Người Mỹ về hưu sớm

20/07/2010 10:39 GMT+7

Nhiều người Mỹ chấp nhận về hưu sớm để nhận khoản trợ cấp an sinh xã hội giúp họ trang trải cuộc sống khi bị thất nghiệp.

Cơ quan Quản trị An sinh Xã hội (SSA) của chính phủ Mỹ từng dự báo đơn xin về hưu trong năm 2009 tăng 15%. Tuy nhiên, mức tăng thực tế lại là 20%.

Một lối thoát
 
Theo trang web Npr.org, trong thời kỳ suy thoái kinh tế, đối với một số người Mỹ lớn tuổi bị mất việc, số tiền trợ cấp an sinh xã hội sẽ lấp đầy khoảng trống khi khoản trợ cấp thất nghiệp của họ cạn kiệt.
 
Ông Jason Fichtner, chuyên gia kinh tế trưởng tại SSA, nhận định: “Khả năng tìm được một việc làm mới đối với những người ở độ tuổi 62 hoặc 63 bị mất việc là một vấn đề hết sức nan giải. Vì thế, nhiều người trong số họ quyết định nhận trợ cấp về hưu sớm hơn quy định. Do đó, dường như số người nộp đơn để được nhận trợ cấp hưu trí sớm nhiều hơn số người trì hoãn việc này chờ đến tuổi về hưu chính thức”.
 
Bà Jann Dolan, 63 tuổi, là một trong những người nộp đơn về hưu sớm khi bà bị sa thải cách đây 10 tháng. Trước đây, bà là nhà tư vấn tâm lý tại trường học. Bà cho biết đã làm cả chục tờ đơn xin việc, thậm chí cả những việc làm đòi hỏi trình độ học vấn thấp hơn nhiều. Bà kể: “Tôi đã gửi đơn xin việc đến một trung tâm trông nom trẻ. Bà giám đốc gọi điện cho tôi bảo rằng tôi không có trình độ để làm việc này”.
 
Còn hy vọng?  
 
Kế hoạch muốn làm việc đến 70 tuổi của bà Dolan đã vấp phải thực tế mà nhiều người Mỹ lớn tuổi đối mặt. Nay, bà không có bảo hiểm và số tiền trợ cấp thất nghiệp cũng sắp hết. Cuối cùng, bà đành đến văn phòng cơ quan an sinh xã hội địa phương bởi bà không còn sự lựa chọn nào khác. Bà Dolan tâm sự: “Tôi không bao giờ có ý định về hưu sớm. Bây giờ, thực tế không phụ thuộc vào ý tưởng của tôi nữa”.
 
Đối với hầu hết người Mỹ, tuổi về hưu chính thức là 66. Tuy vậy, người ta có thể rút tiền an sinh xã hội khi đủ 62 tuổi. Ông Jean Setzfand, một chuyên gia về an ninh tài chính, quả quyết rằng rút tiền an sinh xã hội sớm không có nghĩa là đương sự từ bỏ chuyện tìm việc làm. Theo ông, khi tìm được việc làm, người ta có thể ngưng nhận khoản tiền trên. Nói cách khác, khi người Mỹ quyết định nộp đơn xin lĩnh tiền an sinh xã hội sớm, họ vẫn còn sự lựa chọn. Cách đây một năm, ông Bob Daly mất việc trong ngành hậu cần. Đợi đến khi tròn 62 tuổi, ông bắt đầu xin rút tiền an sinh xã hội để trang trải các chi phí. Đồng thời, ông vẫn tiếp tục tìm việc làm khác.

Hy Lạp: Về hưu sớm gây náo loạn

Theo tài liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), độ tuổi nghỉ hưu trung bình theo luật của các quốc gia thuộc OECD là 64. Đặc biệt, người Hy Lạp có thể được nghỉ hưu khi 58 tuổi, một độ tuổi khá thấp.

Do đó hàng triệu công nhân Hy Lạp đã nghỉ hưu sớm và họ nhận được khoản trợ cấp hưu trí béo bở. Đó là lý do giải thích vì sao xã hội Hy Lạp đã rơi vào khủng hoảng và chính phủ nước này tìm cách nâng độ tuổi về hưu cũng như có ý định cấm về hưu sớm để giải quyết tình trạng thâm hụt ngân sách khổng lồ.

Ở một số quốc gia như Na Uy và Iceland, tuổi nghỉ hưu lên đến 67. Gần đây, Tây Ban Nha đã nâng tuổi về hưu từ 65 lên 67.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.