Riêng trên dòng Thu Bồn thơ mộng, tình trạng thay đổi dòng chảy, bồi lấp cửa sông khiến người dân mất đất sản xuất, nhà cửa bị trôi sập... còn do hậu quả nhãn tiền của việc khai thác cát vô tội vạ ở phía hạ lưu.
Từ tiếng kêu cứu của người dân...
Những ngày mùa hè nóng bỏng này, hàng chục gia đình ở khu vực gò Mồ Côi thuộc xã Điện Phong, huyện Điện Bàn phản ảnh nỗi lo lớn nhất của họ là... đất trôi sông. “Đêm nào ở gò Mồ Côi cũng có hàng chục chiếc ghe hút cát. Ngành chức năng huyện dùng ca nô rượt đuổi đêm này thì đêm khác chúng lại kéo đến hút cát, hút sát tận bờ! Cứ sạt lở như thế này thì gò Mồ Côi sẽ trôi mất”, một cán bộ xã Điện Phong than thở.
Được biết từ hai năm nay, tại khu vực này, Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Điện Bàn đã nhiều lần dùng ca nô rượt đuổi những ghe vào hút cát trái phép, nhưng đâu lại vào đó. Thậm chí nhiều chủ ghe khai thác cát còn ngang nhiên hăm dọa người có trách nhiệm lẫn các hộ dân có phản ứng. Bà Phạm Thị Chiến, ở xã Điện Phong có đất vườn bị sạt lở, kể lại: “Vợ chồng tôi mấy lần ra ngăn cản, liền bị họ hăm dọa vào đốt nhà”.
Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Phan Phước Thăm, có ít nhất 40 ha đất sản xuất cây công nghiệp ngắn ngày trên bãi biền Vĩnh Hà, Thái Dương đã bị xóa sổ trong mười năm qua và sẽ còn tiếp tục mất đất hơn nữa. Mặc dù chính quyền địa phương đã nhiều lần áp dụng biện pháp cứng rắn nhưng vẫn bất lực vì khi có lực lượng chức năng của xã xuất hiện thì các thuyền nổ máy chạy ra giữa dòng; sau đó lại quay lại tiếp tục hút cát. Trên các cánh đồng trù phú của khu vực Gò Nổi là Vĩnh Hà, Thái Dương của thôn Thi Phương, xã Điện Phong, những vết sạt lở còn mới toanh. Một nông dân cho biết: “Gần 5 sào đất trồng ớt xuất khẩu ven sông của gia đình tôi nay chỉ còn hơn một sào. Nếu không ngăn chặn được nạn khai thác cát, bãi biền ni trước sau cũng trôi sông, nông dân chúng tôi sẽ hết đường sinh nhai...” .
|
Càng đi về phía hạ lưu sông Thu Bồn, tình trạng bờ sông bị xói lở càng nghiêm trọng và nạn khai thác càng công khai hơn giữa ban ngày. Tại khu vực thôn Triêm Tây, thuộc xã Điện Phương, Công an thôn Dương Phú Sơn cho biết do khai thác cát, toàn thôn đã mất đi cả chục hecta đất vườn và đất màu, hơn 20 ngôi nhà đầu làng phải di dời trong thời gian qua. “Tại khu vực này, mỗi ngày có 30 thuyền đến hút cát, bình quân hằng ngày mỗi thuyền hút 5 chuyến (mỗi chuyến khoảng 15 mét khối cát) thì làm sao bờ sông không lở cho được!”, anh Sơn nói.
Từ năm 2008, các cơ quan quản lý môi trường đã cảnh báo: Khu vực giáp ranh giữa xã Cẩm Kim - phường Thanh Hà (TP Hội An) và thôn Triêm Tây, xã Điện Phương (huyện Điện Bàn) là “điểm nóng” của nạn khai thác cát. Từ sáng sớm, hàng chục ghe thuyền tấp nập chở cát về phường Thanh Hà ( Hội An) để bán lại cho các doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng. Khai thác theo tốc độ “hủy diệt” khiến trên 400 hộ dân các thôn Trung Châu, Phước Thắng (xã Cẩm Kim) sinh sống dọc bờ sông Thu Bồn cứ "ăn không ngon, ngủ không yên". Những người dân địa phương cho biết đất sản xuất của họ chủ yếu nằm tại bãi ven sông, nhưng đang bị dòng nước khoét sâu vào cả trăm mét. Đặc biệt, hơn 19 ha đất ở bãi Bà Mau đã được UBND xã Cẩm Kim lập phương án phát triển trang trại với tổng kinh phí đầu tư 837 triệu đồng, nhưng do khai thác cát ồ ạt, ảnh hưởng dòng chảy nên 10 ha đất đã bị cuốn theo dòng nước. Trưởng thôn Vĩnh Thành cùng xã Cẩm Kim - anh Lê Văn Hiệp cho hay: "Ngôi trường mẫu giáo trước năm 1999 ở giữa thôn giờ đã ở... bìa làng vì đất cứ lở dần mỗi năm. Vĩnh Thành trước đây có 125 hộ và hơn 500 nhân khẩu. Đất lở từ năm 1999 buộc chính quyền phải lên kế hoạch chuyển dân về các phường trong đất liền. Nay chỉ còn 35 hộ với gần 200 dân, trong đó có 52 em học sinh các cấp. Nạn mất đất ở Vĩnh Thành không chỉ do lũ lụt mà còn là hậu quả của việc khai thác cát vô tội vạ nhiều năm qua...”.
...Đến một dự án bị đe dọa
Trước tình trạng “cát tặc” lộng hành, tháng 8.2009, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã có chuyến công tác kiểm tra tình hình cùng với lãnh đạo Sở Tài nguyên - Môi trường, Thanh tra giao thông và UBND huyện Điện Bàn để xác định khu vực được phép khai thác và làm rõ nguồn thu từ việc cho phép khai thác cát, đề xuất các giải pháp kể cả việc dừng xuất khẩu cát. Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cũng giao nhiệm vụ tăng cường kiểm tra các phương tiện vận chuyển cát và các biện pháp bắt giữ thuyền hoạt động trái phép, vi phạm pháp luật... Tuy vậy đã một năm qua, hoạt động khai thác cát trên sông Thu Bồn vẫn không giảm mà còn lộng hành hơn. Một người dân tại Điện Bàn kể: “Việc khoán cho một đơn vị kinh doanh vận tải đường sông thu lệ phí khai thác mỗi mét khối cát 3.000 đồng của chính quyền địa phương lâu nay chẳng khác nào chỉ đường cho hươu chạy!” |
Ông Quốc đã đầu tư hơn 5 tỉ đồng xây dựng kè chống xói lở dọc bờ sông để bảo vệ những khu vườn, sử dụng toàn bộ những ngôi nhà dân dã hiện có, chỉ cải tạo hệ thống vệ sinh và chỗ ngủ; xây dựng 2 hồ bơi dưới bóng tre rợp mát, chỉnh trang những con đường đất quanh co dưới bóng cây và xây dựng thêm một nhà ngắm sông ở đầu xóm...Ba ngôi nhà đầu làng đã hoàn chỉnh cùng với việc sử dụng 30 thợ thủ công và đào tạo 12 thôn nữ phục vụ lễ tân, hướng dẫn du khách đi thăm làng nghề dệt chiếu, nghề nông của cư dân địa phương...
Ông vừa chỉ tay ra sông Thu Bồn vừa nói với chúng tôi: “Tôi và bà con Triêm Tây khôi phục lại làng quê, xây kè, đắp thêm đất và trồng tre chống xói lở bờ sông này trong khi hàng chục ghe thuyền vẫn ngang nhiên hút cát ngoài kia như đang thách đố vậy! Trận lụt năm ngoái đã lở sâu vào gần 10 mét. Chính quyền địa phương, công an xã cũng đã tăng cường kiểm tra, xua đuổi nhưng chưa thể dẹp dứt điểm. Chúng tôi đã kiến nghị lên huyện, lên tỉnh nhiều lần nhưng chưa có kết quả. Chủ tịch huyện Điện Bàn có đến đây thị sát và hứa sẽ ngăn chặn để dự án được an toàn, nhưng như các anh thấy đó, chẳng ăn thua gì...”
Còn trưởng thôn Triêm Tây Nguyễn Văn Bòng cho biết toàn thôn có gần 700 dân thuộc 147 hộ thì hơn một nửa làm nghề dệt chiếu và số còn lại làm nghề nông. Dự án Homestay Điện Phương này sẽ giúp Triêm Tây sớm thay đổi hình ảnh một làng quê nghèo khó, con em sẽ được đào tạo làm du lịch, lái thuyền chở du khách từ Hội An lên... thay vì cứ đi làm ruộng, còng lưng dệt chiếu... “Nhưng nếu tình trạng kẻ làm người phá ni không ngăn chặn được, thì dân tui cũng chỉ biết kêu trời như lâu nay thôi!”, ông nói.
Ngoài kia, những chiếc thuyền máy hút cát vẫn phun khói đen sì giữa lòng sông Thu Bồn như một thách thức. Và tôi hiểu thêm, vì sao trong 30 năm qua, đô thị cổ Hội An ngày càng ngập lụt sâu hơn cùng với cửa Đại, nơi sông Thu Bồn chảy vào biển Đông đã bị thu hẹp, đã bị cạn dần và dịch chuyển về phía nam hơn hai trăm mét, như các nhà khoa học thủy văn đã minh chứng.
Trương Điện Thắng
Bình luận (0)