"Đặc công thủy lên bờ" - Chùm truyện ngắn của Đặng Thị Kim Oanh

31/07/2010 15:23 GMT+7

Xóm nhà chồ ven sông Cà Ty cứ khoảng chín giờ tối là leo lét đèn, phần lớn đã đi ngủ, vài nhà thức thì cũng rón rén như đã canh ba. Nhưng có một căn nhà bé tí thì thường xuyên để đèn. Mời nghe đọc truyện

Thụy chọn chỗ ấy để tiếp nước. Sau khi vo quần dài và chiếc áo thun lại thành một cục tròn như trái bưởi, Thụy nhét nó xuống dưới một miếng ván kênh lên rồi nhẹ nhàng trườn đi. Bàn chân chạm nước mát lạnh khiến Thụy muốn nở một nụ cười.

Cuộc đời trai trẻ của Thụy gắn với sông nước ở đảo Phú Quý. Chẳng biết tại sao người vợ anh lấy do yêu đến phát khùng lên cuối cùng rồi cũng thấy chán. Đúng ra là cô ấy chán Thụy. Anh không đáp ứng được vài điều gì đó của cô. Thế là chia tay, con còn nhỏ được giao cho mẹ. Ra quân không vợ, không con, không tiền, nhưng ông chú lại gọi về cho một mảnh vườn thanh long đang thu hoạch, bảo: “Làm lấy mà ăn, về quê cũng thế. Ngoài ấy tấc đất tấc vàng chẳng chen nổi đâu, khéo lại sinh chuyện giành giật trong anh em”.

Thụy ở lại, chẳng biết trồng thanh long làm sao nên cứ loanh quanh với mấy lão nông trong xóm hỏi kỹ thuật. Ai thấy anh chàng hiền lành, rắn rỏi lại có cái mác cựu đặc công cũng muốn gả con gái cho. Thụy đã ngán đàn bà nên cứ ừ hử qua chuyện.

Chỉ có mỗi cái nghiệp nước chẳng chịu tha anh. Cứ ngày quần quật với vườn, tối Thụy lại xuống sông. Sông Cà Ty thông ra biển, khúc trong hẹp, càng ra ngoài càng rộng, bơi vài trăm mét là đã nghe sóng đập ì oạp. Nước sông, nước biển giao hòa lúc mặn lúc lợ. Mùa tôm vào đẻ, đi bắt tôm là cái thú không thể bỏ được của Thụy. Thế giới dưới nước yên lặng của anh và bọn tôm rất thân thiện.

Thụy đi theo chúng, nhẹ nhàng, không ra tay, cả hai bò dọc bờ kè, nhích dần vào trong, đến một vách đá nhô ra thì nghỉ. Thụy nhìn nó, mỉm cười, khoát tay trườn đi. Đôi khi anh mang theo những chai nhựa đựng nước khoáng, bỏ thức ăn vào trong, lũ cá đối chui vào ăn rồi không ra được, chỉ cần cầm chai lên xóc một cái là cu cậu văng ra, giãy đành đạch.

Đi nhờ cái nhà chồ đó đến ngày thứ mười mấy thì Thụy phát hiện chủ nhà là một cô gái, có vẻ còn trẻ. Cô ngồi quay lưng về phía cửa, chưa bao giờ quay lại. Quan sát phía dưới nhà thấy buộc một chiếc xuồng nhỏ có mấy cái cần xé đựng trái cây, bếp lò, can nhựa... Thì ra cô nàng chèo xuồng bán dạo trên sông. Người nghèo, nhà chẳng có gì, chỉ mỗi cái ti vi lúc nào cũng phát chương trình gì đó, như một nhiệm vụ bất di bất dịch.

Cô ta chắc chưa chồng. Con gái vùng biển lấy chồng không khó nhưng không biết sao chủ nhân căn nhà lại ở không suốt, chẳng thấy đi chơi. Thụy quan sát cô ta nhiều lần mà cô ta chẳng hề hay biết. Vì thế mới có chuyện oái oăm là, một đêm bỗng nghe tiếng dội nước, Thụy vừa định thò chân xuống sông, giật nảy mình, nhìn lên, thấy cô ấy đang bắt đầu việc tắm rửa. Anh vội lao đi, khi về cẩn thận để ý xem chủ nhà ngủ chưa mới lên bờ. Hôm sau cũng vậy, rồi ngày hôm sau nữa...

Giờ thì Thụy đoán cô ấy chẳng hề biết đang bị quan sát. Người cô mảnh mai, chắc do nhiều năm chèo thuyền, tóc dài che hết một phần lưng khi tắm, đèn mờ không nhìn thấy rõ mà cũng chẳng cần rõ. Thụy thấy người ngây ngây như sốt. Anh muốn chuyển giờ ra sông để tránh cảnh muốn xem mà không dám xem, nhưng chẳng hiểu sao cứ đến giờ đó lại đi, lại vo quần áo nhét xuống miếng gỗ, lại nhìn lên và nghe tiếng nước xối.

Qua đến ngày thứ bảy thì Thụy lên cơn sốt thật, ngay khi vừa về đến nhà cô gái.

Anh cố leo lên miếng ván bắc làm cầu rồi ngã vật ra. Anh nhận biết cô gái đỡ mình vào, lau người, thay quần áo, rồi xoa dầu… Khuya anh tỉnh dậy, cơn sốt qua đi cũng nhanh như đến, thay vào đó là một cơn sốt khác khi nằm cạnh anh là cô chủ nhà, mềm mại ấm áp.

Anh ngồi dậy, chưa biết phải làm gì thì một cánh tay đã nhẹ nhàng níu anh xuống. Má con gái mịn như nhung, hơi thở thơm mùi một loại trái cây nào đó mà anh không nhớ nổi, mái tóc dài quấn lấy hai người. May mà nhà chồ làm cũng khá vững…

Thụy đưa cô về giới thiệu với chú. Cô tên là Ba Ngọc, đã hai bảy tuổi, chưa chồng, quanh năm chèo đò đi bán dạo nước ngọt, rượu, trái cây…

Chú Thụy thở ngắn thở dài. Khi Thụy đã đưa Ngọc về, quay lại, chú bảo:

- Chú biết nhan sắc là thứ có hay không cũng chẳng quan trọng lắm, nhưng đàn bà con gái mà hỏng hết một mắt thế này thì…

Thụy cười:

- Chuyện đó có sao đâu chú.

Ông chú cũng không đủ lý lẽ nên chịu thua.

Ngọc kể hồi nhỏ bị anh trai xô ngã trúng cọc nên bị hỏng một mắt. Vì thế cô không lấy được chồng. Thụy nhìn Ngọc nghĩ: “Không hỏng mắt thì chẳng đến lượt mình”. Anh thấy chuyện cô chỉ có một mắt chẳng có gì quan trọng. Cô nhìn rất uyển chuyển, người mềm mại như sợi dây mây, người nhỏ nhưng ngực nở nang, rất thích.

Những lúc hai người với nhau trong đêm Thụy chỉ muốn cô xấu bớt đi để chẳng thằng nào nhòm ngó.

Ba Ngọc yêu Thụy như điên, lúc nào mắt cũng cười, miệng cũng cười, da mặt cứ hồng rực lên. Vắng người một chút là cứ đứng sát vào, không làm gì thì cũng chạm chân, chạm tay. Thụy cũng say Ba Ngọc đến chết người, nhưng anh chẳng dừng lại được. Chín tháng sau Thụy lên chức ba, một con gái, rồi năm rưỡi sau thêm lần nữa, một con trai.

Dân làng ban đầu xì xào về cô dâu một mắt giờ lại hoan hỉ chúc mừng. Ngọc chẳng bao giờ nề hà chuyện chồng thường xuyên đỡ đần chòm xóm nên cuối cùng cô cũng được yêu thương.

***

Tôi mua một miếng đất cạnh nhà Thụy nên lâu lâu lại sang chơi, thấy bên hiên nhà lúc nào cũng có một cái thúng chai loại đường kính một mét, rất sạch sẽ. Một ngày lai rai bên bàn nhậu, Thụy cười cười:

- Hồi mới lấy nhau, hỏi bả thích gì, bả nói thích được tắm trong bồn tắm. Trời đất ơi, ngư dân mà thích bồn tắm. Bây giờ chưa đủ tiền xây, tui xin cái thúng chai cũ, trét dầu rái lên, đêm nào bả cũng tắm, khoái muốn chết.

- Hình như hai người cũng bắt đầu từ chuyện tắm táp gì đó phải không? - Tôi hỏi.

Thụy nháy mắt:

- Nói ra quê chết nhưng mình là đặc công thủy mà thua bả. Tui đi giờ nào, về giờ nào bả biết hết. Bả ưng tui nên bả lập phương án. Bả quyết định tắm như vậy vậy đó, để tui hết chịu nổi phải nhào vô…

Tôi phì cười phun cả rượu ra. Đúng là nếu Ngọc không làm vậy thì làm sao lấy được chồng, Thụy làm sao có vợ. 

Tiếng cười ha hả của hai gã đàn ông còn “sung” khiến Ba Ngọc tò mò. Thấy chúng tôi cứ ngả nghiêng, Ba Ngọc nguýt chồng một cái bằng con mắt còn lại.

Quá tình tứ, quá duyên dáng.

Tôi cũng thấy xốn xang nên phải ra về. 

Tachiana là ai?

Đêm khuya trong ký túc xá có tiếng đàn ghi-ta nhè nhẹ, buồn buồn, ai nghe thì nghe, không nghe thì thôi. Tiếng đàn làm giấc ngủ của tôi có chút xao xuyến. Người ấy ngồi chơi đàn ở chiếc ghế đá gãy hai chân, tựa vào cây phượng già. Cây phượng lúc nào cũng chực đổ nhưng nó vẫn đứng đó, lủng lẳng trên cành những chiếc vỏ, ruột xe đạp của sinh viên bị hỏng. Cây phượng trở thành hậu cảnh, chiếc ghế là trung cảnh và người chơi đàn là ngôi sao sân khấu hào hoa, lãng mạn nhất trong ký ức của tôi.


Minh họa: Văn Nguyễn

Tôi chờ ở cầu thang lúc mười một giờ rưỡi đêm. Chàng xuống, quần jeans, áo thun nam tính, xách cây đàn ghi-ta thùng. Đi quá tôi vài bậc cầu thang, chàng dừng lại, quay nhìn và: “Chào Tachiana”. Tôi mắt to, eo nhỏ, việc gì phải trả lời.

Những buổi trưa và chiều xếp hàng lấy cơm ở nhà ăn ký túc xá, tôi biết có chàng, chàng biết có tôi, không tiến xa hơn, chẳng hiểu vì sao. Đôi lần chàng đứng xích ra nhường chỗ cho tôi và vẫn rất nhỏ: “Chào Tachiana”.

Ra trường, tôi về Phan Thiết, chàng về Mỹ Tho, tôi biết chàng tên là Thông, nha sĩ.

Hai mươi lăm năm sau đi qua Mỹ Tho, không khó để tôi tìm ra phòng khám của chàng. Tôi chờ hết người mới vào. Chàng đã cởi áo bờ-lu, đang nhìn gì đó trong cuốn sổ:

- Xin mời ngồi.

Tôi ngồi.

- Chị bị sao?

- Tôi… đau răng.

Chàng nhìn lên, ngạc nhiên, thích thú, một nét cười thoáng qua. Chàng gấp sổ lại:

- Răng đẹp tuyệt trần, không đau gì hết nhưng phải uống thuốc để giữ mãi vẻ đẹp này.

Tôi im lặng. Tôi nữ tính, ngọt ngào, có gia đình rồi, vì sao phải tiến xa?

Tôi cầm đơn thuốc chàng đã bỏ trong bì thư đi ra. Chàng tiễn đến cửa xe taxi.

Xe chạy, tôi mở đơn thuốc, nhìn thấy: “Chào Tachiana”.

Cái gì nhỉ? Một chuyện tình, một hoài niệm, một niềm vui nhặt được? Không biết.

Và Tachiana là ai trong văn học Nga vậy hả trời?

Chiếc lá


Minh họa: Văn Nguyễn

Cứ đi làm về, cơm nước xong là Bảo lại mang giấy bút ra gọi vợ ngồi bàn bạc. Em tính đi, đất mình còn rộng, trường cấp II gần đây, bỏ không rất phí. Nếu mình xây nhà trọ thì mỗi tháng sẽ có thêm vài triệu, con cái những gia đình ở xa về học có chỗ ăn chỗ ngủ. Diệu ngạc nhiên vì xưa nay chồng có bao giờ nói chuyện làm ăn. Chính vì vậy cô cũng hăng hái tham gia.

Bảo cũng lạ, bao nhiêu năm nay toàn mải chơi, hết bi-da, bia bọt lại cà phê, giờ hai thứ tóc mới nói chuyện làm ăn. Mà cũng phải, Bảo đã quá bốn mươi, để Diệu chèo chống bấy lâu nay, giờ phải đền đáp chứ.

Nhà xây xong, học trò thuê lèo tèo. Trong đám ấy có một con bé cực kỳ dễ thương. Mỗi khi Diệu cho cái gì nó đều cám ơn rất lễ phép. Vườn tược, nhà cửa nó quét dọn đâu ra đấy. Mới một tháng, hai vợ chồng Diệu đều quý nó. Nhất là Bảo, anh cứ xuýt xoa ước gì mình có đứa con gái như thế. Hay mình nhận nó làm con nuôi đi. Diệu nghĩ thầm, khi thì đòi con trai nằng nặc, giờ lại ham con gái, chẳng biết đằng nào mà lần.

Mùa thu đã đến cả tháng rồi mà khí hậu vẫn rất khó chịu. Cứ chiều là oi bức đến ngạt thở. Có mưa còn đỡ, không thì đến Bụt cũng phát cuồng. Hôm nay trời nặng muốn đè sập mái nhà mà vẫn không mưa.

Bảo đi công tác chưa về, mấy đứa con ngủ riêng. Diệu ra nhà trọ gọi con bé qua phòng  mình vì có máy lạnh. Hai cô cháu nằm bên nhau, Diệu hỏi chuyện nhưng hóa ra con bé rất kín miệng, cái gì cũng chỉ dạ dạ. Diệu bảo nó ngủ đi rồi bật ti vi xem phim Hàn Quốc. Khi cô chuẩn bị tắt đèn thì bỗng nhận ra con bé cứ co ro bên mé giường rất tội nghiệp. Diệu nhẹ nhàng bế nó nằm thẳng ra. Khi cúi sát gương mặt nó, cô nhận ra mùi hơi thở rất quen.

Bỗng một cảm giác kỳ lạ không lý giải nổi len vào tâm trí cô, Diệu lật chiếc áo con bé đang mặc. Ngay phần bụng non tơ đang phập phồng của nó là một cái bớt màu đỏ hình chiếc lá.

Đêm tân hôn hai mươi năm trước, Bảo ngượng ngùng nói nhà anh ai cũng có cái bớt hình chiếc lá này, mỗi người mỗi chỗ khác nhau. Ở anh là trên ngực, ở ba anh là bụng. Hai đứa con Diệu cũng có.

Và Diệu vẫn thường hay tủm tỉm cười khi nghĩ đó là dấu vết dễ nhất để nhận biết con cháu dòng họ Trần Vĩnh của chồng mình.

Chùm truyện ngắn của Đặng Thị Kim Oanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.