Quản lý nhà nước và giá sữa

03/08/2010 01:00 GMT+7

Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) đã từng công bố những số liệu rất chi tiết, khẳng định giá sữa bột ngoại tại VN cao hơn nhiều lần so với mặt hàng cùng chủng loại ở một số nước khác. Nhưng tuyên bố của cơ quan này cũng khiến không ít người tiêu dùng thất vọng: không phát hiện được dấu hiệu gian lận nào!

Việc cơ quan quản lý nhà nước không chứng minh được giá sữa tại VN cao hơn là do gian lận đang khiến người tiêu dùng VN một lần nữa phải cắn răng chấp nhận các đợt tăng giá sữa liên tiếp. Dư luận có thể không thôi nghi ngờ về việc các doanh nghiệp sữa đang bắt tay nhau để liên tục tạo ra mặt bằng giá mới nhưng nếu cơ quan quản lý nhà nước, có trách nhiệm, không điều tra để chứng minh được cáo buộc này thì về mặt luật pháp đúng là không thể xử lý được họ. Song rất cần phải nhìn lại, quản lý nhà nước đã làm gì trong câu chuyện về giá sữa? Giá cả là vấn đề của cung-cầu và thị trường, điều đó đúng.

Nhưng khi yếu tố thị trường trở thành không bình thường (tỷ trọng giá sữa so với thu nhập quốc dân đặc biệt cao, lợi nhuận cao bất thường của các doanh nghiệp sữa, giá bán cao gấp 3-4 lần sữa bột nguyên liệu…) thì cần sự can thiệp của Nhà nước. Ở nước ngoài, rất có thể doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có dấu hiệu đó sẽ bị điều tra bởi một cơ quan về quản lý giá hoặc bảo vệ người tiêu dùng.

Còn ở VN, mỗi khi dư luận rộ lên phàn nàn về việc giá sữa lại tăng (trung bình khoảng 4-6 lần/năm trong 3 năm trở lại đây), cơ quan quản lý lại ra tuyên bố "thanh tra giá sữa", "quản lý chặt giá sữa"… nhưng xem ra đó giống như động tác chính trị hơn là quan tâm đến kết quả thực.

Kết quả đợt thanh tra giá sữa của Thanh tra Bộ Tài chính hồi cuối năm 2009 chỉ ra rằng, nhiều loại sữa nhập ngoại đang bán trên thị trường cao gấp đôi giá vốn và người tiêu dùng phải gánh quá nhiều chi phí. Trong đó có rất nhiều chi tiết phải đặt câu hỏi. Nhưng sau công bố ấy, không có bất kỳ động tác xử lý nào tiếp theo. Trong khi về mặt nguyên tắc, với những khoản chi phí bất hợp lý, vượt quá quy định ấy hoàn toàn có thể phải được thu hồi trả lại cho người tiêu dùng hoặc sung vào quỹ bảo vệ người tiêu dùng chẳng hạn (nếu chưa có thì có thể cần lập ra).

Lâu nay cơ quan quản lý Nhà nước đang vin vào "lỗ hổng pháp lý" để lý giải cho việc không thể xử lý doanh nghiệp sữa, dù biết là tăng giá bất hợp lý. Lý giải này hoàn toàn không thuyết phục, khi mà lỗ hổng ấy do chính cơ quan quản lý tạo ra (thông tư lại thu hẹp đối tượng chịu sự quản lý giá so với Pháp lệnh Giá), hơn nữa công cụ là Pháp lệnh Giá cũng chưa được sử dụng hết.

Hôm qua, khi trả lời PV Báo Thanh Niên, ông Cục phó Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) nói rằng: do 80% nguyên liệu sữa nhập khẩu nên khó xác định giá vốn nhập khẩu và đây là yếu tố khiến doanh nghiệp dễ lợi dụng để tăng giá! Thật là buồn cười, vì ai cũng biết rằng, với điều kiện thông tin, công nghệ hiện nay, chỉ cần một lá thư, ông ấy có thể có hàng trăm thư chào để cơ quan quản lý Nhà nước về giá ở VN có thể biết chính xác giá vốn một 1 kg sữa nhập khẩu là bao nhiêu. 

An Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.