Dấu vết cổ xưa nhất của loài bò sát

01/08/2010 19:46 GMT+7

Các nhà khoa học vừa công bố phát hiện về dấu vết hóa thạch của loài bò sát sống cách đây hơn 318 triệu năm. Điều này cũng cho thấy rằng bò sát là loài động vật có xương sống đầu tiên chinh phục vùng đất khô ráo.

Theo báo Daily Mail, những dấu vết hóa thạch được tìm thấy bởi tiến sĩ Howard Falcon-Lang (Đại học London, Anh), tại vách đá trên vịnh Fundy, New Brunswick, Canada. Nơi phát hiện hóa thạch là một dòng sông đã khô cạn cách biển đến hàng trăm dặm. Cuộc nghiên cứu cho thấy loài bò sát đã đi tiên phong, mở đường cho sự đa dạng sinh học trên đất liền mãi đến ngày hôm nay. Bò sát có thể sinh sống hoàn toàn trên cạn mà không cần phải quay lại môi trường nước để thở như những loài lưỡng cư có họ hàng khá gần với chúng.

Theo giáo sư Mike Benton thì dấu vết của loài bò sát có niên đại vào kỷ Carbon, lúc mà thế giới còn là một lục địa duy nhất. Cuộc sống hoang sơ thời đó bị hạn chế ở những khu vực đầm lầy ven biển, nơi mọc đầy những cây dương xỉ khổng lồ và có nhiều loài chuồn chuồn bay lượn. Rồi loài bò sát di chuyển đến, đẩy biên giới sự sống lùi sâu vào phần nội địa hơn trước.

Tạ Xuân Quan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.