Cứ tầm 4 giờ chiều, khi con sông Rác nước lên ở đoạn tiếp giáp hai xã Cẩm Trung, Cẩm Lĩnh, có một thầy giáo trẻ đứng đợi các học trò nhỏ ra tập bơi sau một ngày học tập, lao động vất vả. Ý tưởng thành lập "câu lạc bộ bơi lặn Trung Lĩnh" cũng xuất phát từ một việc làm cụ thể. "Vào một ngày nắng hạ đầu năm 2005, trên đường đi dạy về, tôi nghe tiếng trẻ con kêu cứu thảm thương dưới dòng sông Rác. Tôi vứt xe, lao xuống dòng nước lớn cứu hai em nhỏ lên bờ an toàn. Hóa ra đó là hai cậu học trò do tôi chủ nhiệm: Hoàng Văn Hải và Lê Quốc Minh đi học về xuống sông tắm mát nhưng do không biết bơi nên đã sẩy chân trượt vào vũng nước sâu. Đêm đó tôi trằn trọc không ngủ được, nghĩ phải làm một việc gì đó", thầy Lê Văn Tùng chia sẻ.
Ban đầu chỉ là một nhóm học sinh do thầy Tùng kèm cặp dạy bơi, dần dần hình thành nên lớp học bơi miễn phí và nay đã thành câu lạc bộ bơi lặn với số lượng học viên lên đến hàng trăm. Học viên hầu hết thuộc các xã Cẩm Lĩnh, Cẩm Trung, Cẩm Lộc; nằm trong độ tuổi tiểu học đến trung học và có cả một số đoàn viên - thanh niên địa phương. "Chỉ cần các em chưa biết bơi, ham học, và mong biết bơi giỏi là tôi sẵn sàng cho tham gia câu lạc bộ", thầy Tùng cho biết.
Sinh ra ở một vùng quê nghèo có con sông Rác bao quanh, từ nhỏ Lê Văn Tùng đã yêu thích bơi lội và thường cùng chúng bạn ra sông tập bơi. Trong những lần ra sông tự tập bơi ấy, không ít lần cậu bé Tùng bị đuối nước nhưng may mắn thoát chết, và cũng từng chứng kiến cảnh bạn mình bị đuối nước mà không cứu được… Sau khi tốt nghiệp ngành Giáo dục thể chất - trường ĐH Sư phạm Vinh, thầy Tùng được phân công về dạy Thể dục tại trường THCS Cẩm Trung. Về lại quê hương, những kỷ niệm thời thơ ấu trở thành niềm trăn trở trong lòng người thầy giáo. Khát khao làm một việc có ích cho quê hương mà ý tưởng dạy bơi miễn phí cho trẻ em cứ thế ra đời và phát triển.
Không khí học bơi vào một buổi chiều tại câu lạc bộ của thầy Tùng thật sôi động. Ai cũng chăm chú làm theo hướng dẫn của thầy. "Muốn cứu người khác trước hết phải tự cứu mình đã" - đó là câu trả lời chung mà tôi nhận được từ các bạn trẻ nơi đây khi được hỏi đến. Cậu học trò Trần Thế Quý - 14 tuổi, ở xóm 5, xã Cẩm Lĩnh - còn cho biết: "Chúng em là con nhà nghèo, ngoài việc học ra, rảnh rỗi là đi chăn trâu, chăn bò, thả cá giúp gia đình. Việc học bơi không chỉ có lợi cho sức khỏe, tạo tính độc lập, mạnh mẽ hơn mà quan trọng là biết phòng thủ khi gặp nạn. Thầy Tùng dạy bơi không lấy tiền, đó cũng là một diễm phúc lớn cho tụi em. Hiện em bơi được cả trăm mét, được thầy giao hướng dẫn thêm cho các bạn nhỏ khác".
Bản thân thầy Tùng qua 5 năm gắn bó với lớp học đều không thu bất cứ khoản phí nào. Thầy còn đi vận động phụ huynh, động viên các em nhỏ học bơi cũng như tự mày mò tìm hiểu, nghiên cứu soạn giáo án riêng cho từng lứa tuổi, nhóm học viên khác nhau. Bên cạnh đó, do trang thiết bị hỗ trợ cho việc học bơi còn nhiều thiếu thốn, ngoài số phao bơi được một số tổ chức tài trợ đã gần hỏng thì hằng năm, thầy Tùng còn phải tự bỏ tiền túi mua bổ sung dụng cụ phục vụ cho nhu cầu học bơi ngày càng đông tại câu lạc bộ.
Trương Hoa
Bình luận (0)