Mẹ kể rằng, ngoại dạy con gái khi ngồi ăn cơm không được khua chén đũa, ăn xong đặt đũa cho ngay ngắn chứ không quăng ngã chỏng gọng trên bàn. Ăn cơm uống ít nước thôi, vì uống nhiều nước sẽ làm cho bụng to phình. Khi ăn, phải biết “ăn coi nồi, ngồi coi hướng”, nghĩa là phải nhìn xem có bao nhiêu người ăn mà biết để phần.
Hôm trước, tôi được đi dự đám cưới cùng với mẹ, trước khi đi mẹ cho tôi ăn một miếng xôi, dặn rằng phải ăn uống lịch sự chứ đừng vồ vập quá. Đến đây, tôi chợt nhớ đến cuốn tiểu thuyết Cuốn theo chiều gió, cô nàng Scarlett cũng được dạy rằng phải ăn một ít trước khi đến dự tiệc, để giữ phong cách quý tộc tiểu thư, chứ ăn uống nhồm nhoàm quá coi sao được. Tại bữa tiệc cưới đó, trong bàn có một cậu bé 8 tuổi con của một cô đồng nghiệp với mẹ. Thằng bé cứ dùng đũa sục tung dĩa gỏi bưởi để lựa tôm thịt, trong bàn chẳng ai nói gì, nhưng về nhà mẹ dạy cho chúng tôi rằng việc làm đó rất mất lịch sự vì không vệ sinh - dùng đũa riêng mà quậy trong đĩa dùng chung của cả bàn. Mấy bữa sau, chị Hai tồ đi học về đến nhà, đã kể ngay: “Con thấy mẹ nói thiệt đúng, ở lớp con hôm nay liên hoan, nhỏ Thảo thò tay vô hộp đậu để lựa hột wasabi rồi cho vào miệng, con thấy thiệt là kỳ, con không dám ăn cái hộp đó nữa...”.
Mẹ luôn nhắc chị em tôi khi cười không được cười đưa “nguyên hàm”. Hồi xưa, bà ngoại bắt mấy dì với mẹ tập cười trước gương, làm sao khi cười không được lòi nướu răng. Ăn cơm không được nhai nhồm nhoàm, khép miệng chứ không được vừa ăn vừa nói tràn cơm ra ngoài, trông thật mất duyên. Tôi và chị Hai cũng phải cố tập giống vậy. Mẹ hay nói con gái cần cái duyên hơn là đẹp, vì duyên thì còn hoài và đẹp đến già cũng sẽ hết.
Hè đến, ba mẹ nói cho chúng tôi đi học nấu ăn. Mẹ bảo mỗi ngày chúng tôi phải tự dọn một mâm cơm lên cho cả nhà. Chị Hai có cái tật múc cơm rồi trây trét lên miệng chén, mẹ bắt phải dở hết cơm lên rồi bới ra chén, phần cháy ở dưới lột lên một lần cho nguyên miếng cháy, để màu của cơm cháy không dính vào phần cơm thịt, nhìn chén cơm mới ngon. Không bao giờ trét phần cơm ở muỗng lên miệng chén, cầm chén cơm thấy dính tay và mất vệ sinh. Thiệt là khó, mà sao tập hoài vẫn cứ quên!
Hôm nọ, ba đưa cả nhà đi Vũng Tàu, rủ thêm chị Phương tồ và Châu dễ thương nhà dì Bảy đi cùng. Trên xe, ba mẹ giảng giải đủ thứ chuyện, nào là xe chạy phải theo tín hiệu gì, làn xe nào, bà nội dạy ba cách luộc rau ra sao... Ba giảng giải cặn kẽ như một thầy giáo. Mẹ hỏi chị Phương thấy sao, chị Phương nói ở nhà dì Bảy cũng vậy, đang xem phim Hàn Quốc, đến đoạn nào, dì Bảy cho dừng lại rồi giải thích cho mấy chị phải như thế này như thế kia.
Tôi chợt nghĩ, người ta có câu con nhà gia giáo là đúng. Ngoại giáo dục mấy dì, đến mẹ và mấy dì dạy lại cho chúng tôi. Mẹ kể hồi xưa, ngoại bắt mấy dì và mẹ đội cuốn tập lên đầu đi thẳng lưng ngay hàng trong một ô gạch. Mà ô gạch hồi xưa chỉ rộng có 20 cm thôi đó nha, không phải 60 cm như bây giờ đâu. Hai chị em tôi cũng cố làm theo nhưng vẫn chưa tài nào làm được.
Chị Hai có tật gãi đầu, gãi tai và gãi đủ thứ, cũng bị mẹ nhắc nhở đừng làm vậy vì người đối diện thấy ghê. Hồi bữa chị Hai về nói với tôi, ở lớp học chị Hai có chị Lan cũng có tật gãi đầu liên tục, chân tay thì không chịu cắt tỉa móng, để cáu bẩn mà mặc đồ thì thiệt là mô-đen, chị Hai bị xếp ngồi gần, thấy kỳ gì đâu. Vậy mà ở nhà, mẹ nhắc thì chị Hai lại nói “mẹ la con hoài”. Tội nghiệp chị Hai tồ của tôi lắm.
Nhỏ Hân trong lớp tôi, đi học thì mặc đồng phục, còn đi chơi mặc quần short ngắn đến bắp đùi. Tôi thấy ngại gì đâu, vì ở nhà mẹ không bao giờ cho chúng tôi mặc đầm hay quần short ngắn quá đầu gối. Mẹ nói phụ nữ Á Đông thì phải như vậy, đừng nên ăn mặc hở hang quá, người ta đánh giá mình không đàng hoàng. Để chọn người đàn ông đàng hoàng, trước hết mình phải là người đàng hoàng cái đã.
Mỗi ngày một ít như mưa dầm thấm lâu, mẹ đã dạy dỗ cho chúng tôi từng chút một. Dẫu có bực mình vì luôn bị nhắc nhở, nhưng những lời dạy của mẹ và ngoại, tôi sẽ chẳng bao giờ quên.
Thiên n
Bình luận (0)