Chờ sân bay quốc tế Phú Quốc

30/07/2010 01:27 GMT+7

Một dự án sân bay Phú Quốc mới, với tổng vốn đầu tư trên 1.100 tỉ đồng (tổng mức đầu tư đến năm 2020 là trên 8.000 tỉ đồng)... đang chuyển động.

Ông Nguyễn Nguyên Hùng, Tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không (HK) Miền Nam (SAC) cho biết, trong 5 năm gần đây, cảng HK Phú Quốc luôn dẫn đầu về mức độ tăng trưởng trong các cảng HK địa phương ở khu vực miền Nam. Năm 2009, lượng hành khách tăng 28% và lượng hàng hóa, hành lý, bưu kiện tăng 17%; số chuyến bay tăng 37% so với năm 2008. Chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm nay, sân bay Phú Quốc đã phục vụ gần 200.000 lượt hành khách (tăng 28,5 %), số chuyến bay tăng 27% so với cùng kỳ năm 2009.

SAC đang triển khai ở đảo Phú Quốc một dự án xây dựng sân bay mới ở xã Dương Tơ, đạt tiêu chuẩn cấp 4E của Tổ chức HK dân dụng thế giới ICAO. Trong số 8 cảng HK tại miền Nam hiện nay, có 2 cảng HK quốc tế là Tân Sơn Nhất và Cần Thơ. Đến năm 2012, khi cảng HK Phú Quốc mới được đưa vào khai thác, thì đây sẽ là cảng HK quốc tế thứ 3.

Trả lời Thanh Niên chiều qua (29.7), đại diện Hãng HK giá rẻ Jetstar Pacific (JPA) cũng nhận định, hòn đảo xinh đẹp này sẽ trở thành điểm du lịch hấp dẫn đối với khách trong và ngoài nước. Phú Quốc sẽ là một thị trường vận tải hàng không đầy tiềm năng, vì vậy JPA đang nghiên cứu để mở các đường bay đến Phú Quốc ngay khi cảng HK quốc tế Phú Quốc khánh thành, đủ điều kiện cho các dòng máy bay phản lực tầm trung như B737-400 và A320 hoạt động.

SAC làm chủ đầu tư dự án cảng HK Phú Quốc mới, với tổng vốn đầu tư trên 1.100 tỉ đồng, tổng mức đầu tư đến năm 2020 là trên 8.000 tỉ đồng. Sân bay mới có tổng diện tích hơn 900 ha, được xây dựng đồng bộ từ đường hạ cất cánh, hệ thống đường lăn, sân đỗ, ga hành khách và hàng hóa, trung tâm điều khiển bay... Đường hạ cất cánh của sân bay đáp ứng yêu cầu khai thác của loại máy bay B747- 400 và tương đương; có hệ thống sân đỗ máy bay đáp ứng 14 vị trí đỗ cho đến năm 2020, 23 vị trí đến năm 2030 và từ 25-27 vị trí đỗ cho giai đoạn sau năm 2030. Nhà ga hàng hóa của sân bay Phú Quốc mới có thể đáp ứng từ 2-6 vị trí đỗ máy bay. Nhà ga hành khách sẽ có 2 cao trình tách biệt phục vụ khách đi và đến, với những trang thiết bị phục vụ hiện đại, đáp ứng công suất 4 triệu hành khách/năm. Theo kế hoạch, cảng HK quốc tế Phú Quốc sẽ đưa vào khai thác trong quý III/2012, thay thế hoàn toàn sân bay Phú Quốc hiện hữu.

Theo Cục phó Cục HK Lại Xuân Thanh, cảng HK quốc tế Phú Quốc có thể kết nối với Campuchia, Thái Lan, Singapore, Malaysia và các quốc gia thuộc khu vực Đông Bắc Á.

Miễn thị thực khách nước ngoài đến Phú Quốc

Với vị trí địa lý và vai trò quan trọng của huyện đảo Phú Quốc, Chính phủ đã có những cơ chế chính sách ưu tiên đặc biệt cho Phú Quốc như vùng tự do mậu dịch hay mậu dịch tại cửa khẩu để thu hút đầu tư nước ngoài, áp dụng cơ chế thông thoáng về xuất nhập cảnh. Cụ thể như chế độ cấp thị thực nhập cảnh tại cửa khẩu cho các nhà đầu tư, kinh doanh, khách du lịch nước ngoài; miễn thị thực 15 ngày đối với khách nước ngoài đến Phú Quốc và có thể sẽ được kéo dài thêm thời gian miễn thị thực khi cảng HK quốc tế Phú Quốc đưa vào khai thác chính thức.

Những chính sách ưu tiên của Chính phủ nhằm tạo bước phát triển nhanh về tiềm lực kinh tế, đồng thời từng bước xây dựng đảo Phú Quốc thành trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và du lịch biển tầm cỡ khu vực và quốc tế, hằng năm thu hút khoảng 2-3 triệu lượt khách du lịch. 

Về chính sách vận tải HK, lãnh đạo Cục HK cho biết, VN đang thực hiện chính sách giảm dần sự điều tiết đối với vận tải HK thông qua các thỏa thuận song phương và đa phương. VN đang phát triển thị trường vận tải HK theo hướng tự do hóa, khuyến khích các hãng HK nước ngoài khai thác đường bay đến VN, tạo sự năng động và thúc đẩy tính cạnh tranh của lực lượng vận tải HK trong nước. Riêng 3 cảng HK là Phú Quốc, Cần Thơ và Liên Khương, đang có các cơ chế giảm giá thích hợp cho các hãng HK khai thác mới, như giảm 50% các loại giá dịch vụ tại cảng HK, sân bay với thời gian giảm giá có thể đến 3 năm.

Lãnh đạo Cục HK cũng nói có thể sẽ xem xét, báo cáo Bộ GTVT để áp dụng các chế độ ưu đãi mạnh mẽ hơn nữa.

Một tập đoàn Mỹ đầu tư hệ thống sân bay ở miền Trung

 Theo tin từ Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam ngày 29.7, Tập đoàn máy bay Mỹ ADC&HAS vừa đến khu kinh tế mở Chu Lai khảo sát và làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam về dự án đầu tư phát triển vận hành sân bay Chu Lai. Ông Jeff Scheferman - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc ADC&HAS cho biết đã quyết định đầu tư một hệ thống gồm 7 sân bay ở miền Trung. Trong đó, Đà Nẵng và Chu Lai được ADC&HAS chọn là 2 sân bay chiến lược với định hướng phát triển phục vụ khách du lịch (Đà Nẵng), phục vụ trung chuyển hàng hóa công nghiệp (Chu Lai). Trước đó, ADC&HAS đã làm việc với các bộ, ngành T.Ư, hiện đang tiếp tục cùng Quảng Nam phác thảo dự án chi tiết và thống nhất đầu tư xây dựng sân bay Chu Lai.

ACD&HAS do 3 cổ đông HAS, ADC và OMERS sáng lập. Trong đó, HAS có hệ thống 3 sân bay ở Hilton gồm 11 đường bay; ACD là cổ đông có trên 40 năm kinh nghiệm đầu tư sân bay; OMERS chuyên đầu tư hệ thống hạ tầng cơ sở các nơi trên thế giới với quỹ tài chính 43 tỉ USD.

H.X.Huỳnh

Mai Vọng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.