Cồng chiêng Tây Nguyên đang bị “Tây hóa”

30/07/2010 01:35 GMT+7

Tại Hội thảo âm nhạc truyền thống quốc tế ICTM (diễn ra từ 20 - 30.7 tại Hà Nội, Quảng Ninh), GS Trần Quang Hải, Việt kiều Pháp đã cảnh báo về tình trạng hiện đại hóa và Tây phương hóa cồng chiêng Tây Nguyên.

Theo GS Trần Quang Hải, trước kia ở Tây Nguyên có tới hơn 6.000 dàn cồng chiêng cổ, nhưng giờ chỉ còn khoảng 2.000. Nhiều dàn cồng chiêng cổ đã bị bán lại cho du khách, hay những người buôn đồ cổ. Hiện nay, đang có tình trạng cồng chiêng mới được mua từ nước ngoài về. “Những chiếc cồng chiêng này rất đẹp, âm thanh tốt, cao độ chuẩn nhưng âm giai của nó là nhạc phương Tây, chứ không phải là âm giai nhạc Tây Nguyên”, ông Hải bức xúc.

Ông cho biết, trước kia nghệ nhân mỗi năm chỉ đúc được một cái cồng, một cái chiêng. Cồng chiêng không chỉ được đúc từ đồng đen mà còn được lấy máu trâu vừa bị đâm trét lên trên. Vì thế, âm thanh đánh lên mới nghe như âm thanh của núi rừng. Nhưng hiện có nhiều người trẻ tuổi bây giờ lấy cồng chiêng mà ông bà, cha mẹ để lại, cạo lớp vỏ bên ngoài, bên trong để chỉnh lại âm giai cho giống phương Tây.

Năm 2005, cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và di sản phi vật thể của nhân loại. Tuy nhiên, GS Trần Quang Hải cảnh báo, nếu chúng ta không biết bảo vệ, bảo tồn mà thay đổi, mất đi bản chất cổ truyền thì bằng công nhận rất có thể bị thu lại.

Minh Ngọc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.