịch UBND huyện Cát Hải Phạm Xuân Hòe cho biết huyện đảo bị cắt điện hoàn toàn. Toàn huyện Cát Hải có gần 19km đê thì có tới hơn 10 km xung yếu và hơn 4 km kém ổn định không đảm bảo an toàn.
Tại TP Hải Phòng, 15 giờ gió bắt đầu mạnh dần, cây cối đổ ngổn ngang trên khắp các ngả đường từ Đồ Sơn đến trung tâm TP. Những con đường nội đô hằng ngày rợp bóng cây xanh như Đinh Tiên Hoàng, Hoàng Diệu, Nguyễn Đức Cảnh, Trần Hưng Đạo, Trần Phú… cây đổ ngổn ngang, biển quảng cáo tơi tả, nhiều đoạn đường bị tắc cứng do cây lớn chắn ngang. Quận ven biển Đồ Sơn mù mịt cát, nước biển bắn tung tóe khi những con sóng cao 3-4m đập vào kè đá. Chị Lê Thị Hoa, chủ một nhà hàng ven biển cho biết: "Nước và cát mù mịt, dù chúng tôi đã dùng gỗ bao ngoài cửa kính nhưng mấy ô kính bị nứt vì gió lốc, cành cây đập vào".
Nhiều khu vực tại thành phố mất điện, mất nước do mưa bão. 20 giờ tối qua, ông Đỗ Trung Thoại, Phó chủ tịch UBND TP, Trưởng ban chỉ huy PCLB - TKCN TP Hải Phòng, cho biết: "Đến giờ phút này (20 giờ), theo thông tin tôi nắm được chưa có trường hợp nào bị tử vong do bão trên địa bàn TP. Có 3 tàu du lịch của Quảng Ninh và 1 tàu cá trú bão tại khu vực Gia Luận, Cát Bà bị chìm do sóng đánh va đập vào nhau nhưng toàn bộ 14 thuyền viên đã được cứu. Rất may là các lực lượng chức năng đã làm quyết liệt, thậm chí cưỡng chế trong công tác di dời dân, nếu không di dời dân ở khu vực Cát Hải, hôm nay bão mạnh đổ bộ thì thiệt hại sẽ vô cùng lớn".
Gió cấp 12 bốc sóng thành cột cao tới gần chục mét - ảnh: Trường Giang |
Cầu Bãi Cháy chao đảo
Cuối giờ chiều qua, sau khi càn quét tại Hải Phòng, bão đổ bộ vào Quảng Ninh với sức gió cấp 11, 12. Cầu dây văng Bãi Cháy chao đảo, rung lên bần bật khiến nhiều xe máy, xe đạp bị ngã đổ.
Ông Vương Đình Việt, Phó giám đốc Sở TN-MT Quảng Ninh, cho biết nhiều cây xanh ở đã bị đổ gãy, nhiều mái nhà lợp tôn bị tốc mái, vỡ cửa kính, đường dây điện ở một số nơi bị đứt gãy. Điện lực Quảng Ninh đã tiến hành cắt điện toàn bộ khu vực TP Hạ Long.
Đến 20 giờ 30 tối qua, theo ông Việt thiệt hại chưa thống kê được chi tiết nhưng cuối giờ chiều gió to đã làm đứt dây neo, làm chìm 1 tàu đang neo trú tại khu vực vùng biển Vân Đồn.
Trao đổi với Thanh Niên lúc 20 giờ, ông Nguyễn Văn Đọc, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh, cho biết hiện ông đang có mặt tại thị xã Cẩm Phả để kiểm tra công tác cứu hộ, cứu nạn. Gió tại khu vực này đang ở mức độ cấp 9 đến cấp 10, chưa có thiệt hại gì về người nhưng có một số bè trên có người bị trôi ra khỏi khu vực neo đậu.
Tại khu vực làng chài Cửa Vạn, một số nhà dân bị tốc mái, mặc dù đây là khu vực khá kín gió nhưng do trận bão này khá lớn nên không tránh được. Trong nội thành, chủ yếu là cây đổ và các biển hiệu bị bay xuống đường. Đến 20 giờ 20 tối qua, tại Bãi Cháy gió vẫn còn cấp 10,11, còn tại khu vực ven biển Cửa Ông gió mạnh hơn, từ cấp 12-13.
Trong bản tin phát lúc 21 giờ 30 phút tối qua 17.7, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cho biết, khoảng 18 giờ cùng ngày, vùng tâm bão số 1 đã đi vào địa phận các tỉnh Hải Phòng - Thái Bình. Do ảnh hưởng của bão, vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Ninh Bình đã có gió mạnh cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11. Tại Cửa Ông (Quảng Ninh) đã đo được gió mạnh cấp 9, giật cấp 14; Bãi Cháy (Quảng Ninh) gió mạnh cấp 8, giật cấp 11; Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) có gió mạnh cấp 13, giật cấp 17. Các tỉnh Bắc Bộ, bắc và trung Trung Bộ đã có mưa, mưa vừa, một số nơi có mưa to đến rất to. Lượng mưa đo được tại Kỳ Anh (Hà Tĩnh) là 132 mm, Ba Đồn (Quảng Bình): 182 mm, Tân Mỹ (Quảng Bình) 162 mm... Quang Duẩn Hải Phòng: 900 cây xanh, 19 cột điện, 1 cột BTS viễn thông bị gãy đổ... Sạt lở 200m kè chắn sóng của dự án Khu du lịch Hòn Dáu; sạt 20 m kè giao thông phía tây bắc đảo Bạch Long Vỹ.Có 1 người bị thương nhẹ khi đi đường do vướng dây điện, ngã xe máy; gãy 1 cẩu hàng; 4 tàu bị chìm khi neo đậu tại Cát Bà; nhiều nhà dân, cơ quan, trường học (chủ yếu ở Bạch Long Vĩ và Cát Hải) bị tốc mái, 1 bè cá bị trôi, 14 người trên tàu du lịch, bè cá đều được cứu sống. Thống kê sơ bộ đến 21 giờ 17.7: 3 người bị thương; gãy 1 cẩu hàng; 103 nhà bị tốc mái, hư hỏng. Nhiều nhất là tại quận Hải An có 67 nhà tốc mái, hư hỏng. Vỡ 1 bè nuôi thủy sản, cả 3 người trên bè được cứu an toàn, 1 xuồng bị đắm tại Bạch Long Vỹ. (K.T.L) Hà Nội: Cho đến 21 giờ tối qua, Hà Nội vẫn chưa cảm nhận rõ nét ảnh hưởng của cơn bão số 1, gió có tăng mạnh chút ít, mưa lắc rắc. Trước đó, từ buổi sáng xảy ra tình trạng nhiều người dân đi mua hàng... phòng bão, khiến thực phẩm tươi, thực phẩm khô, gạo... bán chạy gấp 2 - 3 lần ngày thường. (Việt Chiến) Thanh Hóa: Chiều và tối 17.7, trên địa bàn Thanh Hóa có mưa trung bình từ 70-80 mm, một vài nơi như TP Thanh Hóa, huyện Hậu Lộc lượng mưa trên 100 mm. Trong ngày 17.7, tại hai bãi tắm Sầm Sơn và Hải Hòa (Tĩnh Gia), nhiều du khách đã chủ quan cố tình xuống tắm biển, bất chấp sự ngăn cản của lực lượng cứu hộ. Có 1 du khách đã bị sóng cuốn trôi tại bãi biển Hải Hòa, H.Tĩnh Gia, là chị Ngô Thị Nga (SN 1992) ngụ tại Sơn Tây, Hà Nội. Đến đêm qua, các lực lượng cứu hộ vẫn chưa tìm thấy xác của nạn nhân. (Ngọc Minh - Thái Sơn) Nam Định: Từ khoảng 15-16 giờ chiều qua, bão đổ vào Nam Định nhưng sức gió đạt tối đa chỉ khoảng cấp 7-8, đến 18 giờ 30 trời mới bắt đầu có mưa to. Đến khoảng 20 giờ tại khu vực thành phố Nam Định đã có hiện tượng ngập cục bộ do nước không kịp thoát. Nỗi lo của tỉnh Nam Định là sự an toàn của những đoạn đê xung yếu dọc các huyện Nghĩa Hưng, Giao Thủy và Hải Hậu. Đáng chú ý, có khoảng 3,5 km đê biển thuộc các huyện Hải Hậu và Giao Thủy đang thi công dở. (Thái Sơn) Quảng Ngãi: Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Quảng Ngãi cho biết tính đến chiều 17.7 đã liên lạc được với tất cả 28 tàu cá của Quảng Ngãi đang hành nghề tại khu vực quần đảo Hoàng Sa. Tuy nhiên, cơn bão số 1 đã nhấn chìm 6 tàu cá của ngư dân ở huyện Bình Sơn và Lý Sơn. Trên các tàu này có 77 ngư dân, trong đó có 71 ngư dân được cứu sống. 6 ngư dân còn lại (trong số 10 ngư dân) đi trên tàu cá QNg-55940 TS của ông Nguyễn Văn Tẩn (ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) vẫn chưa tìm thấy, gồm Trương Văn Tiên, Nguyễn Quốc Hận, Trần Viết Phụng (đều ở xã Bình Châu); Nguyễn Ngọc Vĩ, Nguyễn Đức Thành, Nguyễn Thành Chung (đều ở tỉnh Khánh Hòa). Được biết tàu cứu nạn của Hải quân vùng 3, số hiệu DN52, cũng đã ra vùng biển quần đảo Hoàng Sa để ứng cứu những ngư dân gặp nạn. (Hiển Cừ) |
K.Long - Hải Sâm - Mộc Lan
Bình luận (0)