Makalou truyền bá võ cổ truyền Việt Nam

28/07/2010 14:49 GMT+7

220 võ sĩ của 22 đoàn đến từ 11 quốc gia - vùng lãnh thổ trên thế giới đã tề tựu tại nhà thi đấu Lãnh Binh Thăng (TP.HCM) tham dự Giải quốc tế võ cổ truyền VN lần 2. Mỗi võ sĩ có một câu chuyện riêng khi tìm đến võ thuật, nhưng tất cả đều có niềm đam mê vô hạn với võ cổ truyền Việt Nam.

Võ sư Lê Kim Hòa, phó chủ tịch Liên đoàn Võ cổ truyền VN, cho biết các võ sinh nước ngoài đến VN dự giải cho thấy sự đam mê rất lớn bởi họ đều tự túc chi phí, đóng lệ phí thi đấu và tạm gác những công việc riêng.

Võ sĩ người Nga Nogatyy tâm sự: “Đây là lần đầu tiên tôi đến VN để thi đấu, giao lưu và học hỏi võ cổ truyền VN. Tôi đến VN chủ yếu bằng tiền túi dù được Liên đoàn Quốc tế võ đạo Nga hỗ trợ một phần kinh phí”. Nogatyy và nhiều võ sĩ khác đã đến với võ cổ truyền VN bằng trái tim đam mê.

Câu chuyện của võ sĩ da đen 46 tuổi Demba Makalou là một ví dụ. Makalou là đại diện duy nhất đến từ Cộng hòa Mali. Anh sinh ra và lớn lên ở vùng ngoại ô nghèo của thủ đô Bamako. Tuổi thơ Makalou gắn với công việc chăn bò trên những đồng cỏ châu Phi. Năm 1991, Makalou sang Pháp mưu sinh bằng nghề công nhân xây dựng.

Võ sư Lê Kim Hòa nói: “Thành công của giải này cho thấy tiềm năng phát triển của võ cổ truyền VN ở nước ngoài vẫn còn rất lớn. Võ cổ truyền VN thu hút được sự quan tâm bởi đòn thế đẹp, đặc biệt là rèn luyện sự dẻo dai và sức khỏe tốt cho con người. Chúng tôi đang xúc tiến thủ tục thành lập Liên đoàn Thế giới võ cổ truyền VN trong tương lai gần. Đó sẽ là bước ngoặt lớn trong quá trình phát triển võ cổ truyền VN”.

Anh tìm đến võ thuật như thú tiêu khiển nơi đất khách. Không ngờ càng tập luyện Makalou càng mê võ thuật. Sự khổ luyện cộng với năng khiếu đã giúp anh đoạt chức vô địch taekwondo nước Pháp năm 1993 và HCV giải vô địch karate quốc tế châu u mở rộng 1994. Cũng từ quá trình nghiên cứu võ học, Makalou tìm đến võ sư Nguyễn Văn Trung để học võ cổ truyền VN từ năm 1993. Makalou nói sự huyền bí cùng những chiêu thức đẹp mắt của võ cổ truyền VN đã thu hút và anh quyết định bỏ karate và taekwondo để tập trung học võ cổ truyền VN.

Makalou cho biết: “Không giống taekwondo hay karate, đòn thế của võ cổ truyền VN đẹp và mềm dẻo hơn. Đặc biệt, võ cổ truyền VN sử dụng được nhiều vũ khí khác nhau và tất cả đều gắn bó với cuộc sống như dao, côn, gậy...”. Hiện Makalou là võ sư cấp 16 và đã thi thăng cấp 17 (cấp 18 là cao nhất trong võ cổ truyền VN). Học được môn võ mới hấp dẫn, Makalou đem kiến thức có được truyền bá tại Mali từ năm 2005. Makalou nói: “Khi tôi giới thiệu võ cổ truyền VN với những đòn thế đẹp mắt thì mọi người rất thích. Họ mê mẩn môn này”.

Do các võ sinh đều nghèo nên Makalou không lấy tiền công dạy võ mà chỉ kêu gọi góp tiền đủ để trả tiền thuê sân tập. Bản thân Makalou cũng không dư giả tiền bạc nên cứ sau 4-6 tháng về Mali dạy võ, anh phải quay lại Pháp làm việc kiếm tiền trong một năm để có chi phí trang trải những ngày tháng dạy võ không công và mua sắm một vài trang thiết bị, binh khí cần thiết.

Cuộc sống gia đình Makalou tại Pháp chủ yếu trông cậy vào đồng lương viên chức chính phủ của vợ anh. May mắn là vợ Makalou luôn ủng hộ chồng và ba người con đầu của anh hiện cũng đang tập võ cổ truyền VN cùng cha.

Hiện nay võ đường của Makalou tại Mali có hơn 50 học viên thường xuyên luyện tập võ cổ truyền VN. Makalou nói: “Nếu có chi phí nhiều hơn, tôi tin võ cổ truyền VN sẽ phát triển mạnh tại Mali. Cứ sau mỗi năm, các võ sinh lại trông tôi về để được học thêm những chiêu thức mới. Khi biết có giải quốc tế võ cổ truyền VN, họ tỏ ra háo hức nhưng việc tìm về đất tổ của võ cổ truyền VN vẫn là ước mơ xa với họ”.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.