- Trước hết, tôi muốn bạn phân biệt được 2 hiện tượng có triệu chứng biểu hiện tương đối giống nhau như tê mỏi, khó chịu...; đó là tính dị ứng thực phẩm và khả năng không chấp nhận thực phẩm.
- Tính dị ứng thực phẩm: là một đáp ứng của hệ miễn dịch cơ thể, chính vì thế người thật sự dị ứng với một thực phẩm nào đó sẽ xuất hiện ngay các triệu chứng khi ăn một lượng dù rất nhỏ thực phẩm đó. Thực tế cho thấy, chỉ có khoảng 2 - 4% (đối với người lớn) và 6 - 8% (đối với trẻ em) dân số thế giới thật sự dị ứng với nhóm thực phẩm nhất định.
- Tính không chấp nhận thực phẩm: thường là đáp ứng của hệ tiêu hóa, vì thế các triệu chứng sẽ xuất hiện khi ăn một lượng lớn thực phẩm và tùy vào cơ địa của từng người, một số người có thể có tính không chấp nhận thực phẩm với bất kỳ loại thực phẩm nào như bia, rượu, bột ngọt hay cà phê... Do đó, tính không chấp nhận thực phẩm phổ biến hơn tính dị ứng thực phẩm.
Đối với câu hỏi của bạn, liệu bột ngọt có phải là chất gây dị ứng không thì tôi xin trả lời: Ủy ban Codex về thực phẩm (Codex Alimentarius Commision) xếp bột ngọt vào nhóm các chất phụ gia thực phẩm được phép sử dụng trong thực phẩm và không thuộc nhóm chất gây dị ứng thực phẩm như hải sản, một số loại cá, đậu phộng, đậu nành... Bên cạnh đó, hiện nay bột ngọt đã được nhiều tổ chức y tế và sức khỏe hàng đầu trên thế giới chứng nhận là một gia vị an toàn khi sử dụng trong chế biến thực phẩm.
Như vậy, về bản chất, bột ngọt không phải là chất gây dị ứng. Tuy nhiên, cũng giống như một số thực phẩm thông thường khác, một số ít người nhạy cảm có thể biểu hiện những triệu chứng không chấp nhận thực phẩm nhưng chỉ thoáng qua và không ảnh hưởng đến sức khỏe. Đối với những người thuộc trường hợp này, họ chỉ nên sử dụng một lượng bột ngọt vừa phải, phù hợp với cơ địa dị ứng của bản thân mình trong nấu nướng ở gia đình.
Thạc sĩ - bác sĩ Chu Quốc Lập
(Nguyên Phó cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế)
Bình luận (0)