Các nhà khoa học nhận ra rằng cơ chế làm việc của mắt và não không cho phép con người đưa ra những quyết định trong khoảng thời gian ngắn - Ảnh: AFP |
Các cuộc nghiên cứu về não bộ tại các trường đại học danh tiếng ở Mỹ đã tìm ra nguyên nhân vì sao các trọng tài thường hay mắc lỗi.
World Cup 2010 đã kết thúc nhưng cho đến tận thời điểm này, dư âm của nó vẫn còn đọng lại. Tại giải vô địch thế giới vừa qua, những phán quyết gây tranh cãi của các trọng tài đã khiến người ta đặt câu hỏi liệu con người có thể đảm nhận công việc cầm cân nảy mực các trận đấu bóng đá một cách hoàn hảo hay không.
“Trong rất nhiều tình huống, người ta có thể ngạc nhiên khi trọng tài ra quyết định sai lầm. Tuy nhiên, đứng về khía cạnh tâm sinh lý, đặc biệt là ở những thời điểm quyết định, sai sót là có thể hiểu được”, giáo sư David Meyer, giám đốc viện nghiên cứu về não của Đại học Michigan - Mỹ, cho biết, “Các CĐV thường dễ dàng bày tỏ nỗi thất vọng mỗi khi trọng tài mắc sai lầm. Thế nhưng, để đưa ra quyết định chính xác trong vòng vài phần trăm giây không phải là điều luôn luôn thực hiện được”.
Để đưa ra quyết định chính xác trong vòng vài phần trăm giây không phải là điều luôn luôn thực hiện được” |
||
Giáo sư David Meyer |
||
Giải thích một phần nguyên nhân của các quyết định sai lầm mà các ông vua sân cỏ đưa ra, Meyer cho biết: “Đôi khi có những tình huống diễn ra quá nhanh khiến các trọng tài không kịp quan sát. Để đưa ra quyết định, họ phải dựa vào kinh nghiệm từng trải qua trong quá khứ và đây chính là nguyên nhân của những quyết định sai lầm”. Bên cạnh đó, góc độ quan sát cũng là một phần khiến cho trọng tài không thể nhận định đúng. “Tương tự như khi lái xe, có những điểm mù mà tài xế không thể quan sát. Do đó, trọng tài hoàn toàn có thể bị mất khả năng quan sát nếu đứng ở một vị trí không tốt”, giáo sư Marcus giải thích.
Các nhà khoa học và các trọng tài đều đồng ý với nhau rằng khả năng quan sát sẽ được nâng cao nếu chịu khó tập luyện. Tuy nhiên, tập luyện cũng không thể giúp trọng tài không mắc sai lầm. “Bạn có thể tập luyện khả năng quan sát hằng ngày. Dù vậy, khi phải đưa ra quyết định trong vòng vài phần trăm giây, với tốc độ quả bóng khoảng 100km/g, sự chính xác là điều khó xảy ra”, Kevin Gee, giám đốc trung tâm khoa học thể thao, trường Đại học Houston, phân tích.
Các nhà khoa học cũng cho rằng việc không ứng dụng công nghệ cao nhằm hỗ trợ trọng tài cũng có mặt tốt của nó. “Trong cuộc sống, bạn sẽ chẳng thể nào xem lại băng ghi hình để sửa chữa sai lầm. Bằng cách không sử dụng công nghệ, cuộc chơi có thể sẽ thêm phần kịch tính”, Meyer nhận định.
Hải Lâm
Bình luận (0)