Nướng cũng có nhiều “gu”, người viết chỉ dám lạm bàn kiểu nướng “nhà nghèo” - rất ít dầu mỡ, đặc biệt nguyên liệu phải thật tươi.
No mắt, nở mũi...
Linh hồn của các món nướng chân quê là cái bếp than rực đỏ. Than củi tre, củi ổi, củi đước được nhiều người chuộng. Trong đó, than củi đước khi gặp gió lùa sẽ phát ra những tia lửa nhỏ tựa pháo hoa và nổ tí tách thật vui tai.
Hơi ấm của than sẽ lan tỏa, giúp những người đang vây quanh “cuộc nướng” thêm ấm áp, tươi tỉnh hơn. Nhờ vậy những câu chuyện tiếu lâm kiểu bác Ba Phi cũng nở rộ như bắp rang. Đời lại vui!
Lửa còn gợi cho người ta nhớ về biết bao kỷ niệm thời xa xưa, nhất là những ai giàu vốn sống đồng quê.
Nhà văn Phan Trung Nghĩa, ở Bạc Liêu, thường nhìn bếp than trong quán nướng sân vườn mà bùi ngùi nhớ lại những ánh lửa rơm đỏ “phừng phừng” nướng trui con cá lóc, mớ ốc lác... Rồi anh Nghĩa lại nhớ đến những vệt khói đốt đồng sau những mùa lúa “lưa thưa bông trái”, nghe rưng rưng buồn...
Chợt tiếng xèo xèo của mỡ cá kèo, cá lóc trỗi lên làm lay động lòng người. Mùi thơm thanh khiết “dậy làng” cứ tung tăng quanh mũi thực khách. Có người mắt “sáng rỡ”, nuốt nước bọt khan vì “xin lỗi chịu không nổi!”.
|
Nướng ngon nơi nào?
Anh Nguyễn Hoàng Hải, chủ nhà hàng ở Q.3, TP.HCM góp thêm: “Cái gì cũng phải có công phu, kể cả nướng mộc mạc”.
Chưa kể, phía “thượng đế” không chỉ tốn “công cán” đi ăn mà còn bị mỏng ví. Vậy có thể nói, người mua “cực” gấp đôi người bán. Thế mà vẫn có khối người chịu khổ!
Và tác giả bài này cũng không ngoại lệ, nên đã sưu tầm được một số nơi có bán những món nướng ngon ở TP.HCM.
Muốn cận cảnh đồng quê, bạn có thể chạy ra quán Xuân Anh, đường lên cầu Thầy Cai, xã Tân An Hội, huyện Củ Chi. Hoàng hôn ở đây dường như xuống chậm hơn Sài Gòn. Mưa lất phất, có 5 - 7 người đội mưa quăng câu rê, câu nhấp.
Đồng hành, mấy con gà ta, cá lóc đồng đang cong mình trên một bếp than lớn. Rồi những vệt khói mỏng mịn như tơ tỏa lên mang theo một mùi thơm quyến rũ.
Gà ta thì được “tắm” muối ớt và ít dầu ăn. Chỗ dụng công của người thợ nướng ở đây là dùng dao sắc rạch da, thịt gà trước khi ướp gia vị. Trong lúc nướng, thỉnh thoảng gà còn được phết thêm gia vị. Nhờ vậy, lượng gia vị đủ sức thấm từ lớp da trắng hồng đến những sớ thịt gà trắng tươi, thật vừa ăn.
Còn đám cá lóc đồng thịt chắc nịch thì “ở trần” nướng trui...
Thơm lừng lóc đồng nướng lửa than |
Về đến cầu Tham Lương, bạn cũng có thể rẽ qua đường Nguyễn Văn Hóa vào quán Cường 2, gần ngã tư Cây Sộp, Q.12. Con đường đất đỏ dẫn vào quán này còn xù xì. Thêm mấy rặng tre rũ bóng, nó cũng có chút duyên quê.
Món đặc sắc ở đây là thịt đùi bò cỏ tơ Tây Ninh (một giống bò địa phương nhỏ con, dễ nuôi, cho thịt thơm ngọt hết ý) nướng muối ớt. Thịt bò mềm dẻo, ngọt đậm, lớp da giòn sừn sựt đi kèm với mớ rau bưng: đọt rau nhái, đọt lụa, quế vị..., chủ vị chua chua và chan chát lẫn nồng the. Thêm chén nước chấm chao khoai môn pha ít sả bào, ớt hiểm dầm, đường... Bộ ba thịt - rau - nước chấm này dư sức “ru” người ăn vào miền... lâng lâng khoái cảm.
Hoặc thèm hải sản tươi nướng, bạn chịu khó qua cầu Nguyễn Văn Cừ về "Xa Lộ Nướng" trên đường Nguyễn Văn Linh, gần cầu Ông Bé, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh.
Không ít nhà hàng hải sản lớn gần trung tâm TP.HCM có cá còn bơi, tôm búng, lươn chuồi..., nhưng món nướng không được chăm chút tận tâm.
Quán này thì khác, đầu bếp “đi” gia vị thật điệu nghệ. Ớt được phối hợp từ hai loại: ớt hiểm xanh (cho thơm) và ớt hiểm chín (khử tanh). Thêm một ít mật ong để nước da con tôm, miếng cá ngã màu hổ phách thật đẹp mắt khi được “trăn trở” trên lửa than. Quan trọng hơn, sớ thịt thực phẩm nướng sẽ “mướt mượt, không bị khô, lại tỏa mùi thơm hấp dẫn”, theo tiết lộ của đầu bếp Nguyễn Xuân Vinh, bếp trưởng của hệ thống quán này.
Còn một chút sa tế trội vị sả nhằm trợ tiêu cho thực khách với những món hải sản giàu đạm. Chưa kể lò nướng ở đây được thiết kế riêng và đặt làm thủ công từ làng gốm Chăm Ninh Thuận. Nhờ vậy, lò giữ nhiệt lâu hơn nhưng không tỏa hơi “nóng hỗn” vào người ăn.
Sau cùng, giá những món vừa nêu từ rẻ đến vừa phải.
Bài, ảnh: Tạ Tri
Bình luận (0)