Dễ đau dạ dày vì stress

02/08/2010 10:03 GMT+7

Hiện chưa có thuốc phòng ngừa bệnh dạ dày nên phương pháp ngăn ngừa tốt nhất là sống lành mạnh, tinh thần thoải mái, lạc quan...

Áp lực công việc và cuộc sống ngày càng căng thẳng đã khiến không ít người luôn trong tình trạng stress, mất cân bằng trong sinh hoạt hằng ngày... Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cho tỉ lệ bệnh dạ dày có khuynh hướng gia tăng. Nếu tình trạng này càng kéo dài, không được điều chỉnh và chữa trị kịp thời sẽ dẫn đến những biến chứng như xuất huyết dạ dày, hẹp môn vị hoặc nặng hơn là ung thư dạ dày.

Chủ quan với những dấu hiệu ban đầu
 
Thông thường, chúng ta hay chủ quan, ít quan tâm đến các biểu hiện ban đầu của bệnh dạ dày vì triệu chứng có thể chỉ thoáng qua, xuất hiện vài lần rồi hết. Đa số người bệnh đều thản nhiên bỏ qua hoặc chịu đựng cho qua cơn mà không chịu đi khám để được điều trị đúng cách. Bên cạnh đó, có không ít bệnh nhân lại lầm tưởng các triệu chứng của bệnh dạ dày sang các bệnh lý khác vì những biểu hiện bệnh gần tương tự.
 
Điển hình như một bệnh nhân ở quận Tân Bình-TPHCM, mới đây đã nhầm chứng trào ngược dạ dày thực quản với bệnh tim vì thấy có những triệu chứng như đau tức ngực, cứ 5 phút lại cảm thấy nghẹn và khó thở. Đến khi đi khám và làm đủ các xét nghiệm về bệnh tim thì hoàn toàn bình thường nhưng lại phát hiện mắc chứng trào ngược dạ dày thực quản. Chỉ khi điều trị đúng cách bằng các thuốc kháng axít và thuốc chống tiết axít thì triệu chứng đau thắt ngực mới giảm và khỏi hẳn.
 

Áp lực công việc gián tiếp làm tăng axít dịch vị

Gần đây, Công ty United Pharma Việt Nam và Bệnh viện ĐH Y Dược phối hợp tổ chức hội thảo “Các bệnh lý dạ dày liên quan đến lối sống hiện nay” với sự tài trợ của nhãn hàng thuốc giảm đau nhanh Kremil-S nhằm giải đáp đầy đủ những thắc mắc về bệnh lý dạ dày cũng như cách phòng ngừa và điều trị. Khi đối mặt với các áp lực trong công việc, stress, căng thẳng quá độ, bỏ bữa, mất cân bằng trong sinh hoạt hằng ngày sẽ kích thích dạ dày tiết ra lượng axít dịch vị cao hơn mức bình thường và người bệnh dễ gặp các triệu chứng như nóng rát dạ dày, đau co thắt vùng thượng vị, buồn nôn, ợ chua...

Chứng trào ngược dạ dày thực quản là một căn bệnh được biết đến từ khá lâu, những năm gần đây, căn bệnh này có khuynh hướng gia tăng cùng với sự phát triển của xã hội và các thay đổi trong lối sống hằng ngày. Bệnh có những dấu hiệu mà bệnh nhân hoàn toàn không để ý tới và dễ nhầm lẫn với các bệnh khác. Triệu chứng quan trọng nhất là cảm giác nóng rát ở giữa ngực và có chiều hướng trào lên cổ gây nghẹn hoặc vướng ở cổ. Có khi làm bệnh nhân ho khan về đêm, khàn giọng, viêm họng kéo dài nên bệnh nhân thường đi khám về tai-mũi- họng hoặc hô hấp mà chữa trị hoài không khỏi. Đến khi được phát hiện đúng chứng trào ngược dạ dày và điều trị tích cực thì các triệu chứng trên mới cải thiện rõ rệt. Trào ngược dạ dày thực quản là một điển hình cho việc ảnh hưởng của lối sống hiện nay gây ra.      
 
Hiểu biết để phòng tránh
 
Bệnh dạ dày là căn bệnh khá phổ biến. Khi xã hội ngày càng phát triển thì tỉ lệ người bị bệnh cũng ngày càng tăng cao. Bên cạnh đó, bệnh dạ dày còn do tình trạng nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori, lây qua đường tiêu hóa. Đặc biệt, bệnh có thể lây lan trong cộng đồng, trong tập thể và nhất là trong gia đình. Do vậy, có khi cả nhà đều bị nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori vì ăn uống chung và không bảo đảm  vệ sinh khi ăn uống. Chính vì thế, người bệnh cần sử dụng riêng các vật dụng để ăn uống như muỗng, đũa... và thậm chí không sử dụng chung các chén nước chấm để tránh lây lan cho cả nhà. Khi phát hiện nhiễm vi khuẩn, các thành viên trong gia đình cũng nên đi khám và chữa trị cùng lúc. 
 
Hiện nay, chưa có thuốc nào để phòng ngừa bệnh dạ dày. Phương pháp ngăn ngừa tốt nhất không nằm ngoài việc thực hiện nếp sống lành mạnh, tạo một trạng thái tinh thần thoải mái, lạc quan và hạn chế tối đa các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá.
 
Trong trường hợp bị đau dạ dày do dư axít, người bệnh có thể dùng tạm thời các thuốc trung hòa axít để cắt cơn đau nhanh chóng. Nếu vẫn còn đau liên tục hoặc mức độ đau tăng lên, cần đi khám bệnh để được chẩn đoán và điều trị chính xác hơn.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.