Cha mẹ cần tiêm “văcxin” chống bạo lực cho con

31/07/2010 09:04 GMT+7

Câu chuyện bạo lực ở tuổi vị thành niên gần đây, mới nhất là câu chuyện của My “sói” (biệt danh của Đào Thu Hương, 14 tuổi, trong băng cướp nhí vừa sa lưới - Tuổi Trẻ 28-7-2010) dấy lên nhiều mối quan tâm của xã hội.

Mời bạn đọc cùng chia sẻ những cách thức giúp con chống lại bạo lực và không lún sâu vào bạo lực qua cuộc trò chuyện với một người cha - doanh nhân Trần Anh Dũng.

* Ông dạy con tự vệ trước bạo lực thế nào?

- Trước tiên, tôi trang bị cho con những kiến thức về bạo lực/bạo hành, khi nào bị bạo lực. Sau đó tôi dạy con khi bị bạo lực thì phải kêu cứu thế nào. Cụ thể tôi dạy con không được đi một mình trên đường (vì cháu mới 10 tuổi), nếu đứng đợi bố mẹ mà ai đến gần thì phải... hát to lên hoặc làm gì đó gây chú ý nơi mọi người xung quanh. Nếu bị người lạ đánh thì kêu cứu và bình tĩnh chạy về hướng có nhiều người.

Đến trường, nếu bị bạn đánh và đe dọa không được méc cô giáo thì phải nói với bố mẹ. Vấn đề rất quan trọng là làm sao cho con bạn tin và kể hết mọi chuyện trong cuộc sống. Nhưng những gì tôi nói mới chỉ là chữa bệnh ở ngọn, muốn chữa tận gốc thì cần cách khác. Đó là làm cho trẻ có ý thức chống lại bạo lực từ tiềm thức và không hành xử bạo lực với người khác.

* Chống lại bạo lực từ tiềm thức, xin ông nói rõ hơn về điều này?

- Tôi có đọc báo và biết phần lớn trẻ lớn lên trong môi trường bạo lực sẽ dễ hành xử bạo lực. Chính vì vậy tôi luôn cố gắng tạo cho các con môi trường không bạo lực bắt đầu từ việc nêu gương. Khi các cháu còn nhỏ, ra đường thấy cảnh người lớn đánh trẻ em hoặc người lớn đánh nhau, tôi nói với các cháu đó là điều xấu. Bản thân tôi và vợ không bao giờ đánh con. Tôi cũng giám sát việc xem truyền hình của cháu, yêu cầu cháu không xem những chương trình truyền hình bạo lực và không được chơi game đánh đấm, bắn súng.

* Nhưng còn tác động của xã hội nữa, thưa ông?

- Đó là vấn đề tôi nghĩ các bậc cha mẹ đều lo lắng khi không thể bảo vệ con suốt 24/24 giờ, cũng không thể tạo môi trường “vô trùng” ở mọi nơi con mình đến. Nhưng mình có thể tiêm “văcxin” cho con. “Văcxin” đó chính là tình yêu thương và ý thức chống trả bạo lực. Ở nhà, khi hai cháu còn nhỏ, tôi hướng cháu đến việc chăm sóc vật nuôi: mèo, chó, hay chỉ là cá kiểng hoặc một chậu cây...

Cứ mỗi quý, tôi lại cho các cháu đi thăm trại trẻ mồ côi để các cháu tặng quà cho các bạn. Cứ thế tôi gieo vào lòng con mầm yêu thương. Nhưng không để trẻ yếu đuối, tôi cho các cháu học võ để phòng thân. Muốn là người bảo vệ người khác và không bị bắt nạt, chính các cháu phải mạnh mẽ.

* Trong trường hợp con em mình là “đại bàng nhí”, ông nghĩ thế nào và làm gì để giáo dục con?

- May mắn là hai con tôi đều hiền nên câu hỏi này khó với tôi quá! Nếu con tôi là “đại bàng nhí” thì tôi sẽ xem lại cách dạy con, xem mình có nêu gương xấu không, sẽ nhờ một bên thứ ba như cô giáo, nhà tâm lý giải thích cho cháu biết thế là không tốt. Sau đó đặt ra các hình phạt nghiêm khắc và buộc trẻ phải chấp hành, nếu không chấp hành sẽ cắt tất cả những quyền lợi mà cháu được hưởng khi làm một đứa trẻ ngoan.

Tôi cũng sẽ nói chuyện với thầy cô giáo để họ giám sát con giúp mình và bản thân dành nhiều thời gian hơn cho con. Tôi tin rằng nếu đứa trẻ lớn lên trong tình yêu thương và sự chăm sóc đúng mực của bố mẹ thì không bao giờ trở thành “đại bàng nhí”.

* Xin cảm ơn ông!

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.