Quán quân tuổi thọ của loài lưỡng cư

24/07/2010 15:16 GMT+7

Một loài kỳ nhông nhỏ, mù lòa có thể sống hơn 100 tuổi, phá vỡ mọi kỷ lục về tuổi của các loài lưỡng cư khác.

Mang biệt danh là "cá người", một loài kỳ nhông nhỏ, sống trong hang hốc đã phá kỷ lục về tuổi thọ trong thế giới các loài lưỡng cư. "Cá người", còn được gọi là olm và Proteus, có tuổi thọ tối đa hơn 100 năm, theo kết quả nghiên cứu của Đại học Claude Bernard (Lyon) đăng trên chuyên san Royal Society Biology Letters. Số tuổi này gần gấp đôi các loài lưỡng cư thuộc dạng "thượng thọ" khác như kỳ nhông khổng lồ Nhật Bản (55 năm), kỳ nhông châu Phi (45 năm), loài cóc phổ biến ở châu u (40 năm).

Nhóm nghiên cứu đã tính toán tỷ lệ tăng trưởng, các thế hệ và dòng đời của loài olm sống trong hang động tại Moulis, Saint-Girons, Pháp. Kể từ thập niên 50 thế kỷ 20, các nhà bảo tồn học đã thiết lập một chương trình phối giống ở đó để bảo vệ loài kỳ nhông đang đứng trước nguy cơ lọt vào sách đỏ. Để xác định tuổi sống của loài kỳ nhông này, các nhà nghiên cứu phát hiện chúng trưởng thành về mặt tính dục vào năm 16 tuổi và đẻ trứng, trung bình 35 trứng, cách mỗi 12 năm rưỡi. Theo Yann Voituron, trưởng nhóm chuyên gia, sự trường thọ của loài này có lẽ do tần suất hoạt động cực thấp, ít sinh con đẻ cái, không bị tác động stress của môi trường và chức năng sinh lý dị thường của chúng. Giáo sư Voituron miêu tả "cá người" có thân như loài rắn, dài đến 40 cm. Chúng bị mù, với đôi mắt thụt vào trong, bao phủ bằng một lớp da. Màu da giống da người, không có sắc tố, cho thấy rõ hệ tuần hoàn bên trong. Đây cũng là loài unisex, khó phân biệt giới tính nếu chỉ nhìn qua bề ngoài.

Giới khoa học đặc biệt quan tâm đến chu kỳ sống của "cá người" kể từ khi một số nhân viên sở thú nhận thấy chúng sống cực kỳ lâu, thường trên 70 năm. Việc phân tích loài lưỡng cư này cùng với những động vật sống thọ khác có thể vén màn bí mật về bí quyết trường thọ nói chung của các giống loài trên hành tinh xanh. Tuy nhiên, nếu các đặc điểm như tần số hoạt động thấp, ít bị stresss, môi trường ổn định phù hợp với một đời sống dài lâu, thì có một yếu tố khiến giới khoa học cực kỳ bối rối. Theo đó, thông thường việc sống thọ chỉ xảy ra ở những sinh vật có kích thước tương đối lớn, như loài kỳ nhông khổng lồ Nhật Bản. Do đó, "cá người" tiếp tục là mục tiêu nghiên cứu của những nhà khoa học đi tìm nguồn gốc của sự trường thọ, với hy vọng một ngày nào đó sẽ giúp kéo dài tuổi thọ của con người. 

Hạo Nhiên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.