Nỗi lo quên tiếng mẹ đẻ

03/08/2010 14:41 GMT+7

Tình trạng chuộng tiếng Anh ở Indonesia đã đến mức báo động khi nhiều người từ bỏ ngôn ngữ bản xứ.

Tại một trung tâm thương mại ở Indonesia, ba đứa con của chị Paulina Sugiarto, 34 tuổi, vừa chơi đùa vừa chuyện trò với nhau bằng tiếng Anh một cách lưu loát. Điều đó khiến các bậc cha mẹ khác không khỏi ngưỡng mộ và bàn tán.

Tiếng Bahasa Indonesia bị o ép

Những đứa trẻ này dù sinh ra và lớn lên ở Indonesia, chúng đang phải vật lộn với ngôn ngữ của người Indonesia, được gọi là Bahasa Indonesia. Báo The New York Times (Mỹ) cho biết cha mẹ chúng nói tiếng Indonesia nhưng học đại học ở Mỹ và Úc, trò chuyện với con cái bằng tiếng Anh. Bọn trẻ thì đi học ở trường tư, nơi tiếng Anh là ngôn ngữ dạy học chính.
 
Chị Sugiarto khẳng định: “Chúng biết chúng là người Indonesia. Chúng yêu đất nước Indonesia. Có điều chúng không nói được tiếng Bahasa Indonesia. Đó là một bi kịch”.
 
Di sản ngôn ngữ của Indonesia đang ngày càng bị đe dọa khi số gia đình giàu có và tầng lớp thượng lưu, trung lưu tránh xa trường công lập, nơi tiếng Indonesia vẫn là ngôn ngữ chính, còn tiếng Anh chỉ được dạy một cách qua loa. Họ cho con đến các trường tư tập trung vào việc học tiếng Anh và dành rất ít thời gian (nếu có) cho tiếng Indonesia.
 
Trong khi đó, đối với nhiều người Indonesia, sự thành thạo tiếng Anh gia tăng khả năng có một chỗ đứng trong xã hội, còn người chỉ biết tiếng Indonesia bị đẩy xuống vị trí hạng hai. Bà Uchu Riza, một người mở trường tư, nhận xét rằng một số người Indonesia muốn từ bỏ tiếng Indonesia để đổi lấy một ngôn ngữ có vị thế cao hơn. Bà nói: “Đôi khi người ta còn xem thường những người không nói được tiếng Anh. Ở một số gia đình, bọn trẻ thậm chí không nói chuyện với ông bà được bởi vì chúng không biết nói Bahasa Indonesia”.
 
Sự điều chỉnh cần thiết
 

Tâm lý các bậc cha mẹ

Theo nhà tâm lý Anna Surti Ariani, một số cha mẹ thậm chí còn tự hào rằng con cái họ nói không sõi tiếng Indonesia. Thêm vào đó, các trường còn khuyên các bậc cha mẹ nói chuyện bằng tiếng Anh với con cái lúc ở nhà ngay cả khi họ không sử dụng trôi chảy ngôn ngữ này. Chị Della Raymena Jovanka, 30 tuổi, cho đứa con 4 tuổi của mình tham gia nhóm chơi tiếng Anh và vào một nhà trẻ cũng nói tiếng Anh. Ngoài ra, chị chỉ cho phép con xem các chương trình truyền hình tiếng Anh. Chị tâm sự: “Thực tình mà nói, tôi muốn cháu thông thạo tiếng Anh. Thế nhưng, điều đó có thể gây trở ngại lớn trong quá trình hòa nhập xã hội của cháu. Cháu là người Indonesia và đang sống ở Indonesia”.

Thái độ chuộng tiếng Anh hơn ở Indonesia đã bắt đầu bị chỉ trích. Năm 2009, cô gái có cha là người Indonesia và mẹ là người Mỹ đã đăng quang ngôi vị hoa hậu Indonesia, dù trình độ tiếng Indonesia của cô thật kém cỏi. Sau này, các giám khảo bị lên án vì đã choáng ngợp trước sự thông thạo tiếng Anh của cô và đã không để ý đến chi tiết cô cần phải có người thông dịch sang tiếng Anh các câu hỏi của ban giám khảo.
 
Aimee Dawis, một giáo viên, nhấn mạnh: “Dưới thời tổng thống Suharto, Bahasa Indonesia là ngôn ngữ duy nhất được sử dụng ở Indonesia. Điều đó đã tạo ra sự đồng nhất bởi vì tất cả chúng tôi đều nói tiếng Bahasa Indonesia. Bây giờ, người ta đang dần quên lãng tiếng Bahasa Indonesia. Điều đó đã xảy ra một cách tự nhiên”.
 
Gần đây, Chính phủ Indonesia thông báo yêu cầu tất cả mọi trường trung học tư nhân phải dạy ngôn ngữ chính thức của nước này cho học sinh người Indonesia vào năm 2013. Ông Suyanto, giới chức giám sát bậc tiểu học và trung học tại Bộ Giáo dục Indonesia, nhận định: “Những trường này hoạt động ở đây nhưng không dạy tiếng Bahasa Indonesia cho công dân chúng tôi. Nếu chúng tôi không điều chỉnh, về lâu dài, điều này có thể khiến ngôn ngữ của chúng tôi lâm nguy”. 

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.